Tin tức

Trang chủ » » Bùng nổ mô hình cho vay trực tuyến không qua ngân hàng

Bùng nổ mô hình cho vay trực tuyến không qua ngân hàng

21/09/2018

Chuyên mục: Tin tức In trang

Cho vay ngang hàng đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường do thiếu khung pháp lý đầy đủ.

3,14 triệu đơn xin vay trên hệ thống, tổng số tiền giải ngân hơn 43.400 tỷ đồng là những con số xuất hiện trên website của Tima ngày 20/9. Đơn vị này, cùng với một số cái tên khác như Vaymuon.vn, Mofin hay Lenbiz là những nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) đang hoạt động tại Việt Nam.

5 năm gần đây với sự bùng nổ của các Fintech, của tín dụng tiêu dùng, các nền tảng như vậy rất cũng nở rộ. 

 

Điểm tích cực đầu tiên của mô hình P2P là mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều khách hàng, đặc biệt những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng. Khách hàng có thể vay nhanh từ 1 đến 30 triệu đồng, thủ tục đơn giản, chỉ cần điền vào một mẫu đơn xin vay trực tuyến có sẵn, chụp ảnh một số giấy tờ liên quan, chờ xác nhận và khoản vay có thể được phê duyệt chỉ sau 15-30 phút. Với ưu điểm không cần chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh, số lượng khách hàng đến với các mô hình P2P này ngày càng nhiều.

Ngoài cá nhân, một số công ty P2P cũng nhắm đến cho vay doanh nghiệp, như Lendbiz. Nền tảng P2P này kết nối các doanh nghiệp với các nhà đầu tư. Thông qua Lendbiz, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, kỳ hạn trả từ 3 đến 12 tháng. Các đơn xin vay được phê duyệt nhanh trong vòng 48 giờ, được trả nợ trước hạn nếu đã sử dụng vốn trên 2/3 thời gian.

Các nền tảng cho vay ngang hàng - P2P, đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây.

Các nền tảng cho vay ngang hàng - peer to peer, đang phát triển mạnh.

Cũng như các nền tảng P2P hướng tới khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp cũng chỉ cần đăng ký online, Lendbiz sẽ cử cán bộ liên lạc, tiếp xúc và hướng dẫn thủ tục đăng ký nhận vốn đầu tư. Trong 48 giờ sau khi đánh giá, nền tảng này sẽ thông báo chấp thuận hay không với nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động của các công ty theo mô hình P2P đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro với tất cả các bên tham gia, xuất phát từ việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng

Một công ty P2P đóng vai trò môi giới giữa người cho vay và người đi vay, không huy động tiền gửi, trả lãi suất như ngân hàng, không trực tiếp cho vay, cũng không chịu rủi ro nợ xấu. Là cấu phần của thị trường tài chính nhưng họ không phải tổ chức tài chính để chịu điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng. 

Thực tế, tự nhận mình là những nền tảng P2P đầu tiên của Việt Nam nhưng giấy phép đăng ký kinh doanh của Tima hay Vaymuon lại ghi ngành nghề hoạt động rất lạ là "hỗ trợ dịch vụ tài chính, dịch vụ thông tin khác chưa được phân vào đâu”.

Trao đổi với VnExpress, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, đến nay chưa cấp phép cho bất cứ một nền tảng P2P nào tại Việt Nam.

Chính việc chưa có "danh phận" đã khiến các điều kiện trong hoạt động P2P trở nên nhập nhèm, khó quản lý. Tại Việt Nam không khó để tìm được một đơn vị cho vay tiền mặt trực tuyến nhưng chỉ có vài công ty thực sự hoạt động theo hình thức cho vay ngang hàng. Không ít trường hợp người dân kêu cứu vì vay trực tuyến nhưng gặp các đối tượng tín dụng đen lừa đảo về lãi suất, phí. Nhiều sàn kết nối sử dụng "lá bài" thu phí quản lý với khoản vay để áp lãi suất tới 60-108% mỗi tháng, cao gấp hàng trăm lần lãi vay ngân hàng hiện tại.

Với một số sàn giao dịch P2P khác, lợi nhuận sẽ đến từ việc thu phí cố định khi kết nối giữa người có vốn và người cần vay. Tuy nhiên từng có nhiều khiếu nại về các đơn vay ảo khiến người mua mất phí "oan" nhưng không thể kết nối được với người cần tiền. 

Với người cho vay, mối quan tâm lớn nhất là tiền có được chuyển đến người cần vay hay không. Do không có quy định phong tỏa nguồn vốn chưa được giải ngân nên xuất hiện rủi ro về tính an toàn của số vốn này, không loại trừ khả năng những sàn giao dịch P2P ôm vốn của nhà đầu tư bỏ trốn. 

Ngoài thiếu một khung pháp lý, các P2P Việt Nam cũng không có một phương án phòng ngừa rủi ro đầy đủ và năng lực tài chính còn khiêm tốn.

Một số công ty cho vay ngang hàng trên thế giới lấy lòng tin của nhà đầu tư bằng việc lập quỹ dự phòng để có nguồn hoàn trả nếu phát sinh nợ xấu. Một số công ty khác đưa ra quy định mua bảo hiểm cho khoản vay. Vấn đề là, cả hai biện pháp phòng ngừa rủi ro phổ biến này không được nhắc đến trong giới thiệu của các công ty P2P tại Việt Nam.

Đi lên từ những startup Fintech, các nền tảng P2P hiện nay cũng đa phần có nguồn vốn nhỏ, tiềm lực tài chính quá khiêm tốn so với quy mô kết nối khoản vay. Điều này để lại khoảng trống đối với câu hỏi về tính an toàn khi có rủi ro xảy ra. 

Công ty cổ phần Tập đoàn Tima, đơn vị đứng sau sàn giao dịch, có vốn điều lệ chỉ hơn 6,6 tỷ đồng, trong khi sàn này cho biết tổng số tiền đã kết nối từ khi đi vào hoạt động lên tới hơn 43.400 tỷ đồng - tương đương một ngân hàng thương mại cỡ nhỏ. Tuy nhiên, vốn điều lệ tối thiểu với ngân hàng là 3.000 tỷ đồng.

Bài học từ sự phát triển và lụi tàn của loại hình P2P tại Trung Quốc cũng là vấn đề đáng lưu tâm, khi Việt Nam đang đi vào giai đoạn sơ khai của thị trường này. Hình thức này bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và dần rơi vào tình trạng không được kiểm soát. Khi đạt đỉnh năm 2015, Trung Quốc có khoảng 3.500 doanh nghiệp cho vay P2P. Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh bắt đầu một chiến dịch tháo các ngòi nổ bong bóng nợ và giảm thiểu rủi ro với nền kinh tế trong cả khu vực phi ngân hàng, các vết nứt bắt đầu xuất hiện khi nhà đầu tư ồ ạt rút tiền.

Cho vay ngang hàng - P2P được đánh giá là xu hướng tất yếu, dù có nhiều rủi ro, nhưng không thể phủ nhận lợi ích với những ưu điểm trong một phân khúc tín dụng thấp hơn ngân hàng. Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ của các thị trường trước đó, Việt Nam - khi đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển P2P, cần có những bước đi thích hợp, đặc biệt là xây dựng khung pháp lý cho hoạt động này.

Theo Minh Sơn

VnExpress

  




;

Văn bản gốc


;