Chiến lược Marketing

Trang chủ » » Thất thu ngàn tỷ tiền thuế: Không tính nổi?...

Thất thu ngàn tỷ tiền thuế: Không tính nổi?...

29/07/2015

Mức độ tuân thủ thuế được hiểu là tỷ lệ giữa số thuế thực thu và số thu thuế dự tính (khả năng), còn mức độ thất thoát nguồn thu thuế hay mức độ không tuân thủ thuế là tỷ lệ chênh lệch giữa số thu thuế tiềm năng so với số thuế thực thu.

 

Mức độ tuân thủ thuế được hiểu là tỷ lệ giữa số thuế thực thu và số thu thuế dự tính (khả năng), còn mức độ thất thoát nguồn thu thuế hay mức độ không tuân thủ thuế là tỷ lệ chênh lệch giữa số thu thuế tiềm năng so với số thuế thực thu.

Đánh giá mức độ tuân thủ và thất thoát nguồn thu thuế

Số thuế thực thu hàng năm, hàng quý, thậm chí hàng tháng đều được quản lý và công bố rõ ràng, công khai trong hệ thống thuế nói riêng và hệ thống tài chính công nói chung, song xác định tốt số thu thuế dự tính hay dự báo chính xác số thuế có thể thu được lại không hề đơn giản.

Trong thực tế, việc quản lý thuế và đánh giá mức độ tuân thủ thuế cũng như mức độ thất thoát nguồn thu thuế ở Việt Nam đều dựa trên so sánh với dự toán thu thuế hàng năm. Đến lượt mình, số thuế thực thu gần như năm nào cũng vượt dự toán, thậm chí vượt dự toán tới hàng chục phần trăm nên không có giá trị để đánh giá mức độ tuân thủ và thất thoát nguồn thu thuế. Một trong những hạn chế lớn nhất trong quản lý thuế ở Việt Nam hiện nay là khả năng dự báo chính xác số thu thuế tiềm năng, từ đó có căn cứ đánh giá mức độ tuân thủ và thất thoát nguồn thu thuế, trên cơ sở đó hoạch định cơ chế chính sách chống thất thoát nguồn thu thuế.

Tương tự như ở nhiều nước trên thế giới, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thất thoát nguồn thu thuế ở nước ta là việc trốn thuế và tránh thuế. Mức độ trốn thuế và tránh thuế cao một phần do khu vực kinh tế phi chính thức còn quá lớn, trong khi chính sách thuế và cơ chế quản lý thuế còn nhiều kẽ hở khiến cho đối tượng nộp thuế lợi dụng, đi đôi với vấn đề đạo đức của công chức ngành thuế và chế tài trừng phạt hành vi trốn, tránh thuế chưa đủ sức răn đe. Chi phí tuân thủ thuế cao và mức độ tham nhũng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng trốn tránh thuế, thất thoát nguồn thu thuế.

Theo WB, với quy mô khu vực kinh tế phi chính thức từ 17,6% GDP đến 35,7% GDP thì mức độ thất thoát nguồn thu thuế tương ứng từ 3,5% GDP đến 6,1% GDP. Tương tự, tương ứng với mức độ tham nhũng từ thấp đến cao thì số thất thoát thuế từ hơn 0,2% GDP đến gần 2% GDP. Đáng tiếc là hiện Việt Nam chưa có đánh giá chính xác về quy mô khu vực kinh tế phi chính thức cũng như mức độ tham nhũng.

Như vậy, việc đánh giá mức độ tuân thủ thuế hay thất thoát thuế phụ thuộc vào dự báo khả năng thu thuế. Số thu thuế tiềm năng có thể được tính toán dựa vào mô hình dự báo hoặc ước tính theo quy trình quản lý thuế. Cả hai phương pháp này đều bị hạn chế bởi hệ thống số liệu không đầy đủ, thiếu toàn diện và chưa chính xác. Chính vì vậy, các con số dự báo số thu thuế tiềm năng không đủ độ tin cậy, chỉ mang tính tham khảo mà khó sử dụng để đánh giá mức độ tuân thủ thuế.

Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam, cả ở cấp vĩ mô và vi mô đều có nhiều biến động bất thường nên giảm độ chính xác của dự báo lẫn dự tính. Tính toán sơ bộ của WB cho thấy, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm hơn 90% số đối tượng nộp thuế nhưng chỉ đóng góp khoảng 10% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp do mức độ tuân thủ thuế của khu vực này chỉ bằng 1/3 so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đánh giá tuân thủ thuế theo mức độ tuân thủ trong nộp tờ khai thuế, khai thuế và nộp thuế cho thấy mức độ tuân thủ nộp tờ khai thuế thấp nhất là khoảng 30% đối với thuế thu nhập cá nhân và cao nhất là khoảng 85% đối với thuế GTGT.

Gần đây, cùng với việc công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2014 (Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam – nhóm doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao và tuân thủ tốt các chính sách, pháp luật về thuế), Vietnam Report cũng công bố kết quả khảo sát các DN V1000, trong đó có đánh giá về những cản trở có liên quan tới các vấn đề về thuế trong hoạt động và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của DN theo 4 mức độ: đôi chút cản trở, tương đối cản trở, cản trở đáng kể và cản trở rất nhiều.

Soi kỹ vào mức độ “cản trở rất nhiều”, bỏ qua vấn đề thuế suất thuế TNDN hiện còn khá cao (vì theo đúng lộ trình cắt giảm, đến năm 2016, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông sẽ được điều chỉnh giảm tiếp còn 20%), việc Thông tư, văn bản hướng dẫn chưa chi tiết; Hồ sơ, thủ tục rườm rà; và Tổng thời gian nộp thuế quá nhiều là những bất cập gây khó khăn cho DN khi thực hiện nghĩa vụ đóng thuế vào NSNN.

thuế, thất-thu, ngân-sách, nợ-thuế, ngân-hàng, cho-vay, lãi-suất

Hình 1: Các cản trở với mức độ “cản trở rất nhiều” khi DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế TNDN. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp V1000 do Vietnam Report thực hiện, tháng 10/2014 (số DN trả lời = 312)

Từ đó có thể thấy, để tăng mức độ tuân thủ thuế trong thời gian tới, cơ quan thuế cần tập trung quản lý tốt đối tượng nộp thuế thông qua nâng cao khả năng dự báo số thu thuế, hoàn thiện trình độ xác định số thu thuế tiềm năng, đồng thời cải cách chính sách thuế theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, bình đẳng. Bên cạnh đó, cải cách công tác quản lý thuế phải giảm chi phí tuân thủ thuế, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin và đơn giản hoá thủ tục thuế để giảm số thời gian nộp thuế từ 872 giờ xuống mức bình quân của khu vực khoảng 171 giờ vào năm 2015 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Những vấn đề chính sách trong phân cấp nhiệm vụ thu Ngân sách

Hiện nay ở nước ta vẫn chỉ có 12/63 tỉnh thành có số thu nộp về Ngân sách Trung ương (NSTW) còn lại vẫn được giữ lại 100% số thu phân chia cho Ngân sách địa phương (NSĐP). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là quyền tự chủ của địa phương trong phân cấp nhiệm vụ thu NSNN còn bị hạn chế khi các khoản thu lớn như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế TNDN của doanh nghiệp lớn, thu từ dầu thô… đều thuộc về NSTW mà NSĐP chỉ được thu những khoản thu nhỏ phần lớn liên quan đến đất đai và hầu như không được chủ động quyết định các khoản phụ thu để cân đối NSĐP, do đó buộc phải trông chờ vào số bổ sung từ NSTW, cả bổ sung cân đối lẫn bổ sung có mục tiêu.

Như vậy, vấn đề chính sách lớn nhất trong phân cấp nhiệm vụ thu NSNN là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong quyết định các nguồn thu, khoản thu đảm bảo cân đối NSĐP, giảm sự phụ thuộc vào NSTW, đồng thời cải thiện cơ chế phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP nhằm tăng động lực thu NSNN cho chính quyền địa phương. Ngoài ra, quá trình đẩy mạnh phân cấp nhiệm vụ thu NSNN còn cần khắc phục tình trạng cát cứ địa phương, giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa các địa phương theo chiều ngang và giữa địa phương với TW theo chiều dọc trong phát triển kinh tế – xã hội và quản lý tài chính ngân sách.

Định hướng chính sách trong phân cấp nhiệm vụ thu NSNN trong những năm tới là:

- Điều chỉnh tăng nguồn thu 100% dành cho NSĐP theo hướng bố trí những khoản thu gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong khi vẫn tuân thủ các nguyên tắc chung của chính sách thuế là công bằng và hiệu quả. Chính sách thuế địa phương được xem xét còn cần tuân thủ các nguyên tắc riêng như đảm bảo tính lợi ích, ổn định, tương đồng, khu vực, chi phí tuân thủ thấp, rõ ràng minh bạch không tạo ra sự bất bình đẳng giữa các địa phương cũng như xung đột giữa TW với địa phương. Theo đó, những khoản thu NSĐP hưởng 100% có thể tính đến là các loại phí và lệ phí, thuế liên quan đến bất động sản, thuế liên quan đến phương tiện giao thông và mạng lưới giao thông ở địa phương, …

- Tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương trong xác định thuế suất các khoản thu NSNN trên địa bàn cho phép địa phương tự quyết định thuế suất theo quy định về các sắc thuế chung do Quốc hội ban hành, song địa phương không được phép thay đổi các quy định khác như đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, ưu đãi thuế,…

- Trao quyền tự chủ cho địa phương trong quyết định các khoản phụ thu phù hợp với đặc điểm của địa phương, chẳng hạn như phụ thu đối với thu nhập cá nhân, phụ thu đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, phụ thu đối với phương tiện vận tải cá nhân, phụ thu đối với khai thác tài nguyên để bảo vệ môi trường,…

- Cải cách cơ chế phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP theo hướng xác định công thức phân chia cụ thể cho từng sắc thuế như thuế TNDN, thuế GTGT, thuế TNCN,… căn cứ vào thực tế hoạt động và sử dụng tư liệu sản xuất cũng như tư liệu sinh hoạt của doanh nghiệp và người có thu nhập chịu thuế thay vì căn cứ vào nguồn gốc đăng ký của đối tượng nộp thuế như hiện nay.

- Nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền cấp xã và cấp huyện trong phân cấp nhiệm vụ thu để tránh tình trạng hoàn toàn phụ thuộc vào NSNN cấp tỉnh như hiện nay. Bên cạnh đó, đổi mới phân cấp NSNN nói chung, phân cấp nhiệm vụ thu NSNN nói riêng cho cấp huyện và xã cần đi đôi với cải cách hành chính và đổi mới mô hình quản lý đô thị.

Sáng 02/12/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 – 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế – Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2014. Đây là năm thứ năm liên tiếp kể từ năm 2010, Bảng xếp hạng V1000 được công bố nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước.

Nhóm nghiên cứu Vietnam Report

 

  




;

Văn bản gốc


;