Tin tức

Trang chủ » » Để thành công được chia sẻ công bằng

Để thành công được chia sẻ công bằng

13/11/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Bức tranh kinh tế nông thôn còn được phác họa ở góc độ các hộ kinh doanh phi nông nghiệp.

Khoảng cách giàu - nghèo vẫn lớn

“Cùng với quá trình tái cấu trúc, tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam trong suốt một thập kỷ qua đã dẫn đến những cải thiện quan trọng về phúc lợi của người dân nông thôn Việt Nam”, GS. Finn Tarp (Trường Đại học Copenhagen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới của Trường Đại học Liên hợp quốc - UNU-WIDER) ghi nhận.

Bản báo cáo Đặc điểm kinh tế hộ nông thôn Việt Nam 2016 do UNU-WIDER và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM vừa công bố đã cho thấy: Tỷ lệ nghèo đói đã giảm ngoạn mục và đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng này, ngày càng có nhiều hộ nghèo được tiếp cận các hỗ trợ của Chính phủ để thoát khỏi nghèo đói.

Tuy nhiên, GS. Finn Tarp lại chỉ ra rằng: “Thành công về kinh tế của Việt Nam đã không được chia sẻ công bằng giữa các hộ ở nông thôn, với chênh lệch lớn trong phúc lợi và tiếp cận các nguồn lực giữa các nhóm hộ gia đình”. Các hộ ở miền núi phía Bắc, Lào Cai, Điện Biên, và Lai Châu thụt lùi hơn. Thêm nữa, nhiều chênh lệch tiếp tục tồn tại giữa các nhóm dân tộc, và khoảng cách giữa các hộ giàu nhất và nghèo nhất tiếp tục duy trì ở mức rất lớn.

Và một vấn đề đã được phát hiện từ những báo cáo đầu tiên cách đây 15 năm, đến nay vẫn còn thấy, đó là khoảng cách lớn về tiếp cận những thành quả của phát triển và tiếp cận nguồn lực giữa các vùng núi cao và vùng đồng bằng, vừa giữa nhóm dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại. Hơn thế, khoảng cách về phúc lợi giữa các hộ giàu nhất và hộ nghèo nhất vẫn còn rất lớn.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế và kinh tế thị trường, các hoạt động thương mại gia tăng đã là một phần quan trọng tạo thêm thu nhập cho hầu hết các hộ gia đình nông thôn. Tỷ lệ hộ tham gia vào sản xuất nông nghiệp đã giảm sâu hơn trong giai đoạn 2014 và 2016. Hộ kinh doanh nhiều lên, hộ có người đi làm thuê cũng tăng lên và tiền lương đi làm thuê, tiền thu được từ buôn bán đã ngày càng quan trọng hơn.

Cần được chia sẻ đồng đều

Bức tranh kinh tế nông thôn còn được phác họa ở góc độ các hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Về số lượng, so với năm 2014, số lượng các hộ kinh doanh trong năm 2016 không thay đổi nhưng tỷ lệ hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh đã tăng từ 23,7% lên tới 29,5%, và sản xuất tại hộ gia đình đã giảm từ 58,9% vào năm 2014 xuống còn 56,2% vào năm 2016. Điều đó cho thấy, nhiều hộ gia đình đã có cơ sở sản xuất riêng.

Nhưng về quy mô, đa phần các hộ kinh doanh gia đình vẫn mang tính nhỏ lẻ, và đều phi chính thức, ít có khả năng tạo ra nhiều việc làm với số lao động bình quân chỉ có 2 lao động/hội, tỷ lệ thuê lao động ngoài chỉ là 0,5 lao động/hộ. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh đang diễn ra quá trình chuyển đổi cấu trúc và nhu cầu việc làm ở khu vực nông thôn trong các năm tới.

Báo cáo cũng cho thấy xu hướng di cư cũng gia tăng. Có khoảng 17% hộ có được ít nhất một thành viên đã di cư trong hai năm qua. Khoảng 52% hộ có người di cư có ít nhất một thành viên di cư vì các lý do liên quan đến việc làm. Có khoảng 32% người di cư gửi tiền về quê, đóng vai trò như một cơ chế đối phó với rủi ro.

Nhưng tiền của những người đi làm xa gửi về sẽ là tốt hơn nếu không còn để trang trải chi tiêu ngắn hạn mà để đầu tư sinh lời, theo ông Thomas Markussen, Trường Đại học Copenhagen.

“Những chính sách dành cho xóa đói, giảm nghèo, cho nông nghiệp nông thôn thời gian qua tuy có mang lại những thành tựu quan trọng, nhưng lại chưa đạt được hiệu quả cao”, TS. Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) nhận xét.

“Những thành công về kinh tế của Việt Nam cần được chia sẻ đồng đều”, các chuyên gia khuyến nghị. Và để đạt được điều này, bản báo cáo đưa ra thông điệp chính sách cần thay đổi, tránh phụ thuộc vào các chính sách “thẩm thấu” từ trên xuống. Thay vào đó cần đặt trọng tâm vào các can thiệp với mục tiêu rõ ràng, hướng đến tăng cường phúc lợi của các nhóm nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất để giảm bớt chênh lệch và để đảm bảo rằng  hộ nghèo, hộ dễ bị tổn thương nhất sẽ không bị bỏ lại phía sau.

TS. Đào Quang Vinh bổ sung thêm chỉ mong đợi thì không đủ, chờ thẩm thấu của chính sách là không đủ, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần coi “giảm sự chênh lệch”, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo là một mối quan tâm chính của  trong các năm tới.

Góp thêm ý kiến, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM nói thêm rằng: “Phải mạnh mẽ hơn vì sự phát triển thịnh vượng và cải cách ở Việt Nam”.

Linh Lan 

Theo Thời báo Ngân hàng 

  




;

Văn bản gốc


;