Sáng tạo - Khai mở

Trang chủ » » Giá trị thực sự của cách mạng công nghiệp 4.0: Lợi ích xã hội

Giá trị thực sự của cách mạng công nghiệp 4.0: Lợi ích xã hội

26/05/2017

Ngày nay, phần lớn chúng ta đang nắm bắt những cơ hội mang tính thương mại trong lĩnh vực kĩ thuật số, nhưng có bằng chứng mới lại chỉ ra rằng chúng ta có thể đã bỏ lỡ một “phần thưởng” lớn hơn: những lợi ích xã hội và lợi ích môi trường của kĩ thuật số.

Theo phân tích từ Sáng kiến Chuyển đổi Kĩ thuật số do Accenture – một trong những công ty cung cấp dịch vụ và tư vấn công nghệ lớn nhất thế giới – cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum)  tiến hành, trong 100 nghìn tỉ USD giá trị của kĩ thuật số có thể gặp nguy cơ trong thập kỉ tới, khoảng 60% sẽ có khả năng tích lũy xã hội thay vì tích lũy kinh doanh.

Đây là một dự đoán được nghiên cứu kĩ lưỡng. Ví dụ như Ấn Độ, quốc gia chịu tác động đáng kể của kĩ thuật số. Việc sử dụng công nghệ có thể làm thay đổi cuộc sống của cộng đồng người dân khu vực nông thôn. Các giải pháp kĩ thuật số cũng có thể cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho những doanh nghiệp nhỏ được tài trợ, tạo ra 410 tỉ USD cho xã hội và gần 5 triệu việc làm. Thực tế, ước tính có 94% – của con số tiềm năng là 1.2 nghìn tỉ USD được tạo ra nhờ kĩ thuật số – sẽ mang lại lợi ích xã hội nhiều hơn là các cổ đông ở quốc gia này.

Ngay cả ở các nền kinh tế phát triển, lợi ích của kĩ thuật số đối với xã hội cũng là rất lớn. Tại Anh, cải thiện những cơ chế an toàn trong phương tiện giao thông có thể làm giảm 9% số trường hợp tử vong mỗi năm; trong khi các hệ thống tiên tiến hỗ trợ lái xe có thể tiết kiệm 25 tỉ USD cho người tiêu dùng, liên quan tới bảo hiểm cùng các chi phí khác. Trong thập kỉ tới, người tiêu dùng nước Anh có thể tiết kiệm 100 tỉ USD với hình thức mua sắm trực tuyến.

kĩ thuật số sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sốngKĩ thuật số sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn: Reuters/Yuriko Nakao

Thay đổi các quy tắc của trò chơi

Hiểu theo nghĩa rộng, kĩ thuật số sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Lấy ví dụ, bằng cách giải quyết các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nhằm xóa đói giảm nghèo, chống lại sự bất bình đẳng và biến đổi khí hậu, các công nghệ mới có thể “mở khóa” 9 nghìn tỉ USD lợi ích kinh tế.

Thách thức ở đây là tính ưu đãi về lợi nhuận cho sự đầu tư vào môi trường và xã hội thường yếu, thời gian hoàn vốn lâu hơn rất nhiều so với mức cho phép của mô hình kinh doanh số hiện tại. Vì thế, phần lớn giá trị cho xã hội sẽ vẫn bị giữ lại. Là lãnh đạo doanh nghiệp, chúng ta cần phải làm việc với các nhà hoạch định chính sách để thay đổi các quy tắc của trò chơi – vượt xa cả những cơ hội hiện nay mà kĩ thuật số có thể mang về lợi nhuận – nhờ đó, chúng ta có thể đạt được những lợi ích xã hội và lợi ích môi trường rộng lớn hơn.

Một số nỗ lực sẽ đòi hỏi mức đầu tư công lớn hơn cho cơ sở hạ tầng hay ứng dụng kĩ thuật số, nhưng có nhiều cơ hội sáng tạo hơn sẽ xuất hiện, chẳng hạn như việc thiết lập những khu vực thí nghiệm có rào chắn cho những nhà cách tân có thể thử nghiệm các mô hình kinh doanh số mới. Dân thành thị có thể “mở” kho tài sản của mình, chia sẻ chúng qua những ứng dụng của nền kinh tế chia sẻ, giúp mọi người tìm chỗ đậu xe hoặc thuê nhà dễ dàng hơn. Bằng cách kết hợp giữa những ưu đãi của khu vực tư nhân với lợi ích công cộng, họ sẽ tạo ra sự tự tin ngay trong cộng đồng những người đóng thuế.

Nhưng các CEO phải ra ngoài làm việc với các nhà hoạch định chính sách về những khuôn khổ pháp lí mới. Họ cũng phải cam kết theo nguyên tắc: thành công không thể được đo lường chỉ bằng khả năng sinh lời và sự tăng trưởng. Ví dụ, các công ty nào tận dụng tốt hơn những nguồn lực khan hiếm mà khách hàng của họ phải phụ thuộc vào, thì sẽ làm tăng khả năng bám trụ lâu dài trên thị trường của công ty đó. Với những khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp mang đến điểm khác biệt có khả năng cạnh tranh sẽ thu lại được nhiều khách hàng trung thành hơn.

Điều này mang tới một nghịch lí mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải đối mặt: một mặt, với tốc độ thay đổi nhanh chóng hiện nay, chúng ta cần phải có các tổ chức nhanh nhẹn, linh hoạt để thích ứng tốt hơn với những dấu hiệu thị trường ngắn hạn; mặt khác, chúng ta phải cam kết vì mục tiêu xã hội bền vững – dù sẽ cần nhiều thời gian hơn để tạo ra lợi nhuận.

Quan trọng là, lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi những kĩ năng và văn hóa của doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp hơn với nhu cầu của con người và xã hội. Công nghệ số có khả năng giúp “giải phóng” người lao động khỏi một số công việc có thể được tự động hóa, để họ tập trung vào giải quyết những vấn đề kinh doanh phức tạp hơn. Nó có thể cung cấp cho người lao động những công cụ mới và thông tin chi tiết để thiết kế nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa.

Giờ là lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện sự lãnh đạo đầy trách nhiệm của mình bằng cách đảm bảo rằng chúng ta không chỉ nắm bắt những cơ hội có tính thương mại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà còn áp dụng các ứng dụng kĩ thuật số mới phát hiện để mang lại lợi ích lớn hơn cho xã hội. Đó là nghĩa vụ của chúng ta với tư cách là người quản lí một thế giới mở, một thế giới kết nối và toàn diện hơn.

Thanh Huyền

Lược dịch theo World Economic Forum

  




;

Văn bản gốc


;