Sáng tạo - Khai mở

Trang chủ » » Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0: Định nghĩa và cách phản hồi (P2)

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0: Định nghĩa và cách phản hồi (P2)

05/05/2017

Chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghệ về cơ bản sẽ làm thay đổi cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Xét về quy mô, phạm vi và sự phức tạp, cuộc chuyển đổi này sẽ không giống với bất cứ trải nghiệm nào trước kia. Nhưng rõ ràng, cách phản hồi của con người trong trường hợp này phải được triển khai tích hợp và toàn diện, bao gồm tất cả các bên liên quan thuộc các tổ chức toàn cầu, từ lĩnh vực công tới lĩnh vực tư, từ giới hàn lâm đến xã hội dân sự.

Tác động đến doanh nghiệp

Một trong những chủ đề cơ bản tại buổi trò chuyện của Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) với các CEO toàn cầu và các nhân viên kinh doanh cấp cao là tốc độ của cuộc đổi mới cùng sự gián đoạn khó có thể nắm bắt hay dự đoán được, gây ra bất ngờ liên tục. Trong tất cả các ngành công nghiệp, rõ ràng là công nghệ đã “trải đường” cho cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư có tác động lớn đến các doanh nghiệp.

Về mặt cung, nhiều ngành công nghiệp đang chứng kiến sự xuất hiện của các công nghệ mới, tạo ra các phương thức hoàn toàn mới để phục vụ nhu cầu ngày nay và làm gián đoạn chuỗi giá trị ngành hiện có. Sự gián đoạn này cũng xuất phát từ các đối thủ nhanh nhẹn, sáng tạo. Nhờ việc tiếp cận nền tảng kĩ thuật số toàn cầu để nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán hàng và phân phối, họ có thể “lật đổ” những nhà tiên phong có tiếng nhanh hơn bằng cách nâng cao chất lượng, tốc độ, hay giá cả ở điểm giá trị được phân phối.

Những thay đổi chính về phía cầu cũng đang diễn ra. Với sự minh bạch trong kinh doanh ngày càng rõ ràng, sự tham gia của người tiêu dùng và các mô hình mới về hành vi của người tiêu dùng (được xây dựng liên tục khi truy cập mạng và dữ liệu di động) buộc các công ty phải thích ứng với cách khách hàng thiết kế, tiến hành hoạt động mua bán, phân phối sản phẩm và dịch vụ.

Xu hướng chính là sự phát triển của các nền tảng công nghệ cho phép sự kết hợp giữa cầu và cung để làm thay đổi cấu trúc ngành hiện tại, như những gì chúng ta đang thấy trong nền kinh tế chia sẻ. Những nền tảng công nghệ này dễ sử dụng hơn nhờ thiết bị điện thoại thông minh, tập hợp đám đông, tài sản và dữ liệu – tạo ra các cách thức mới để tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Thêm vào đó, chúng còn giúp giảm bớt rào cản giữa doanh nghiệp với cá nhân để đem lại sự giàu có, thay đổi môi trường cá nhân và chuyên môn của người lao động. Các doanh nghiệp mới đang nhanh chóng nhân rộng nhiều dịch vụ mới, từ giặt giũ đến mua sắm, từ việc nhà đến đỗ xe, từ mát - xa đến du lịch.

Nhìn chung, có bốn ảnh hưởng chính mà CMCN lần thứ tư tác động tới doanh nghiệp: mong đợi của khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm, đổi mới quan hệ hợp tác, và hình thức tổ chức. Cho dù là người tiêu dùng hay doanh nghiệp, khách hàng đang ngày càng trở thành tâm điểm của nền kinh tế, tất cả đều nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Hơn nữa, các sản phẩm vật chất và dịch vụ giờ đây có thể được cải thiện tốt hơn với ứng dụng kĩ thuật số. Những công nghệ mới đã làm cho khối tài sản trở nên bền chắc và linh hoạt hơn, trong khi dữ liệu và phân tích đang làm thay đổi cách duy trì chúng. Một thế giới với trải nghiệm của khách hàng, những dịch vụ dựa trên dữ liệu và hiệu suất của khối tài sản thông qua việc phân tích đòi hỏi phải có các hình thức hợp tác mới, nhất là với tốc độ đổi mới hiện nay và sự gián đoạn đang diễn ra. Sự xuất hiện các nền tảng toàn cầu cũng như các mô hình kinh doanh mới khác báo hiệu rằng đã đến lúc các vấn đề về tài năng, văn hóa, hình thức tổ chức cần được suy nghĩ lại.

Nói tóm lại, cuộc chuyển đổi không thể tránh được từ số hóa đơn giản (CMCN lần thứ ba) sang đổi mới dựa trên sự kết hợp các công nghệ (CMCN lần thứ tư) yêu cầu các công ty phải xem xét lại cách kinh doanh của mình. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà điều hành cấp cao cần hiểu được môi trường đang thay đổi, họ cần thách thức những giả định tồn tại trong đội nhân viên mà họ điều hành, và phải liên tục, không ngừng đổi mới.

Cuộc CMCN lần thứ tư tác động lớn tới doanh nghiệp.

Cuộc CMCN lần thứ tư tác động lớn tới doanh nghiệp. Nguồn: Internet.

Tác động đến chính phủ

Khi thế giới vật lí, kĩ thuật số và sinh học tiếp tục quá trình kết hợp, các công nghệ và nền tảng mới sẽ cho phép công dân tham gia cùng các tổ chức chính phủ trong việc nêu ý kiến, điều phối những nỗ lực của họ và thậm chí là cả việc giám sát các cơ quan công quyền. Đồng thời, chính phủ sẽ đạt được năng lực về công nghệ mới để tăng cường kiểm soát tình trạng dân số, dựa trên những hệ thống giám sát phổ biến và khả năng kiểm soát cơ sở hạ tầng kĩ thuật số. Tuy nhiên, nhìn chung, chính phủ sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực khi thay đổi cách tiếp cận với cộng đồng hiện tại và hoạch định chính sách, vì vai trò trung tâm của họ trong việc thực hiện chính sách đã giảm đi do những nguồn cạnh tranh mới và quá trình tái phân phối, phân cấp quyền lực mà công nghệ mới có thể làm được.

Cuối cùng, khả năng thích nghi của các hệ thống chính phủ và các cơ quan công quyền sẽ quyết định sự sống còn của họ. Nếu họ chứng minh được năng lực thích ứng với một thế giới có nhiều thay đổi đột ngột và sự minh bạch hóa, hiệu quả quá tổ chức nhằm giúp duy trì lợi thế cạnh tranh, họ sẽ chịu đựng được. Còn nếu không thể phát triển, họ sẽ phải đối mặt với những rắc rối ngày một gia tăng.

Điều này đúng theo lí thuyết. Hệ thống chính sách công và ra quyết định ngày nay đã tiến triển cùng với cuộc CMCN lần thứ hai, khi các nhà hoạch định chính sách có thời gian để nghiên cứu một vấn đề cụ thể và phát triển cách phản hồi cần thiết hay khung quy định thích hợp. Toàn bộ quá trình được thiết kế tuyến tính và cơ học, theo cách tiếp cận “Top – Down” nghiêm ngặt.

Song cách tiếp cận này nay đã không còn khả thi. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng và các tác động rộng lớn của cuộc CMCN lần thứ tư, những nhà lập pháp và nhà quản lí đang đứng trước thách thức chưa từng có và phần lớn trong số đấy chưa thể ứng phó được.

Vậy làm thế nào để họ có thể duy trì được sự quan tâm ở người tiêu dùng nói riêng và công chúng nói chung trong khi tiếp tục ủng hộ sự đổi mới và phát triển công nghệ? Đó là phải nắm bắt được phương thức quản trị nhạy bén, giống như lĩnh vực tư nhân đang ngày càng thích nghi cách phản hồi nhanh chóng với sự phát triển phần mềm và hoạt động kinh doanh nói chung. Điều này có nghĩa là các nhà quản lí phải liên tục học cách thích ứng với một môi trường mới và thay đổi nhanh chóng, tự nghiên cứu lại để thực sự hiểu rõ vấn đề. Để làm được vậy, chính phủ và cơ quan quản lí cần hợp tác chặt chẽ  với các doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Cuộc CMCN lần thứ tư cũng có ảnh hưởng sâu sắc tới bản chất nền an ninh quốc gia và quốc tế, đến khả năng phát sinh và bản chất của các cuộc xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế chính là lịch sử của các cuộc đổi mới công nghệ, và hiện tại cũng không ngoại lệ. Những cuộc xung đột ngày nay giữa các quốc gia đang ngày càng có tính “lai” về bản chất, kết hợp các kĩ thuật chiến tranh truyền thống với những kĩ thuật trước đó có liên quan đến đối tượng phi nhà nước. Điểm phân biệt giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến đấu và không chiến đấu, hay kể cả giữa bạo lực và phi bạo lực (tức chiến tranh mạng) đang ngày càng bị xóa mờ.

Khi quá trình này diễn ra và các công nghệ mới như vũ khí tự động, vũ khí sinh học trở nên dễ sử dụng hơn, các cá nhân và nhóm nhỏ sẽ dần gia nhập vào những quốc gia có khả năng gây ra thiệt hại hàng loạt. Điều này sẽ dẫn tới nhiều mối lo ngại mới. Nhưng đồng thời, những tiến bộ trong công nghệ sẽ có khả năng làm giảm quy mô hoặc tầm ảnh hưởng của bạo lực, ví dụ như thông qua việc phát triển các phương thức bảo vệ mới hay nhắm mục tiêu chính xác hơn.

Tác động đến con người

Cuối cùng, cuộc CMCN lần thứ tư sẽ không chỉ thay đổi những gì chúng ta làm, mà còn cả việc chúng ta là ai. Nó sẽ ảnh hưởng đến bản sắc của mỗi người và tất cả những vấn đề liên quan: cảm giác riêng tư, quan niệm về quyền sở hữu, mô hình tiêu thụ, thời gian dành cho công việc và giải trí, cách phát triển sự nghiệp, phát triển kĩ năng, cách gặp gỡ người khác, cách nuôi dưỡng những mối quan hệ. Nó đã và đang thay đổi sức khỏe con người, và sớm hơn chúng ta nghĩ, có thể là sự gia tăng dân số. Danh sách này là vô hạn do nó chỉ bị ràng buộc bởi trí tưởng tượng của chúng ta.

Liệu sự tích hợp công nghệ trong cuộc sống có thể làm giảm một số năng lực cơ bản ở con người, như lòng từ bi và sự hợp tác? Mối quan hệ của chúng ta với chiếc điện thoại thông minh là một ví dụ. Kết nối liên tục với nó có thể tước đi một trong những tài sản quan trọng nhất trong cuộc đời con người: thời gian để tạm dừng, phản ánh và tham gia vào những cuộc trò chuyện thật ý nghĩa.

Một trong những thách thức cá nhân lớn nhất do công nghệ thông tin mới gây ra là vấn đề riêng tư. Chúng ta đều hiểu rõ tại sao riêng tư cần thiết như thế, tuy nhiên việc theo dõi và chia sẻ thông tin về mình lại là một phần quan trọng trong sự kết nối thời đại mới. Các cuộc tranh luận về những vấn đề cơ bản như ảnh hưởng của việc mất quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân trong cuộc sống sẽ chỉ tăng lên trong vài năm tới. Tương tự, những cuộc cách mạng trong công nghệ sinh học và AI đang định nghĩa lại ý nghĩa về sự tồn tại của con người bằng cách đẩy lùi tuổi thọ hiện tại, những vấn đề liên quan đến sức khỏe, nhận thức và khả năng, buộc chúng ta phải xác định lại đạo đức của con người và những giới hạn nào thuộc về đạo đức.

Định hình tương lai

Không phải công nghệ hay sự gián đoạn đi kèm một lực từ bên ngoài là điều con người không thể kiểm soát được. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm cho việc dẫn dắt sự phát triển này, trong các quyết định mà chúng ta đưa ra hàng ngày dưới tư cách một công dân, người tiêu dùng hay nhà đầu tư. Vì vậy, chúng ta nên nắm bắt cơ hội và quyền lực này để định hình cuộc CMCN lần thứ tư và hướng nó tới một tương lai có thể phản ánh những mục tiêu và giá trị chung của loài người.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta phải phát triển được một quan điểm toàn diện và toàn cầu về cách thức công nghệ ảnh hưởng đến cuộc sống và tái định hình môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người chúng ta. Chưa bao giờ có thời điểm nào nhiều hứa hẹn, và cũng nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn giai đoạn này. Thế nhưng những người ra quyết định hiện nay thường bị mắc kẹt trong cái bẫy của tư duy truyền thống, tuyến tính hoặc bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng yêu cầu sự tập trung của họ để suy nghĩ về các lực lượng gây gián đoạn hay tạo ra sự đổi mới.

Cuối cùng, cuộc CMCN lần thứ tư cũng tới. Chúng ta cần định hình một tương lai phù hợp với tất cả, bằng cách đưa người đi tiên phong lên và trao quyền cho họ. Nếu tưởng tượng ra một hoàn cảnh tiêu cực, cuộc CMCN lần thứ tư có thể ẩn chứa nguy cơ “robot hóa” con người và do đó, nó tước mất trái tim và tâm hồn của chúng ta. Nhưng như một sự bổ sung thêm vào những điều tuyệt vời nhất trong bản chất của con người – sự sáng tạo, thấu cảm và khả năng quản lí – nó cũng có thể mang đến cho nhân loại những tư tưởng tập thể và đầy đạo đức dựa trên cảm giác cùng chia sẻ vận mệnh. Đây chính là vấn đề thời sự đối với tất cả mọi người, để đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng.

Thanh Huyền

Lược dịch theo World Economic Forum

  




;

Văn bản gốc


;