Sáng tạo - Khai mở

Trang chủ » » Đảm bảo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một nguồn lực tốt?

Đảm bảo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một nguồn lực tốt?

29/05/2017

Chúng ta đang sống trong thời kì của những sự thay đổi bất thường. Ở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, mỗi cá nhân, doanh nghiệp, mỗi ngành công nghiệp và chính phủ đều bị tác động bởi những đột phá về điện toán lượng tử, khả năng kết nối, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và các công nghệ tiên tiến khác.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng không có ranh giới đang lan truyền khắp thế giới với tốc độ không thể tin được.

Đến năm 2020, nhiều người sẽ có điện thoại di động hơn có điện hay nước nóng trong nhà hoặc trong làng. Những chiếc ô tô sẽ có robot thông minh trên bánh xe. Các nhà máy với sản xuất tự động đang thay thế cho hàng chục ngàn công nhân. Các trung tâm đang chuyển sang dùng chatbot hỗ trợ trí tuệ nhân tạo để quản lí những tương tác với khách hàng. Chúng ta thuê nhiều nguồn bên ngoài đảm nhận các công việc về thuật toán – quản lí các danh mục đầu tư tài chính, các ứng dụng cho vay đủ điều kiện, chụp cộng hưởng từ, giới thiệu sản phẩm và tối ưu hóa các tuyến đường du lịch. Bộ gen của con người đã trở nên dễ hiểu và có thể chỉnh sửa được như một tài liệu văn bản.

Cuộc cách mạng không có ranh giới này mang lại những khả năng không giới hạn. Nó cũng tạo ra nhiều khó khăn lớn hơn cho các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lí đang cố gắng theo kịp tốc độ thay đổi nhanh chóng này.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng không có ranh giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng không có ranh giới. Nguồn: REUTERS/Aly Song

Đảm bảo cuộc cách mạng kĩ thuật số là một nguồn lực tốt

Công nghệ không tốt cũng chẳng xấu – những gì chúng ta làm với nó mới tạo ra sự khác biệt. Giống như thời kì trước, các công nghệ mới cũng đem lại hậu quả. Trí tuệ nhân tạo và kĩ thuật di truyền được trao nhầm người có thể làm thay đổi tương lai của chúng ta theo cách mà chúng ta không hề mong muốn.

Từ lâu, con người đã quen làm việc độc lập, không nhận thức sâu về tác động của những sự đổi mới lên xã hội và môi trường nói chung. Là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các quan chức chính phủ, những người làm về giáo dục và công dân, chúng ta cần tạo ra một bộ nguyên tắc và giá trị chung đưa con người đến một tương lai mà tất cả mọi người muốn ở cùng nhau...

Trí tuệ nhân tạo và sự phát triển tự động hóa đã có tác động đáng kể đến việc làm, và nó có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng về phát triển lực lượng lao động, góp phần làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng toàn cầu. Theo ước tính, gần một nửa việc làm trên thế giới có thể bị đe dọa trong hơn hai thập kỉ tới do trí tuệ nhân tạo và sự tự động hóa. Đồng thời, các loại hình việc làm hoàn toàn mới đang xuất hiện nhằm thay thế cho chúng trong quá trình chuyển đổi công việc. Cũng theo tính toán, 65% trẻ em học tiểu học hiện nay sẽ có việc làm trong những lĩnh vực thậm chí chưa xuất hiện.

Tất cả cần sẵn sàng hành động

...Riêng ở Hoa Kì, có hơn 500.000 việc làm về công nghệ mở, nhưng mỗi năm chỉ có 50.000 sinh viên ngành khoa học tốt nghiệp từ các trường đại học. Chúng ta cần chuẩn bị cho những con người trẻ tuổi tham gia vào lực lượng lao động kế cận, đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục (khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học) và tạo ra những chương trình học nghề như một bước chuẩn bị. Những chương trình này có thể được chính thức công nhận và thừa nhận với tư cách thực sự là phương tiện giáo dục.

Đồng thời, chúng ta cần tạo ra các chương trình mang đến cho lực lượng lao động ngày nay những kĩ năng cần thiết để thành công và thích ứng với sự thay đổi công nghệ đang diễn ra. Trong việc xây dựng lực lượng lao động cho tương lai, cần đảm bảo rằng chúng ta sẽ đạt được sự bình đẳng giới: nữ giới được trả lương như nam giới – mức lương bình đẳng cho công việc bình đẳng.

Nghiên cứu về triển vọng việc làm.

Nghiên cứu về triển vọng việc làm. Nguồn: HSBC/Khảo sát của World Economic Forum năm 2016.

Vai trò của doanh nghiệp

Marc Benioff1 tin rằng các doanh nghiệp là nền tảng bất ngờ cho sự thay đổi, và mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể đóng vai trò trực tiếp trong việc tạo ra cơ hội kinh tế cho hàng triệu người bằng cách đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo cho cả những tài năng họ đang có lẫn những tiềm năng.

Các công ty là những trường đại học lớn đang giáo dục lực lượng lao động cho tương lai sau này. Họ đầu tư vào việc đào tạo nhân viên, cũng như thực tập sinh và học nghề để thúc đẩy sự tăng trưởng và đổi mới – trong nhiều trường hợp yêu cầu phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn mà không thể có được ngay tại các trường đại học uy tín nhất. Mỗi CEO cũng có thể hưởng lợi từ việc cung cấp cơ hội cho cộng đồng của mình và nuôi dưỡng một lực lượng lao động đa dạng, toàn diện hơn. Ngày nay, nhân viên được cam kết về trách nhiệm xã hội nhiều hơn và có mong muốn dành ra thời gian để thực hiện thử thách này.

Nhiều công ty đã đầu tư vào việc giúp đỡ mọi người học thêm những kĩ năng mới. Dow, IBM và Siemens đã thiết lập các chương trình học nghề để giúp lấp đầy những khoảng trống hiện có trong các ngành công nghiệp của họ. CareerWise Colorado tập trung vào việc tạo ra 20.000 việc làm trong tiểu bang cho những nghề đòi hỏi nhu cầu cao trong nhiều lĩnh vực kinh doanh ở thập kỉ tới...

Các CEO có thể và nên làm nhiều hơn để xây dựng lực lượng lao động trong tương lai, trong khi vẫn sử dụng lực lượng lao động hiện tại... Thay vì hành động một cách độc lập, tất cả các công ty lớn làm việc với các trường cao đẳng cộng đồng, trường đại học, nhóm cựu chiến binh, tổ chức phi chính phủ, các trường K-12, chính phủ và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) – nên kết hợp với nhau để đạt được những lực lượng lao động tiến bộ hơn.

Trong những thập kỉ tới, chúng ta cần xây dựng một “tấm chắn” bảo vệ cho những kết quả đổi mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà hướng tới mục tiêu đem lại lợi ích cho toàn thể nhân loại. Tất cả mọi người đều có thể đóng vai trò trực tiếp trong việc định hình tương lai của mình, và tạo ra cơ hội kinh tế cho hàng triệu người bằng cách đầu tư thời gian và nguồn lực để giúp đỡ những người khác.

Theo GS. Klaus Schwab2: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể sẽ thỏa hiệp trước những vấn đề truyền thống của con người – công việc, cộng đồng, gia đình và bản sắc – hoặc cũng có thể mang đến cho nhân loại những tư tưởng tập thể và đầy đạo đức dựa trên cảm giác cùng chia sẻ vận mệnh. Sự lựa chọn chính là của chúng ta”.

Thanh Huyền

Lược dịch theo World Economic Forum

Marc Benioff1 là Chủ tịch kiêm CEO của Salesforce, một trong những tỉ phú công nghệ thành công nhất Thung lũng Silicon.

Klaus Schwab2người sáng lập kiêm CEO World Economic Forum.

  




;

Văn bản gốc


;