Sự kiện

Trang chủ » » Tăng trưởng kinh tế: Thách thức còn là câu chuyện dài!

Tăng trưởng kinh tế: Thách thức còn là câu chuyện dài!

14/04/2016

Chuyên mục: Sự kiện In trang

Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 đang trên xu thế phục hồi với tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần qua từng năm từ năm 2012 đến nay và nền kinh tế cũng dần ổn định hơn. Mặc dù đã nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm qua, một số vấn đề tồn đọng vẫn chưa được giải quyết tạo nên những thách thức cho tăng trưởng trong năm 2016 và những năm sắp tới.

Có thể nói năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2016-2020, mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7%. Liệu bức tranh kinh tế này sẽ ra sao, và những mục tiêu trong 5 năm tới có đạt được hay không? Khi Việt Nam đang gặp không ít những thách thức từ nội lực cũng như những tác động đến từ các nước trên thế giới. Vietnam Report đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn PGS- TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xoay quanh vấn đề này. 

Vietnam Report: Hiện tại, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta chỉ đạt được ở một số lĩnh vực và trong năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập mạnh mẽ, một loạt thỏa thuận thương mại tự do đã và sẽ được ký kết. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong sân chơi chung đặc biệt một số lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp bị yếu thế, v.v. Mục tiêu tăng trưởng trên liệu có bị cản trở bởi những thách thức này?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Theo tôi, thách thức là câu chuyện trong dài hạn, hội nhập là một quá trình liên tục. Tôi cho rằng hội nhập sẽ đem lại nhiều mặt tích cực cho tăng trưởng. Nó sẽ tạo ra sức hút đối với doanh nghiệp FDI và vốn đầu tư nước ngoài, là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khu vực nội địa sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng giữa cơ hội và thách thức. Khi nói đến tác động của TPP đối với ngành Nông nghiệp, có thể thời cơ cho ngành này ngay lập tức chưa nhiều, tuy nhiên khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập của ngành Nông nghiệp là tương đối lớn. Đơn cử như ngành Chăn nuôi, hay thậm chí một thế mạnh của nước ta như lúa gạo, chất lượng sản phẩm chưa thực sự tốt, các tiêu chuẩn kỹ thuật chưa cao nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu trên Thế giới. Nếu ngành Nông nghiệp của nước ta vẫn đi theo lối cũ thì khả năng cạnh tranh trong TPP là rất khó. Ngành Nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu phát triển theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, nền tảng kỹ thuật thấp, tập trung vào sản lượng là chính thay vì chất lượng, do vậy khó có thể cạnh tranh được với những nước có ngành Nông nghiệp phát triển hiện đại hơn. Hiện nay, tại Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp và một số tập đoàn lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, và chính họ sẽ là những nhân tố thay đổi các phương thức trong nông nghiệp, hứa hẹn sẽ đem lại cho ngành Nông nghiệp Việt Nam những thay đổi tích cực hơn. Trong ngắn hạn có thể nông nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các quốc gia phát triển khác nhưng về dài hạn thì đây sẽ là một thay đổi rất tích cực. Đối với ngành Công nghiệp, sức cạnh tranh của Công nghiệp Việt Nam không nhiều, chủ yếu là lắp ráp, gia công, trong giai đoạn tới chưa thể phát huy được lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập sẽ giúp thay đổi cấu trúc thị trường, giảm bớt lệ thuộc vào thị trường đầu vào ở Trung Quốc, như vậy từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh. Lĩnh vực Du lịch - Dịch vụ sẽ có nhiều khởi sắc tích cực hơn, hội nhập sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực, giúp Việt Nam tận dụng được nhiều lợi thế tài nguyên. Như vậy, nhìn chung bức tranh kinh tế tổng thể của Việt Nam sẽ trở nên tích cực trong dài hạn, và điều kiện để đảm bảo cho thắng lợi trong dài hạn ấy  chính là cải cách thể chế, giúp thay đổi chất lượng trong nền kinh tế.

Vietnam Report: Có ý kiến cho rằng số doanh nghiệp thành lập hay giải thể sẽ thể hiện sức khoẻ của nền kinh tế, ông đánh giá điều này sẽ tác động ra sao đến mục tiêu tăng trưởng?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Ở Việt Nam có hiện tượng số lượng doanh nghiệp đóng cửa liên tục tăng từ năm 2010 đến nay, đồng thời số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm cũng tăng lên, và số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn số doanh nghiệp đóng cửa. Đấy là số doanh nghiệp nội địa còn số doanh nghiệp FDI vẫn tăng. Số doanh nghiệp đóng cửa là số doanh nghiệp tồn tại thật tạo việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đã đóng thuế cho Nhà nước, và đã tạo ra GDP rồi. Trong khi đó, số doanh nghiệp mới thành lập chỉ mới đăng ký và sau khi đăng ký xong có đi vào hoạt động thực sự hay không là điều chưa chắc chắn, hơn nữa việc doanh nghiệp này đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế cũng khó có thể đoán biết được, phải đợi ít nhất 6 tháng cho đến 1 năm sau mới có thể tạo ra sản lượng. Số lượng doanh nghiệp đóng cửa tăng lên chứng tỏ môi trường thể chế cho doanh nghiệp nội địa vẫn chưa được cải thiện. Trong những năm vừa qua, số doanh nghiệp đóng cửa chính là một dấu hiệu cảnh báo đối với môi trường kinh doanh ở Việt Nam cải thiện thực sự chậm và cần phải có những điều chỉnh tích cực hơn nữa. Vì vậy nếu nói rằng số doanh nghiệp thành lập tăng lên nhiều hơn số doanh nghiệp đóng cửa hàng năm đồng nghĩa với môi trường vĩ mô được cải thiện rất tốt là một đánh giá không không chuẩn xác.

Vietnam Report: Trước những thuận lợi và thách thức, dưới góc độ cá nhân, ông dự báo như thế nào về mục tiêu tăng trưởng cho 5 năm tới?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ rằng 5 năm tới nếu tính riêng điều kiện ở Việt Nam, nền kinh tế có thể có những phục hồi tích cực hơn. Nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi và bước vào một quỹ đạo hội nhập mới với nhiều thuận lợi. Đặc biệt với dự báo thời cơ mang lại cho Việt Nam sẽ có khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, điều quan trọng nhất  chính là áp lực hội nhập rất lớn, riêng nói về áp lực hội nhập phải nói đến việc chúng ta cải thiện thể chế chưa tốt cũng đã tạo ra rất nhiều khó khăn. Những yếu tố cản trở tăng trưởng ví dụ như nợ xấu, các nút thắt về hạ tầng, những vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa được giải tỏa, những nút thắt về thể chế, thủ tục, v.v. gây ra cản trở rất lớn, những yếu tố này khiến cho việc hiện thực hóa cơ hội tăng trưởng giảm đi rất nhiều. Trong 5 năm tới, quyết tâm tháo gỡ những yếu tố cản trở này sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi tích cực cho khu vực trong nước. Tình hình Thế giới đang trong giai đoạn khó dự báo, trong đó có Nga và Trung Quốc là 2 quốc gia đang gặp nhiều khó khăn, đây lại là 2 nước có ảnh hưởng tương đối lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Đây là điều đáng lo ngại và cần phải thận trọng. Một yếu tố nữa liên quan đến điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu, đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng một cách tiếp cận cơ cấu kinh tế theo hướng đổi mới, nhất là mảng nông nghiệp. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới này đòi hỏi chi phí tốn kém, không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được. Nếu Việt Nam cải cách trong nước tốt thúc đẩy nền kinh tế tư nhân trong nước thông thoáng thật sự, thì nền kinh tế sẽ thay đổi. Dựa trên nền tảng đó, sẽ có rất nhiều cơ hội hội nhập kết nối giữa khu vực trong nước và nước ngoài. Tôi hy vọng tới đây nền kinh tế sẽ có những chuyển dịch trong chiến lựơc FDI, giúp cho nền kinh tế cải thiện. Trong 5 năm tới, 3 năm đầu phải tập trung quyết liệt cho việc cải cách thể chế, tạo nền tảng cho tăng trưởng vững chắc hơn, cho sự thay đổi của đẳng cấp phát triển. Trong 2 năm sau, nhịp tăng trưởng sẽ được đẩy lên và tốt hơn rất nhiều, có thể sẽ có những cú nhảy vọt về cả tốc độ và chất lượng, nếu 3 năm tới không tập trung cải cách, chỉ tập trung đẩy mạnh tốc độ thuần túy thì phát triển sẽ không bền vững.

Vietnam Report: Nước ta là nước có quyết tâm rất cao khi tham gia các hiệp định đẳng cấp cao nhưng lại là nước có trình độ thấp, vậy chúng ta cần phải có sự thay đổi về mô hình tăng trưởng kinh tế như thế nào để có thể bắt kịp với xu thế tăng trưởng chung?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Sự quyết tâm thật sự không nằm ở chỗ ký nhiều Hiệp định mà thể hiện ở 2 yếu tố, thứ nhất là phải đàm phán thật tốt để Việt Nam có định hướng, cách tiếp cận với Thế giới tốt nhất, thứ hai là phải đàm phán được những điều kiện có lợi nhất cho Việt Nam. Đây được xem là nghệ thuật đàm phán. Tôi cho rằng trong việc đàm phán hội nhập, Việt Nam đã làm tương đối tốt, và cách chúng ta tiếp cận đàm phán với 5 tuyến hội nhập như năm vừa rồi (TPP, AEC, VEU, v.v.) đều ở đẳng cấp cao, đối tác mạnh. Tuy nhiên, chúng ta từng có những bài học về việc đàm phán tốt nhưng không có nghĩa là hội nhập cũng sẽ tốt. Bởi vì để hội nhập tốt cần có năng lực cạnh tranh, những thay đổi thực chất của nền kinh tế. Khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã đàm phán rất tốt, nhưng không tận dụng hết cơ hội, thậm chí chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Đó là một bài học. Cho đến giờ tôi thấy chúng ta đã đàm phán rất tốt 5 Hiệp định, nhưng công tác chuẩn bị năng lực để hội nhập và tận dụng tốt cơ hội của 5 Hiệp định đó, vượt qua thách thức là điều chưa rõ ràng. Đây chính là điều mà chúng ta cần phải có thời gian để thực hiện. Ví dụ như việc bảo vệ thị trường nội địa trong cộng đồng kinh tế ASEAN, thị trường bán lẻ của Việt Nam là một thị trường tăng trưởng rất tốt, nhưng hệ thống bán lẻ lại để Thái Lan, Malaysia, Indonesia vào cạnh tranh, và chúng ta để mất thị trường như vậy là thực sự có vấn đề. Điều này chứng tỏ khâu sản xuất của chúng ta có vấn đề, ví dụ họ chiếm được thị trường bán lẻ họ đưa hàng vào bán, trong khi đó, Việt Nam lại thông thương tự do với các nước khiến câu chuyện trở nên phức tạp, như vậy phải chuẩn bị năng lực cạnh tranh thật tốt, hoặc chúng ta chỉ có thể lắp ráp, gia công, khai thác tài nguyên để bán. Đối với công nghiệp chế biến chế tạo, hầu như Việt Nam không có năng lực gì, điều này rất nguy hiểm, cho thấy cơ cấu bị thiên lệch. Ngành Nông nghiệp của chúng ta trước nay vẫn được coi là thế mạnh nhưng thực ra chỉ mạnh ở sản lượng chứ không mạnh về chất lượng, nên phần giá trị gia tăng không nhiều. Vì vậy không thể nói rằng người nông dân đang làm giàu bằng nông nghiệp, họ chỉ đang thoát  nghèo, thoát đói nhờ nông nghiệp. Ngành du lịch dịch vụ cũng vậy, Việt Nam có lợi thế về tài nguyên nhưng đẳng cấp rất thấp. Như vậy việc chuẩn bị năng lực hội nhập là cần thiết. Về năng lực cơ cấu ngành tổng thể như chúng ta đã nói, công nghiệp không thể chỉ dựa vào khai thác, lắp ráp mà phải chuyển sang công nghiệp chế biến chế tạo, trở thành công nghiệp cao. Nông nghiệp cũng như vậy, du lịch cũng thế, tổng thể phải đẩy lên đẳng cấp khác. Hơn nữa, bản thân từng doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của mình. Năng suất lao động, gia trị gia tăng phải thay đổi, cạnh tranh doanh nghiệp cũng phải thay đổi. Chúng ta cần có quyết tâm chuẩn bị năng lực thực tiễn cho hội nhập như vậy. Việt Nam chắc chắn sẽ làm được, đặt mục tiêu rằng hội nhập chính là động lực để nền kinh tế vượt lên. Trong thời gian tới, chương trình hành động cần gấp rút thực hiện nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Thủy Nguyên 

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;