Đang cập nhật

Trang chủ » » Mua bán doanh nghiệp trong nước: Bị "thôn tính" hay là " tự bán mình" ?

Mua bán doanh nghiệp trong nước: Bị "thôn tính" hay là " tự bán mình" ?

16/09/2016

Trước xu hướng toàn cầu hóa buộc nhiều công ty phải sử dụng mua bán và sáp nhập như một cách để tăng cường sự hiện diện trên phạm vi quốc tế và mở rộng thị phần ở các thị trường mới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Trước làn sóng hội nhập kinh tế thế giới, doanh nghiệp trong nước bị (hay được) doanh nghiệp nước ngoài mua lại (acquisitions) ngày càng nhiều thông qua việc mua cổ phần chi phối để nắm quyền điều hành. Điều này dễ thấy qua các thương vụ các tập đoàn kinh tế của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản mua lại một số doanh nghiệp trong nước gần đây.

Doanh nghiệp nước ngoài khi bỏ tiền ra mua lại doanh nghiệp trong nước thường có lợi ích tích cực còn các doanh nghiệp bị mua lại thường bị đặt ở vị thế tiêu cực, theo kiểu không cạnh tranh nổi nên bị... thôn tính. Nhưng trên thực tế, có trường hợp các doanh nghiệp trong nước không phải bị thôn tính mà là tự bán mình khi đang làm ăn hiệu quả.

Đó là khi doanh nghiệp trong nước nhận thấy tốc độ phát triển có xu hướng chậm lại, nếu tiếp tục kinh doanh, lợi nhuận sẽ giảm dần và có thể dẫn đến thua lỗ. Điều này xuất phát từ nhu cầu của thị trường đã bão hòa, thậm chí do khả năng lãnh đạo doanh nghiệp đã đến mức giới hạn.

Một số trường hợp khác, mặc dù doanh nghiệp đang phát triển nhưng lãnh đạo doanh nghiệp đang gặp vấn đề về tuổi tác trong khi không tìm được người xứng đáng để thay thế.

Bán doanh nghiệp khi đang làm ăn hiệu quả, giá trị doanh nghiệp cao đỉnh điểm để thu về khoản tiền lớn được xem là thời điểm đúng lúc để thu hoạch sau thời gian “vỗ béo”. Với số tiền lớn nhận được, chủ doanh nghiệp có thể đầu tư ngành nghề khác có cơ hội tăng trưởng cao hơn, thậm chí không muốn đầu tư nữa thì có thể dùng trả “cổ tức khủng” cho cổ đông, trong đó có chủ doanh nghiệp.

Về phía cổ đông, trong dài hạn, doanh nghiệp có thể hiệu quả hơn nhờ cung cách quản lý mới, tiềm lực tài chính dồi dào, từ đó đem lại lợi ích cho cổ đông. Tuy nhiên, cổ phiếu của các cổ đông cũ sẽ bị pha loãng do nhà đầu tư nước ngoài bỏ thêm vốn. Nếu lợi nhuận tạo ra không tương xứng, cổ tức nhận được sẽ giảm, đặc biệt nếu “báo lỗ” theo chiêu thức “chuyển giá” thì cổ phiếu nhà đầu tư cũ xem như mất trắng.
Về phía thị trường, sự đầu tư này của doanh nghiệp nước ngoài đem lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước qua cạnh tranh về chất lượng và giá cả hàng hóa. Đây cũng là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng cạnh tranh.

Có trường hợp doanh nghiệp không khó khăn về tài chính, chỉ vì tăng trưởng chậm mà thu hẹp một ngành nghề để chuyển sang sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới. Trường hợp này, chủ doanh nghiệp vẫn muốn giữ lại thương hiệu, do đó không nghĩ đến bán doanh nghiệp và chỉ khi không còn cách nào khác để phát triển mới nghĩ đến việc bán doanh nghiệp.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp không khó khăn về tài chính, ngay từ đầu chủ doanh nghiệp đã chủ đích tạo dựng doanh nghiệp rồi bán như bán sản phẩm, xuất phát từ quan điểm tối đa hóa lợi nhuận. Trường hợp này cũng có thể nghĩ đến yếu tố môi trường đầu tư ảnh hưởng đến việc doanh nhân có muốn tiếp tục duy trì doanh nghiệp cũ hay bán doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp mới, xóa sạch mọi yếu tố lịch sử của doanh nghiệp.

Bán doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi trong cơ chế thị trường, trước làn sóng hội nhập kinh tế. Nó tùy thuộc vào quyết định, quan điểm của người lãnh đạo gắn bó với doanh nghiệp, nếu bán thì thường theo giá thuận mua vừa bán. Trong cơ chế thị trường, đặc biệt là đối với doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước rất khó khăn trong việc tác động đến quyết định mua bán doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước có thể tác động bằng cách tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhằm duy trì tên tuổi doanh nghiệp qua nhiều thế hệ. Có như vậy mới có thể có các tập đoàn kinh tế mang tầm vóc quốc gia, thế giới như các tập đoàn kinh doanh Nhật Bản đã tồn tại hàng trăm năm.

Với mục tiêu Chính phủ đưa ra, đến năm 2020 cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động thì việc hỗ trợ doanh nghiệp, mà trước mắt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh là việc làm cấp bách.

Huyền Thương

Theo Thời báo kinh tế Sài gòn

  




;

Văn bản gốc


;