Tin tức

Trang chủ » » Thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai không còn phụ thuộc "rừng vàng biển bạc"

Thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai không còn phụ thuộc "rừng vàng biển bạc"

21/05/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Chúng tôi mang câu hỏi "đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam" để gõ cửa hỏi nhiều vị chuyên gia. Câu trả lời thu được vượt ngoài sự mong đợi, theo một nghĩa nào đó.

Quý I qua đi để lại mức tăng trưởng chỉ là 5,1% trong nền kinh tế - con số thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Lý do của mức tăng chạm đáy này được nhiều báo cáo đồng thuận: Đó là việc ngành khai khoáng tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng chậm từ năm ngoái, còn động lực của nền kinh tế năm 2016 là công nghiệp thì bất ngờ tăng trưởng kém nhất trong 5 năm trở lại đây.

Mức tăng trưởng mục tiêu 6,7% Chính phủ đề ra thì vẫn còn đó, và hẳn sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều do nền kinh tế bất ngờ "sa sút phong độ" trong quý I. Vì lý do này, chúng tôi đã mang câu hỏi "đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong 3 quý tới đến cuối năm" gõ cửa nhiều vị chuyên gia để tìm câu trả lời.

Công nghiệp - động lực tăng trưởng 2016 - sa sút trong quý I/2017. Công nghiệp - động lực tăng trưởng 2016 - sa sút trong quý I/2017. Nguồn: GSO

Trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh trong buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I của công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello, chúng tôi nhận được một câu trả lời vượt ngoài mong đợi: Không còn chỉ là động lực trong năm 2017, đó còn là một điều gì đó giúp cho cả nền kinh tế đạt sức tăng trưởng ổn định trong dài hạn.

Không còn có thể trông vào "rừng vàng biển bạc"

Năm ngoái cho đến quý I vừa qua, Chính phủ đã chủ động để khai khoáng tăng trưởng thấp do muốn xây dựng một nền kinh tế phát triển bớt phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Đến hết quý I, mức tăng trưởng thấp 5,1% làm bất ngờ cả nền kinh tế, khiến Chính phủ đã phải yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn dầu khí bơm thêm 1 triệu tấn dầu.

Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, dù có thêm 1 triệu tấn dầu này thì câu chuyện phát triển trông vào những "rừng vàng biển bạc" trong quá khứ sẽ vẫn không thể xảy ra.

Ông Minh nói: “Động lực tăng trưởng không thể trông chờ vào khai khoáng được nữa do triển vọng về giá dầu thế giới trong tương lai tăng là rất khó".

"Mỹ đã phát triển được công nghệ khai thác dầu khiến cho chi phí khai thác tương đối thấp. Từ đó, các quốc gia khác sẽ phải giảm giá bán, còn những vùng có điều kiện khó khăn về công nghệ thì buộc phải cắt giảm về sản lượng. Những yếu tố này sẽ làm giá dầu thế giới khó mà tăng".

"Tương tư, ở ngành than, Việt Nam cũng khó có thể trông chờ vào điều gì đột biến, bởi lẽ “ngành than nước ta có công nghệ yếu kém, trong khi chi phí môi trường càng ngày càng tăng. Vì thế, việc đẩy mạnh khai thác than cũng là điều bất khả kháng” – ông Minh nhận định.

Thực tế, năm 2016 vừa rồi cũng là năm mà ngành than – "rừng vàng biển bạc" một thời – bị "vỡ trận", khi mà Việt Nam đã phải nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn (số liệu đến tháng 8). Trước đó, người ta đã thấy một đường trượt dài của mức xuất khẩu than, còn con số nhập khẩu thì cứ tăng lên hàng năm.

“Để tăng trưởng được thì chúng ta cần tìm đến những động lực tăng trưởng mới” – chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.

Kinh tế tư nhân "vươn biển lớn" - Động lực không chỉ cho 2017 mà còn cho dài hạn

Không phải công nghiệp như động lực của năm 2016 hay không phải nông nghiệp như nhiều báo cáo nói, ông Đinh Tuấn Minh chỉ ra để kinh tế Việt Nam đạt được một thứ gì đó lớn lao thì sức bật của nhóm kinh tế tư nhân đóng vai trò quyết định.

Điều đặc biệt, sức bật này phải được hướng vào biển lớn thế giới, chứ không chỉ còn là sân nhà trong nước. Vị chuyên gia kinh tế giải thích bằng 2 lý do chính:

Thứ nhất, theo ông Minh nhận định thì “xuất khẩu của chúng ta bị phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài. Trong năm 2016, khi Samsung có trục trặc về sản phẩm đã ngay lập tức ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam rất nhiều”.

Một con số thống kê giật mình được vị chuyên gia này đưa ra: khối kinh tế tư nhân Việt Nam chỉ chiếm 28% xuất khẩu trong nước, trong khi khối nước ngoài thì chiếm tới 72% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo ông, dù trong một đất nước nhưng khối nước ngoài dường như tạo thành một “thế giới riêng, không có sự liên kết nào với khối tư nhân”.

Điều đáng buồn hơn là với con số 72% xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài kia, kinh tế Việt Nam nhìn từ tổng thể không được hưởng lợi nhiều. Khuyến khích khối tư nhân xuất khẩu vì thế chính là chìa khóa cho nền kinh tế.

Thứ hai, đó là vì các số liệu chỉ ra một thực trạng là người dân Việt Nam dường như đang không còn muốn mua sắm nữa. Theo báo cáo của MarketIntello chỉ ra thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của quý I chỉ là 6,2%, tiếp đà giảm trong nhiều năm.

Động lực mua sắm của người dân không tăng từ 2 năm nay. Động lực mua sắm của người dân không tăng từ 2 năm nay. Nguồn: GSO

Thực trạng này không phải diễn ra chỉ mới đây. Theo ông Minh thì “tiêu dùng nội địa đã suốt trong vòng 2 năm gần như không tăng trưởng, chỉ đi ngang hoặc giảm”.

“Điều này nhấn mạnh rằng với Việt Nam trong thời gian tới, để chúng ta đạt duy trì tăng trưởng thì cần thứ nhất là trông chờ khu vực tư nhân và cái thứ hai là khu vực tư nhân phải trở thành động lực xuất khẩu”.

Điều đặc biệt, động lực này không còn chỉ phát huy hiệu lực trong năm 2017 nữa, mà nó sẽ mang ý nghĩa dài hạn với sự thịnh vượng của cả nền kinh tế: "Việc chúng ta có thúc đẩy được khu vực tư nhân tăng trưởng xuất khẩu hay không sẽ là một điều có tính quyết định với tăng tưởng Việt Nam không chỉ trong năm 2017 mà là trong dài hạn” - ông Minh nhấn mạnh ở cuối.

Theo Vượng Lê

Trí thức trẻ

  




;

Văn bản gốc


;