Tin tức

Trang chủ » » Muốn có nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp phải tự cứu mình?

Muốn có nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp phải tự cứu mình?

04/09/2018

Chuyên mục: Tin tức In trang

Từ thực tế nguồn nhân lực của doanh nghiệp, các chuyên gia tại tọa đàm đều nhận định rằng, Việt Nam đang thiếu một kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, nguồn nhân lực tốt thì bỏ đi nước ngoài. Vậy doanh nghiệp làm thế nào để tự cứu mình? Đại học cần chuyển đổi điều gì để đáp ứng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp trong thời đại số?

Doanh nghiệp phải tự cứu mình

Ông Võ Xuân Yên, CEO Công ty đầu nhớt Nano Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp mình tương đối nhỏ nhưng chịu sự tác động khá lớn của thị trường nhân lực. Bản thân tôi đã thất bại trong việc tìm kiếm một CEO mới và chưa chuyển giao được thế hệ. Việc đào tạo ở các nhà trường lý thuyết nhiều, thực hành ít, nên chúng tôi phải tự đào tạo từ cấp bán hàng trở lên. 

Hướng đi của tôi là tuyển người mới ra trường, rồi tự đào tạo, vì các bạn có nghề rồi thì nhảy việc rất nhanh, gây áp lực. Với kết nối internet, quản lý hiệu quả hơn, tùy doanh nghiệp sẽ có chiến lược sử dụng con người khác nhau. Công ty tôi chuyên về sản xuất, phân phối dầu nhớt Nano, mình không có ý định sẽ dùng nhiều nhân công, vì tôi ý thức sử dụng máy móc nhiều hơn con người”.

Từng tham gia với các hiệp hội ngành nghề Đông Nam Á, ông Yên cho biết, các trường đại học ở Đông Nam Á phát triển rất mạnh mối quan hệ với doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề. Họ mời các hiệp hội ngành nghề đào tạo nhân lực cho cả khối Đông Nam Á, rất sát thực, chuyện kết nối vẫn luôn được tự động hóa.

Không những thế, theo đánh giá của ông Yên, thị trường nhân lực Việt Nam còn có một hạn chế khá "phũ phàng" đó là thực trạng: Người tài đã ít, sử dụng lại vô cùng lãng phí. 

“Cấp công nhân viễn thông cho các nhà mạng đầu vào đòi hỏi từ trung cấp, cao đẳng, đại học nhưng chỉ cần huấn luyện mấy tháng là làm việc được ngay. Chương trình huấn luyện của công ty tôi cũng có 6 tuần, đầu vào từ trung học thôi. Theo đánh giá của tôi, nếu tuyển sinh viên cao đẳng, đại học, lãng phí mất 3 năm. Các doanh nghiệp nên biết mình cần ai, đặt hàng cho chuẩn, giải quyết bài toán rất nhanh, rõ ràng. Ngay bản thân tôi được đào tạo đại học kinh tế, viết hóa đơn còn sai, ba năm rưỡi đào tạo coi như vứt đi! Chỉ cần tuyển nhân viên lớp 12, cộng một tháng đào tạo là bán hàng giỏi rồi, đâu cần phải học triết học Mác - Lê Nin tốn nhiều thời gian như thế?”, ông Yên nói.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, theo ông Yên cần nhấn mạnh tính kỷ luật và nền tảng đạo đức của người lao động trong thời đại số. Bởi lẽ, sử dụng nhân công ít, dùng máy móc điều khiển thì tính kỷ luật phải cao hơn. Con người phải thay đổi tư duy, tính kỷ luật phải cao, vì nếu lỡ không đáp ứng được thời gian hợp đồng sẽ phải đền rất nhiều tiền. Khả năng tự học phải cao vì nhập dây chuyền mới liên tục, phải có ngoại ngữ để xử ý sự cố, tương tác máy móc… 

Vấn đề lao động chất lượng rất khó khăn, bản thân ông Yên cũng phải kết hợp rất nhiều với các trường đại học, đặt hàng từng kỹ sư với kỹ năng, kiến thức cụ thể. Nhưng đạo đức, nền tảng văn hóa mới quan trọng, xã hội phức tạp, nhân cách xuống cấp, khó thay đổi, phải tác động từ trường học và gia đình. 

Các công ty đa quốc gia luôn lồng môn đạo đức kinh doanh trong suốt quá trình đào tạo. Nhà trường phải đưa môn đạo đức kinh doanh vào chương trình học của sinh viên, gieo vào trong đầu sinh viên ý thức đó, từ đó mới không hành xử sai. Phải có liều thuốc đề kháng từ nhà trường, gia đình, để tránh rủi ro cho doanh nghiệp về chảy máu chất xám, liên quan đến giáo dục, đạo đức kinh doanh. Sinh viên phải tự học, tự cập nhật kiến thức liên tục, nếu không tụt hậu rất nhanh.

Bản thân người chủ cũng vậy, nếu không cập nhật công nghệ sẽ thất bại ngay. Hiện công ty tôi chưa có lực lượng kế thừa, nên bản thân chủ doanh nghiệp phải học, đọc liên tục”, ông Yên chia sẻ. 

Đối với Công ty Mitek, công cuộc tìm kiếm nhân lực cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Thái Việt Huy, CEO Mitek cho biết: “Ngay từ đầu Mitek đã xác định chỉ viết phần mềm cung cấp thị trường, không gia công. Chiến lược đó khiến Mitek rất khó khăn tuyển nhân lực vì lương rất cao. Mitek có nhiều cách, tìm đến trường có sinh viên phù hợp với mình, những trường có lượng sinh viên chất lượng cũng chủ động tìm đến mình, đó là mối quan hệ hai chiều rất tốt. 

Nhưng thực sự những sinh viên Top của Đại học Khoa học tự nhiên thì các tập đoàn nước ngoài lấy mất rồi. Chúng tôi chọn con đường hẹp hơn, đầu tư cho các team nhỏ từ sinh viên năm thứ hai, thứ ba, giao dự án cho các bạn làm. Các bạn sinh viên rất thích, vì có điều kiện học hỏi thêm ngay trong công việc, đó là cách chắc chắn hơn, vì chất xám đó mình dùng được ngay”.

Trách nhiệm của đại học trong việc đồng hành với doanh nghiệp

Bàn về trách nhiệm đại học trong việc đầu tư trung tâm R&D để phục vụ nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm phát triển sản phẩm mới, ông Việt Huy chia sẻ kinh nghiệm từ Đài Loan: “Chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) xác định ngay từ đầu doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức làm R&D, nuôi mấy chục người rất khó, tìm đến trường đặt hàng cũng không đáp ứng nổi việc nghiên cứu. Những cái doanh nghiệp nhỏ và vừa định làm rất nhỏ, thường người ta đã làm rồi. Giống như ngày xưa mình đi thực tập vậy, làm được cái App đã tưởng là ghê gớm lắm rồi.

Cách đây một năm, tôi cùng đoàn doanh nghiệp qua thăm Đài Loan, tìm hiểu Trung tâm công nghệ ITRI, họ nói về 1.0, 2.5, 3.5… chứ không nói đến 4.0. Cả nền công nghiệp của Đài Loan quan niệm không làm R&D, Trung tâm Công nghiệp ITRI mới làm R&D cho tất cả các ngành. Công ty đầu tiên về Chip của Đài Loan nuôi trung tâm này, họ có chiến lược CMC phát triển ra, ai nghiên cứu IOT, Cloud, nhà nước cho tiền hết. Thực sự doanh nghiệp tới ITRI chỉ cần đặt hàng, sau đó là có sẵn đồ đem đi bán. Chỉ có trường, có Nhà nước mới đủ sức làm R&D đến nơi đến chốn, còn doanh nghiệp nhỏ không đủ lực để làm R&D.

Làm công nghệ cao phải có con người công nghệ cao mới làm nổi. Tôi thấy mấy bạn chịu học thêm bên ngoài, mấy bạn trường tỉnh chịu khó lên mạng tìm hiểu sau này phát triển rất tốt. Nỗ lực để trở thành chuyên nghiệp không chỉ trong đào tạo của nhà trường, của doanh nghiệp, mà còn của sinh viên nữa. 

Mình cũng có hai dự án startup đầu tư cho các bạn sinh viên, thực sự chi phí rất lớn. Công ty mình chỉ nỗ lực càng ngày càng làm những dự án phần mềm nhỏ, càng nhỏ càng tốt, tập trung hết nguồn lực vào để bán cho được thì hiệu quả cao hơn nhiều là muốn làm lớn. Cũng phần mềm mình làm ra đó, muốn nâng cấp cho tốt hơn, thậm chí có lúc phải đập đi hết để làm lại, có khi phải tìm nhóm nhân lực mới trẻ hơn, chứ người cũ thì chịu.

Hơn ai hết, tôi hiểu nỗi khó khăn của doanh nghiệp nhỏ Việt Nam. Đài Loan và Việt Nam gần nhau lắm, doanh nghiệp nhỏ chiếm tỷ trọng rất lớn, có được một trung tâm R&D như Đài Loan sẽ rất hữu ích, họ vô đặt hàng, đấu giá, ai trả tiền nhiều cho trung tâm thì trung tâm sẽ bán cho họ. Tôi cũng chơi với một nhóm làm IT về sức khỏe, họ lấy ý tưởng đó làm ở Pháp hay nhóm làm tay giả hiện đang làm cho đơn đặt hàng từ Nhật.. Đó là những nhóm rất hay, được định hướng ngày từ khi còn ở ghế nhà trường, còn doanh nghiệp thì chỉ tập trung đi bán hàng, như thế sẽ rất hiệu quả".

Theo CEO Mitek, nên chăng Việt Nam nên tạo ra một trung tâm thu hút nhân tài về công nghệ có tiềm lực về tài chính, thu hút các luồng tư duy tiên phong về tri thức, cũng là nơi đón nhận các thành quả của startup để đưa vào ứng dụng, tạo nên hệ sinh thái giải quyết trọn vẹn hơn bài toán của thị trường, của doanh nghiệp. Vingroup, FPT, Viettel, VNPT, VNG… có sẵn nền tảng công nghệ, liệu họ có chịu dấn thân để tiếp nhận vai trò dẫn dắt cuộc chơi trên thị trường?

Đồng quan điểm với vị CEO Mitek, ông Đinh Duy Linh, CEO Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông II (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho rằng, Trung tâm công nghệ ITRI của Đài Loan thực sự là ước mơ, 60 ngàn người làm việc trong đó hơn một nửa là tiến sĩ, giá như Việt Nam có một trung tâm như vậy sẽ làm được bao nhiêu chuyện?

"Ở góc độ nhân lực trình độ cao, tôi vẫn tin có ý thức sẽ thay đổi được. Về phía sinh viên, tôi đi tìm những bạn mong muốn có nghề nghiệp, có việc làm, tôi sẽ giúp các bạn. Làm như dưới thời chiến, phải khai tâm, cho các bạn thấy đó là cái nghề để các bạn yêu. Sau đó để làm được không khó, chỉ cần đặt hàng thôi, quan trọng đầu tiên thay đổi suy nghĩ các em.

Về doanh nghiệp, tôi thiết kế chương trình đào tạo, đáp ứng trực tiếp nhu cầu, thiết kế mức lương cụ thể. Những việc đó chúng tôi đã làm từ 2012 và được đánh giá tốt. Để thực hiện ước mơ, chúng tôi dựng lên vườn ươm, có những đặt hàng cụ thể, nhà đầu tư cụ thể, với mong muốn qua một số doanh nghiệp thành công, sẽ có nguồn tài trợ để làm được một số ứng dụng cho doanh nghiệp đến đặt hàng mình. 

Nếu doanh nghiệp chỉ cần công nhân thì không nên đặt đầu bài quá cao, sẽ lãnh phí, vì họ chỉ làm mấy bữa là bỏ đi vì họ đâu có an phận với nghề công nhân đâu.

Công nghệ bắt buộc thay đổi mới tồn tại được. Trong học viện, chúng tôi có chương trình cụ thể để tập trung vào ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất cần giúp họ thay đổi tư duy, cung cấp kỹ năng để làm việc. Để thay đổi phải có đổi mới sáng tạo, quản trị sự thay đổi ấy như thế nào, bản thân người chủ doanh nghiệp, ban lãnh đạo cũng phải chuẩn bị kỹ năng đó mới phát triển doanh nghiệp lên tầm cao mới. 

Nhóm thứ hai là có kỹ năng có thể phát triển nhóm sản phẩm công nghệ bằng cách tích hợp, dùng những công nghệ để phát triển ngành nghề mới. Nhóm thứ ba là khởi tạo các doanh nghiệp mới, cần được đào tạo đế nắm bắt cuộc cách mạng này, để đỡ sai đường, đỡ tốn nguồn lực hơn…

Thật sự lúc này, điều chúng tôi cần nhất là đơn đặt hàng cụ thể của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần bao nhiêu người? Năng lực thế nào? Trả cho chúng tôi bao nhiêu tiền? Chúng tôi sẽ cung ứng và đủ tự tin để làm”.

Kim Yến

Theo The Leader

  




;

Văn bản gốc


;