Tin tức

Trang chủ » » Doanh nghiệp bền vững là chìa khóa cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của đất nước

Doanh nghiệp bền vững là chìa khóa cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của đất nước

24/03/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Tăng trưởng bền vững vì sự thịnh vượng lâu dài trong tương lai là một mục tiêu phát triển chiến lược của nước ta hiện nay.Bài toán phát triển bền vững này đã và đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần đưa ra lời giải nhằm hiện thực hóa mục tiêu quốc gia “tăng trưởng đi đôi với bền vững”.

Tăng trưởng trong bất ổn vĩ mô rình rập

Thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2009 của thế giới một cách khá an toàn, nền kinh tế Việt Nam trong gần một thập kỉ qua vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá (6,23% năm 2009 và 6,68% năm 2015) và đạt được những thành tựu nổi bật như: sự thay đổi lạc quan trong các thành phần kinh tế; quy mô của nền kinh tế và năng lực sản xuất của các ngành đều tăng; doanh nghiệp ngày càng được quan tâm, chú trọng tạo môi trường thương mại thông thoáng hơn và thu nhập bình quân đầu người cũng được cải thiện rõ rệt... Cùng với đó, các lĩnh vực xã hội như xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh cũng như hoạt động bảo vệ môi trường cũng được khoác lên những dấu hiệu “thay da đổi thịt” hết sức tích cực. Việt Nam đã từ vị trí nhóm các nước nghèo chuyển sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang bộc lộ những bất ổn rình rập bởi sự tăng trưởng trong suốt thời gian qua vẫn còn dừng lại chủ yếu ở “chiều rộng” về số lượng mà vẫn còn “rất nông” về “chiều sâu” và chất lượng. Nhiều lo ngại rằng Việt Nam sẽ bị rơi vào tình trạng loay hoay trong “bẫy trung bình”. Con đường thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia là phát triển bền vững ở nước ta đang gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Về tăng trưởng kinh tế, tuy mức tăng GDP bình quân tăng khá nhưng chất lượng vẫn thấp bởi hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thấp, chỉ số lạm phát và giá cả vẫn trở thành “cái bóng” đi theo sự tăng trưởng. Hiệu quả kinh tế được biểu hiện rõ nhất ở hệ số ICOR (hệ số cho biết số đơn vị đầu tư tính theo % của GDP cần thiết để đạt được 15 đơn vị tăng trưởng GDP) không ngừng tăng lên. Hệ số ICOR của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn cao nhất, làm giảm hiệu quả đầu tư kinh tế. Ngoài ra, kiềm chế và kiểm soát lạm phát cũng đang là vấn đề nhức nhối của kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng lại kéo theo hệ quả không mong muốn là chỉ số CPI tăng cao trở lại (trung bình trên 6,5% trong khoảng thời gian từ 2012 – 2016) và vẫn đang là một “biến số” khó kiểm soát của nền kinh tế.

Năng lực cạnh tranh cũng là một trong những vấn đề tác động quan trọng đến phát triển bền vững. Tuy kinh tế có phần phát triển hơn trước, song năng lực cạnh tranh của quốc gia nói chung, doanh nghiệp Việt nói riêng còn thấp và chậm được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp (Global Competitiveness Index) của nước ta có xu hướng giảm mạnh (từ hạng 61 giai đoạn 2004 - 2005, xuống hạng 75 giai đoạn 2009 - 2010 và cải thiện lên hạng 67 giai đoạn 2015 – 2016). Năng lực cạnh tranh thấp gây khó khăn trở ngại cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như đất nước.

Gần đây, tài nguyên và môi trường đã trở thành tiêu điểm trong tăng trưởng và thịnh vượng bền vững ở Việt Nam. Sau một giai đoạn tăng trưởng nóng khá dài, nguồn tài nguyên của nước ta đang trở nên cạn kiệt, nước ta không còn là đất nước giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là những khoáng sản thiết yếu. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường cũng đang là một trong những vấn đề nhức nhối trong phát triển hiện nay khi mà một loạt những sự cố trầm trọng và hành vi phá hoại môi trường của doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta được phanh phui trong những năm gần đây. Điển hình là vấn đề xả thải của doanh nghiệp Formosa. Liệu doanh nghiệp có phát triển được bền vững nếu đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng?

Doanh nghiệp chuyển mình trong chiến lược phát triển bền vững

Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt và hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần giải quyết bài toán tăng trưởng liên tục, tăng sức cạnh tranh nhưng phải đảm bảo chiến lược phát triển bền vững của chính bản thân và cả nhiệm vụ hiện thực hóa mục tiêu quốc gia.

Theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại của Coca Cola Việt Nam, nền tảng vững chắc cho thành công của doanh nghiệp chính là mang đến những giá trị cho cộng đồng và đất nước thông qua chiến lược phát triển bền vững. Nói cách khác, nền tảng cốt lõi của một chiến lược phát triển bền vững là sự thông hiểu thật sự nhu cầu, cơ hội cũng như thách thức của một đất nước, một xã hội nơi doanh nghiệp đó đang hoạt động để tham gia đóng góp hoặc giải quyết những vấn đề khó khăn đang tồn tại, tạo ra chính giá trị cho cộng đồng và chính doanh nghiệp. Tập đoàn Coca Cola Việt Nam là một trong những doanh nghiệp nước ngoài điển hình trong xây dựng mô hình phát triển bền vững như vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa giải quyết hiệu quả vấn đề môi trường, đó là tiết kiệm nước sạch, năng lượng, xử lý chất thài và tiếng ồn đạt tiêu chuẩn rất cao. Ngoài ra, bên cạnh xây dựng chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, phát triển kinh tế, tập đoàn này cũng chú trọng tổ chức những hoạt động phúc lợi xã hội.

Một trong những doanh nghiệp Việt Nam điển hình cho nỗ lực phát triển bền vững phải nói đến Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL). Không chỉ chú trọng vào sản xuất, VBL còn chú ý đến tiết kiệm và xử lý chất thải đúng quy trình, bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, công tác truyền thông xây dựng văn hóa uống rượu bia, hoạt động hỗ trợ cộng đồng cũng được doanh nghiệp chú trọng.

Xu hướng phát triển bền vững không chỉ được doanh nghiệp nước ngoài chú trọng, cộng đồng DN Việt cũng đang tích cực chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng đó. Chương trình đánh giá phát triển bền vững với bộ chỉ số CSI phù hợp với bối cảnh chính trị, xã hội trong nước, vấn đề tài nguyên môi trường cũng như các thông lệ quốc tế, được xây dựng phù hợp nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững. DN có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng bộ chỉ số trên sẽ tăng thêm uy tín với khách hàng, tăng cường trách nhiệm xã hội và cải thiện hiệu quả kinh doanh đáng kể, củng cố hơn nữa vị thế DN. Kết quả khảo sát các doanh nghiệp thịnh vượng mới đây của Vietnam Report cũng cho thấy trong những năm qua, doanh nghiệp rất coi trọng và tập trung vào chiến lược trách nhiệm xã hội. Những vấn đề của cộng đồng nhận được nhiều phản hồi nhất từ phía các doanh nghiệp là: thúc đẩy tính minh bạch trong kinh doanh (chiếm 89,5%), hỗ trợ cộng đồng địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo vệ môi trường và hỗ trợ việc làm cho thanh niên.

Hình: Nhận định của DN về 5 vấn đề xã hội quan trọng nhất mà DN đã góp phần giải quyết trong những năm qua

Hòa cùng xu hướng phát triển chung của quốc gia cũng như thế giới, với khung pháp lý và môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng và được tạo điều kiện thuận lợi, việc xây dựng mô hình phát triển bền vững đối với doanh nghiệp không còn là vấn đề không thể thực hiện được. Tự đặt ra những tiêu chí cụ thể, cùng những tiêu chí và bộ công cụ CSI, đo lường đánh giá minh bạch, khoa học chung của cộng đồng DN là một trong những việc làm cần thiết để DN xây dựng chiến lược phát triển, góp phần lan tỏa sự bền vững trong sản xuất kinh doanh. DN bền vững là chìa khóa quan trọng cho sự tăng trưởng và thịnh vượng dài lâu của đất nước.

Trang Anh

  




;

Văn bản gốc


;