Tin tức

Trang chủ » » Chuyển giá của các doanh nghiệp FDI vẫn gia tăng

Chuyển giá của các doanh nghiệp FDI vẫn gia tăng

04/09/2018

Chuyên mục: Tin tức In trang

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn duy trì ở mức cao song tình trạng doanh nghiệp thua lỗ chiếm tỉ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước.

Tính đến hết 2016, cả nước hiện có 17.493 doanh nghiệp có vốn FDI chi phối. Trong số này doanh nghiệp đã nộp báo cáo tài chính khoảng 14.600 doanh nghiệp. Song chỉ có khoảng chưa đầy 12.598 doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính với đầy đủ các chỉ tiêu để Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính có thể phân tích được hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tình hình sức khỏe của doanh nghiệp.

Cho dù quy mô hoạt động của doanh nghiệp FDI từ năm 2012 đến 2016 luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao. Như tốc độ tăng trưởng doanh thu tăng từ 21,2% (2014-2015) lên mức 21,7% (2015-2016). Tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn tốc độ tăng trưởng tài sản (18,6%) và tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu (15,5%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn FDI rất thuận lợi, với tổng doanh thu 3.471 ngàn tỉ đồng.

5/29 lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp có vốn FDI đã chiếm hơn 50% tổng doanh thu của cả khu vực FDI. Cụ thể như linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi (28,1%). Tiếp đến là dệt may, da giày, chế biến bảo quản nông sản, sản xuất lắp ráp ô tô, đồ điện tử, điện gia dụng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cao thuộc về viễn thông, phần mềm (80,2%); sản xuất sản phẩm hóa dược, dược liệu và thiết bị y tế (40,6%); nông nghiệp, lâm nghiêp và thủy sản (37,6%).

Vẫn Cục Tài chính doanh nghiệp thống kê cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của doanh nghiệp FDI đạt 311.071 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2015. Một số ngành có sự gia tăng lợi nhuận trước thuế cả về số tuyệt đối và số tương đối như kinh doanh bất động sản (tăng 189%) (mặc dù doanh thu giảm 0,63%); khai thác chế biến khoáng sản tăng 167,7%; đồ điên tử, điện gia dụng tăng 43,8%; dệt may, da giày tăng 53% hay linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử tăng 42,8%.

Bộ Tài chính cũng đánh giá khả năng sinh lời của các doanh nghiệp FDI trong 4 năm gần đây là rất khả quan. Từ tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 9,8% (2012) lên mức 16,3%, cao hơn hẳn những năm trước đó. Dẫn đầu về ROE là các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tiếp đến là viễn thông, phần mềm, logistics.

Đáng nói nhất là doanh nghiệp FDI của Singapore có hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng sinh lời lớn nhất (ROE trước thuế là 31%, ROA là 29%). Tuy nhiên, nếu không tính hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên thì ROE và ROA của doanh nghiệp FDI từ Singapore  tương đương với Nhật Bản và Thái Lan. Đài Loan và Trung Quốc có hiệu quả hoạt động thấp nhất: ROE và ROA trước thuế của doanh nghiệp Đài Loan và 4% và 5%. ROA chỉ đạt 3% và 4%.

Tổng hợp chung thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của doan nghiệp FDI năm 2016 ở mức cao: tỉ suất lợi nhuận trước thuế/ vốn chủ sở hữu là 16,3% và tỉ suất lợi nhuận ròng/tổng tài sản là 5,82% song tình trạng doanh nghiệp thua lỗ chiểm tỉ trọng lớn tiếp tục tăng so với những năm trước.

Số liệu phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI từ 2012-2016 cho thấy số lượng doanh nghiệp báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 51%. Đặc biệt năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50% trên số lượng doanh nghiệp có báo cáo.

Đồng thời tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế, phản ánh tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng, phức tạp, Cục tài chính doanh nghiệp khẳng định.

Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm doanh nghiệp FDI, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp có vốn FDI trong nước được hưởng ưu đãi quá lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế này.

Điều này thể hiện qua số liệu về tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao. Như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; viễn thông, phần mềm có ROE trước thuế trên 30%.

Chuyển giá giữa các doanh nghiệp FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau: một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp như dự án Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao: ROE năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%; năm 2016 là 26% và 49%. Trong khi đó các dự án sản xuất phụ trợ đi kèm có hiệu quả rất thấp.

Các chỉ số tài chính nói trên được Bộ Tài chính hoàn thiện và báo cáo nhằm phục vụ cho tổng kết 30 năm về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và báo cáo Thủ tướng cơ chế kiểm soát để hạn chế các doanh nghiệp có vốn FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế.

Lan Nhi

The Saigon Times

  




;

Văn bản gốc


;