Tin tức

Trang chủ » » Chuyên gia kinh tế: "Việt Nam phải phát triển nhanh mới đuổi kịp các nước đi trước"

Chuyên gia kinh tế: "Việt Nam phải phát triển nhanh mới đuổi kịp các nước đi trước"

20/09/2018

Chuyên mục: Tin tức In trang

Chuyên gia kinh tế cho rằng, những nước đi sau như Việt Nam luôn có nhu cầu phát triển nhanh, tăng trưởng nhanh bởi chỉ có phát triển nhanh mới có thể đuổi kịp các nước đi trước.

Ngày 20/9/2018, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề "Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam".

Tham gia thảo luận tại Điễn đàn, ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: "Những nước đi sau như Việt Nam luôn có nhu cầu phát triển nhanh, tăng trưởng nhanh bởi chỉ có phát triển nhanh mới có thể đuổi kịp các nước đi trước".

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, vấn đề đặt ra là phải hiểu nhanh là như thế nào? "Về mặt quan niệm có thể nhìn theo 2 khía cạnh: thứ nhất là so sánh với các nước xung quanh, họ tăng trưởng bao nhiêu, mình tăng trưởng bao nhiêu? Việt Nam tăng trưởng hơn 6% đã được coi là nhanh chưa?"

Ông cho biết, theo cách đánh giá của ông, với mức tăng trưởng khoảng 7% có thể xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh và dưới mức đó là trung bình, dưới nữa là thấp.

"Nhưng thực tế, tăng trưởng 1% của nước phát triển có khi còn hơn 10% của nước kém phát triển hơn. Toàn bộ chính sách của quốc gia muốn tăng trưởng nhanh phụ thuộc vào việc dịch chuyển về đường tiềm năng sản xuất, thậm chí không chỉ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên trong nước mà còn cả nguồn huy động được từ bên ngoài", ông nói.

Nói về câu chuyện tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, 5 năm gần đây, Việt Nam chú trọng phát triển nhanh nhưng bề vững. Việc lựa chọn cách thức phát triển đang cho thấy sự đúng hướng.

"Với mức tăng trưởng kinh tế trên dưới 7% hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì vị trí thuộc nhóm dẫn đầu tăng trưởng kinh tế. Việc đẩy lên 8-9%, thậm chí như năm 1995 tăng trưởng lên tới 9,5% thì cái giá phải trả cho tăng trưởng cao dường như chúng ta đã nhận ra", ông nói.

Theo ông Ánh, tăng trưởng nhanh là hoàn toàn cần thiết. Trong 5 năm tới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn, giúp Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng nhanh là trên 7%.

Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng, bên cạnh tăng trưởng nhanh, việc cần với Việt Nam là phải đảm bảo yếu tố bền vững. "Sự tăng trưởng trồi sụt năm cao năm thấp, có năm phải hy sinh nhiều nguồn lực đẩy tăng trưởng lên 5-6,5% thì giá phải trả quá lớn", ông nói.

"Việt Nam chưa gặp phải như Trung Quốc, tăng trưởng quá nóng phải kìm hãm. Đặc biệt gần đây chiến tranh thương mại cho thấy sự bền vững của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của chúng ta trong vấn đề tăng trưởng kinh tế. Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn, bền vững thì không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế", ông Ánh nói thêm.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là xu hướng, mục tiêu và mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là chủ trương, định hướng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Theo đó, hệ thống khung khổ chính sách pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện nhằm đạt được các mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam.

Dù vậy, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần được quan tâm, chú trọng nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, như vẫn còn sự mâu thuẫn đan xen giữa các mục tiêu nhanh, toàn diện và bền vững. Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn tiềm tăng, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Trong khi đó, dư địa tăng thu có xu hướng giảm dần trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ cấu thu nội địa còn dựa nhiều vào các khoản thu có tính bền vững không cao; (Chi NSNN ở mức cao, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn và là các khoản chi khó cắt giảm; Thị trường tài chính phát triển chưa tương xứng tiềm năng).

Trước những khó khăn và thách thức trên, các chuyên gia cho rằng, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững lại càng trở nên cấp thiết.

Hùng Anh

Theo Dân trí

  




;

Văn bản gốc


;