Đầu tư

Trang chủ » » Bạn nên cân nhắc đến việc mua lại một doanh nghiệp nhỏ. Nhưng khi nào thì thích hợp?

Bạn nên cân nhắc đến việc mua lại một doanh nghiệp nhỏ. Nhưng khi nào thì thích hợp?

29/03/2017

Chuyên mục: Đầu tư In trang

Trong vòng 5 năm trở lại đây, chúng tôi có tổ chức một khóa học tại trường Kinh doanh Harvard để cho các sinh viên biết cách tìm kiếm, mua lại và điều hành doanh nghiệp nhỏ. Khóa học luôn được tiến hành vào kỳ mùa xuân năm thứ hai của chương trình học 2 năm, và quả thực, khi tốt nghiệp, sinh viên của chúng tôi phải quyết định liệu họ có tìm kiếm một công ty để mua lại hay không và nếu có thì khi nào sẽ mua?

Mỗi năm khoảng 1/3 trong số 80 sinh viên quyết định bắt đầu tìm kiếm việc làm ngay khi tốt nghiệp, 1/3 cho rằng con đường sự nghiệp không có ý nghĩa gì với họ, và 1/3 cho chúng tôi biết sẽ làm việc trong vòng một vài năm, học hỏi một chút kinh nghiệm về kinh doanh, thực hiện một số nghĩa vụ, trả vài khoản nợ, nhưng chắc chắn rằng, trong vong 2 năm hoặc ít hơn, họ sẽ tìm kiếm một doanh nghiệp để mua lại.

Hiện thực không hề dễ dàng: chỉ một hoặc hai sinh viên trong số đó, theo như chúng tôi biết, thực sự rời bỏ công việc sau vài năm để bắt đầu việc tìm kiếm một công ty để mua lại. Bất kể ý định và logic của nhóm thứ ba kể trên là gì, thực tế là họ hiếm khi bắt đầu tìm kiếm trong vòng 5 năm sau khi rời trường kinh doanh.

Khi đưa ra câu hỏi liệu rằng có một thời điểm nào là “đúng” để bắt đầu sự tìm kiếm hay không, chúng tôi tập trung vào giải thích cho sự khác biệt (ngoài sự tự báo cáo không chính xác), cách phòng tránh, và điều chúng tôi có thể biết từ đó về thời điểm lý tưởng để bắt tay vào con đường sự nghiệp. Dưới đây là những điều chúng tôi đã nhận thấy.

Trước tiên, bạn sẽ học được rất nhiều về việc kinh doanh khi bạn làm việc sau khi ra trường. Nhưng bạn cũng sẽ học được về chính những việc kinh doanh mà bạn đang làm. Nếu công việc của bạn là về các ngành truyền thống sau khi lấy được bằng MBA, như tư vấn tư nhân hay ngân hàng đầu tư, bạn sẽ được học về các doanh nghiệp lớn đáng giá hàng trăm triệu hoặc thậm chí cả tỉ đô la. Những doanh nghiệp nhỏ, với doanh thu hàng năm nằm trong khoảng từ 750.000 đến 2.500.000 đô la, không thuê những công ty tư vấn lớn hay những ngân hàng đầu tư quá nhỏ để thu hút sự chú ý của những doanh nghiệp tư nhân. Nếu bạn làm việc trong ngành dịch vụ tài chính, một lần nữa, bạn sẽ không trở nên thực sự thân thuộc với những công ty nhỏ bởi họ không phải là phương tiện hiệu quả cho đầu tư. Vì vậy, trong khi những người trì hoãn công cuộc tìm kiếm một doanh nghiệp để mua lại khi theo đuổi loại công việc như vậy sẽ học được rất nhiều, họ sẽ không tìm hiểu về các doanh nghiệp nhỏ. Thậm chí cả sau một vài năm làm việc, những lỗ hổng trong khả năng hay kinh nghiệm của họ vẫn không được lấp đầy.

Thứ hai là, một số sinh viên cho chúng tôi biết rằng họ muốn làm những công việc truyền thống để gây quỹ cho công cuộc tìm kiếm thông qua khoản tiết kiệm. Điều đó thực sự khó khăn. Trong khi chi phí của cuộc tìm kiếm có thể rất lớn tùy thuộc vào các thông số, phần lớn trong số họ cố gắng có được ít nhất 100.000 đô la trong tay khi bắt đầu. Liệu một người có thể tiết kiệm được khoảng 100.000 đô la khi làm một công việc truyền thống không? Giả sử một công việc sau khi lấy bằng MBA được trả tối đa 150.000 đô la (bao gồm cả thưởng nhưng không bao gồm các khoản trợ cấp không phải tiền mặt như bảo hiểm sức khỏe...). Sau khi đóng các loại thuế, bạn còn lại khoảng 90.000 đô la. Từ khoản thu nhập sau thuế này, trừ đi chi phí nhà ở (trung bình khoảng 3.000 đô la một tháng cho căn hộ một phòng ngủ tại thành phố New York, nơi có nhiều công ty hoạt động). Bây giờ bạn còn chừng 54.000 đô la trước khi mua những thứ thiết yếu như thực phẩm, vật dụng sinh hoạt, hay quần áo và các thứ khác như giải trí hay du lịch. Mặc dù chi phí sinh hoạt ở New York đắt gấp đôi trung bình cả nước, chúng tôi ước tính rằng nếu tiêu pha chặt chẽ bạn sẽ tiết kiệm được 10.000 cho đến 20.000 đô la một năm dành cho việc tìm kiếm kinh doanh tự gây vốn. Mặt khác, sẽ mất nhiều hơn một hoặc hai năm để tích lũy cho đủ 100.000 đô la. Có thể cuối cùng, những người tích lũy vốn sẽ sử dụng khoản tiết kiệm cho cuộc tìm kiếm tự gây vốn và chúng ta sẽ thấy rằng “một hoặc hai năm” trong một ngành nghề truyền thống thì thực chất khá gần với khoảng năm hay mười năm.

Vậy còn những sinh viên với khoản vay giáo dục hay những người có bằng MBA được công ty tài trợ? Chúng tôi nhận thấy rằng những sinh viên thực sự hứng thú với việc mua và điều hành một doanh nghiệp nhỏ thường tìm ra những cách sáng tạo để hoàn thành hết những nghĩa vụ đó mà không cần quay trở lại làm những công việc truyền thống trong những công ty lớn. Ví dụ như, chúng tôi có ở đây vài sinh viên quyết định tìm kiếm mua doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp dù họ được nhận tài trợ để lấy bằng MBA. Họ đồng ý với doanh nghiệp đã tài trợ mình rằng giá trị của nghĩa vụ họ phải hoàn thành là khoảng 150.000 đô la và họ sẽ chuyển khoản nghĩa vụ này thành khoản vay nợ, trả sau khi việc mua lại hoàn thành. Những người này chuyển chi phí vay nợ thành chi phí mua lại, và điều này cho phép họ bắt đầu ngay sau khi tốt nghiệp. Khoản tiền 150.000 đô la là khá lớn, nhưng nó chỉ là một phần trong khoản 6-10 triệu đô la của việc mua lại, và nó giải phóng người này để họ làm điều mình muốn làm - tìm một doanh nghiệp để mua lại và điều hành. Trong thời gian có việc làm và có lương lậu ổn định, họ có thể trả các khoản vay giáo dục và thực hiện những thỏa thuận tương tự.

Tất cả những điều trên đưa đến một câu hỏi lớn: Nếu bạn quyết định mua lại và điều hành một công ty vào giai đoạn sau của sự nghiệp, bạn có phải trả giá để làm việc đó không? Chúng tôi quan sát thấy rằng, những sinh viên làm những công việc truyền thống trong khoảng một thập kỷ hoặc hơn trước khi bắt đầu tìm kiếm mua lại doanh nghiệp, cũng như những người bắt đầu tìm kiếm ngay khi tốt nghiệp, sử dụng rất nhiều phương thức tiếp cận vốn khác nhau để tìm kiếm và sẵn sàng quan tâm đến rất nhiều ngành. Họ có xu hướng quan tâm đến khu vực địa lý chặt chẽ hơn so với những người bắt đầu công cuộc tìm kiếm trong giai đoạn đầu của sự nghiệp. Nhưng trên hết, chúng tôi không thấy bất kỳ lợi thế hay bất lợi nào với những người ở giai đoạn giữa sự nghiệp. Điều này có thể là một tin tốt với họ. Và đối với chúng tôi, nó khẳng định quan điểm rằng phần lớn người ta không học được nhiều điều liên quan đến mua lại và điều hành một doanh nghiệp nhỏ khi làm việc tại một ngành nghề truyền thống sau khi lấy bằng MBA, và rằng phần lớn người ta không thể tích lũy được một số vốn đáng kể từ những ngành nghề truyền thống để tự gây quỹ cho cuộc tìm kiếm.

Điều này dẫn chúng tôi ngược trở lại với câu hỏi quan trọng liệu rằng có thời điểm nào là thích hợp để bắt tay vào tìm kiếm hay không. Bởi chúng tôi nhận thấy những khác biệt không đáng kể trong những cách tiếp cận thành công mua lại doanh nghiệp nhỏ của những người thực hiện vào giai đoạn đầu hoặc sau của sự nghiệp, chúng tôi cho rằng khởi nghiệp thông qua mua lại có thể thành công ở mọi thời điểm nào trong sự nghiệp của bạn. Không có thời điểm nào là “đúng” để bắt đầu tìm kiếm. Làm một công việc truyền thống sau khi lấy bằng MBA không khiến việc mua lại một doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn - nhưng cũng không làm khó hơn. Đồng thời, chúng tôi không nhìn thấy gì đáng khen ngợi trong những lý do thông thường để trì hoãn tìm kiếm và làm một công việc truyền thống sau khi lấy bằng MBA. Vì vậy nếu bạn muốn tìm kiếm ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí kể cả khi bạn có những nghĩa vụ tài chính do khóa học MBA, bạn nên làm ngay. Nếu thời điểm đó không lí tưởng, vì lý do công việc hay gia đình, có thể thời gian sau đó sẽ phù hợp hơn. Nhưng đừng từ bỏ giấc mơ. Cuộc sống đơn giản đã là một điều quý giá rồi.

Richard S. Ruback là Giáo sư tại trường Kinh doanh Harvard và là đồng tác giả của cuốn HBR Guide to Buying a Small Business (tạm dịch: Hướng dẫn mua lại doanh nghiệp nhỏ của trường Kinh doanh Harvard, Harvard Business Review Press, 2017) cùng Royce Yudkoff.

Royce Yudkoff Là Giáo sư tại trường Kinh doanh Harvard và là đồng tác giả của cuốn HBR Guide to Buying a Small Business (tạm dịch: Hướng dẫn mua lại doanh nghiệp nhỏ của trường Kinh doanh Harvard, Harvard Business Review Press, 2017) cùng Richard S. Ruback.

Thu Thủy

Lược dịch theo Harvard Business Review

 

  




;

Văn bản gốc


;