Sáng tạo - Khai mở

Trang chủ » » Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0: Định nghĩa và cách phản hồi (P1)

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0: Định nghĩa và cách phản hồi (P1)

04/05/2017

Chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghệ về cơ bản sẽ làm thay đổi cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Xét về quy mô, phạm vi và sự phức tạp, cuộc chuyển đổi này sẽ không giống với bất cứ trải nghiệm nào trước kia. Nhưng rõ ràng, cách phản hồi của con người trong trường hợp này phải được triển khai tích hợp và toàn diện, bao gồm tất cả các bên liên quan thuộc các tổ chức toàn cầu, từ lĩnh vực công tới lĩnh vực tư, từ giới hàn lâm đến xã hội dân sự.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất dùng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc CMCN lần thứ hai dùng năng lượng điện để phát triển sản xuất hàng loạt. Cuộc CMCN lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Giờ đây, cuộc CMCN lần thứ tư được xây dựng trên nền tảng của cuộc cách mạng thứ ba, cuộc cách mạng kĩ thuật số đã xảy ra từ giữa thế kỉ trước. Lần này, nó mang đặc trưng của sự kết hợp công nghệ có thể làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lí, kĩ thuật số và sinh học.

Có ba lí do để hiểu tại sao những chuyển đổi ngày nay không chỉ đại diện cho sự kéo dài của cuộc CMCN lần thứ ba, mà còn đại diện cho sự xuất hiện của một cuộc cách mạng thứ tư khác biệt. Đó là tốc độ, phạm vi và tác động có hệ thống. Tốc độ của những bước đột phá hiện nay là chưa từng có trong lịch sử. Khi so sánh với những cuộc CMCN trước đấy, cuộc CMCN lần thứ tư đang phát triển thep cấp số mũ chứ không còn là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang làm thay đổi gần như tất cả các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước một cuộc chuyển đổi trong toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lí và quản trị.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những đổi mới về công nghệ. Nguồn: Weforum

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những đổi mới về công nghệ. Nguồn: Weforum

Tiềm năng được tạo ra từ việc hàng tỉ người được kết nối bằng thiết bị di động – với khả năng xử lí, dung lượng lưu trữ và cách tiếp cận kiến thức chưa từng có – là không giới hạn. Và tiềm năng này sẽ được nhân lên với những đột phá mới về công nghệ thuộc các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học người máy, Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), phương tiện tự quản, in 3D, công nghệ Nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và điện toán lượng tử.

Trí tuệ nhân tạo đã tồn tại ở xung quanh chúng ta, từ những chiếc ô tô tự lái và máy bay không người lái, tới trợ lí ảo và phần mềm dịch hay đầu tư. Trong những năm gần đây, bước tiến đáng kể trong lĩnh vực AI là việc tăng cường công suất tính toán và dự trữ được lượng lớn dữ liệu (từ phần mềm được dùng để tìm kiếm các phương thuốc mới đến các thuật toán dùng để dự đoán giá trị văn hóa nhân loại). Trong khi đó, công nghệ chế tạo kĩ thuật số đang tương tác với thế giới sinh học mỗi ngày. Các kĩ sư, nhà thiết kế và kiến trúc sư đang kết hợp thiết kế có sử dụng máy điện toán, sản xuất phụ gia, kĩ thuật vật liệu và sinh học tổng hợp để đi tiên phong trong quá trình cộng sinh giữa các vi sinh vật, cơ thể con người, sản phẩm tiêu dùng và thậm chí là cả các tòa nhà mà chúng ta cư trú.

Thách thức và cơ hội

Giống với các cuộc cách mạng trước đó, cuộc CMCN lần thứ tư có tiềm năng làm tăng mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Đến nay, những ai “thu hoạch” được nhiều nhất chính là những người tiêu dùng có khả năng tiếp cận với thế giới kĩ thuật số; công nghệ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, làm tăng hiệu quả cũng như sự hài lòng trong cuộc sống cá nhân của họ. Gọi một chuyến taxi, đặt một chuyến bay, mua một sản phẩm, thanh toán một hóa đơn, nghe nhạc, xem phim, hay chơi game – bất cứ điều nào trong đây cũng có thể được thực hiện từ khoảng cách xa.

Trong tương lai, sự đổi mới công nghệ sẽ dẫn đến “phép màu” cho các bên cung cấp, với lợi ích lâu dài cả về hiệu suất lẫn năng suất. Chi phí truyền thông và vận chuyển sẽ giảm, khâu hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại sẽ bớt, tất cả sẽ mở ra những thị trường mới và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, như hai chuyên gia kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cuộc cách mạng này có thể mang tới sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là khả năng tác động tới thị trường lao động. Khi sự tự động thay thế lao động trong toàn bộ nền kinh tế, việc thay thế công nhân bằng máy móc có thể làm tăng khoảng cách giữa thu nhập về vốn và thu nhập cho lao động. Mặt khác, cũng có thể việc thay thế công nhân bằng công nghệ sẽ làm gia tăng số lượng công việc được đánh giá là an toàn và đáng làm nói chung.

Klaus Schwab – người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), tin rằng trong thời gian tới, tài năng – hơn là vốn – sẽ đóng vai trò đại diện như một yếu tố thiết yếu trong sản xuất. Điều này sẽ tạo ra một thị trường việc làm ngày càng phân khúc rõ ràng giữa “kĩ năng thấp/lương thấp” với “kĩ năng cao/lương cao”, từ đó có thể dẫn đến hiện tượng gia tăng căng thẳng xã hội.

Ngoài việc đóng vai trò là một mối quan tâm trọng yếu trong nền kinh tế, bất bình đẳng còn là mối quan tâm lớn nhất của xã hội liên quan đến cuộc CMCN lần thứ tư. Những người hưởng lợi nhiều nhất có xu hướng trở thành nhà cung cấp vốn dạng vật chất và trí tuệ - họ là những nhà đổi mới, các cổ đông và nhà đầu tư. Điều này giải thích cho việc gia tăng khoảng cách giàu có giữa những người phụ thuộc vào nguồn vốn so với lao động. Do vậy, công nghệ là một trong những lí do chính khiến thu nhập của người dân ở các quốc gia có thu nhập cao giảm đi: nhu cầu về lao động lành nghề tăng lên, trong khi nhu cầu về lao động có trình độ học vấn và kĩ năng thấp giảm. Kết quả, một thị trường việc làm với nhu cầu cao về kĩ năng và sự phân biệt rõ ràng với trường hợp có kĩ năng thấp đã xuất hiện.

Điều này giúp lí giải tại sao rất nhiều công nhân cảm thấy thất vọng và lo sợ khi thu nhập thực tế của họ và con cái họ sẽ còn tiếp tục trì trệ. Và tại sao tầng lớp trung lưu trên thế giới ngày càng cảm thấy bất mãn, bất công. Một nền kinh tế mà người thắng sẽ có tất cả lại chỉ cung cấp quyền tiếp cận hạn chế cho tầng lớp trung lưu chính là công thức của một nền dân chủ mệt mỏi và bị lơ là.

Nỗi bất mãn này cũng có thể được thúc đẩy bởi sự phổ biến của công nghệ số và sự năng động của việc chia sẻ thông tin – được đặc trưng bởi các phương tiện truyền thông xã hội. Hơn 30% dân số thế giới hiện đang sử dụng nền tảng phương tiện truyền thông xã hội để kết nối, học hỏi và chia sẻ thông tin. Trong một thế giới lí tưởng, những tương tác này có thể tạo ra cơ hội cho sự hiểu biết và gắn kết liên văn hóa. Tuy nhiên, chúng cũng có thể tạo ra và truyền bá các kì vọng phi thực tế về những gì tạo nên sự thành công của một cá nhân hoặc một nhóm, đồng thời mang đến cơ hội cho những ý tưởng và hệ tư tưởng cực đoan lan rộng.

(Còn tiếp)

Thanh Huyền

Lược dịch theo World Economic Forum

  




;

Văn bản gốc


;