Tin tức

Trang chủ » » Thuế nhà ở chưa thể áp dụng trong hai năm tới

Thuế nhà ở chưa thể áp dụng trong hai năm tới

28/05/2018

Chuyên mục: Tin tức In trang

Dự thảo Luật Thuế Tài sản của Bộ Tài chính hiện đang nằm trong chương trình nghiên cứu, chưa được đưa vào xây dựng pháp luật, trong năm nay và sang năm chưa thể áp dụng luật thuế này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) cho biết.

Nhiều điểm chưa rõ ràng của dự thảo luật

Đề xuất đánh thuế đối với nhà ở trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang gây nên tranh cãi lớn trong dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc mức đánh thuế khá cao 0,4%, nguyên nhân chính khiến dư luận phản ứng gay gắt với dự thảo này chính là do sự không rõ ràng trong quy định về mức thuế khiến người dân “hiểu nhầm”.

Trao đổi với TheLEADER, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thời gian vừa qua, đúng là có chuyện người dân không hiểu rõ dự thảo luật của Bộ Tài chính dẫn đến nhiều tranh cãi trong dư luận về mức đóng thuế 700 triệu đồng.

Theo ông Chung, dự thảo của Bộ Tài chính đã nói rất rõ mức 700 triệu được tính theo giá suất đầu tư theo quy định của UBND cấp tỉnh, không phải giá thị trường. Trong khi đó, nếu tính theo suất đầu tư, nhiều căn hộ chung cư có giá đến vài tỉ cũng chưa chắc phải đóng thuế nhà.

Tuy nhiên, về mức quy định đóng thuế tài sản này, Phó viện trưởng Viên CIME cũng chưa đồng thuận. Theo vị chuyên gia này, hiện 174/193 quốc gia trên thế giới sử dụng thuế tài sản, tất cả các nước phát triển đều dùng thuế này bởi đây là sắc thuế giúp điều tiết việc sử dụng nguồn lực quốc gia là đất đai và tài sản quốc gia. "Ai dùng nhiều thì đánh thuế nhiều, dùng ít đánh thuế ít nhằm đảm bảo công bằng xã hội".

Song theo ông Chung, trước khi đánh thuế tài sản tại Việt Nam, Chính phủ phải nghiên cứu kỹ thời điểm khi nào một quốc gia nên áp dụng sắc thuế này, trình độ phát triển và thu nhập của người dân đến đâu. Không phải thấy các nước khác áp dụng thì nước mình cũng áp dụng 

Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ giá trị nào bắt đầu bị áp thuế. Ông Chung cho rằng, không nên đưa ra con số cụ thể là 700 triệu như trong dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính bởi đây là một con số cứng, không đảm bảo tính bền vững khi thị trường có biến động. 

Nếu quy định như vậy, mỗi khi thị trường tăng giá hoặc trượt giá, Chính phủ lại phải điều chỉnh lại luật, mà luật không phải lúc nào cũng điều chỉnh được. Do đó, nên tính toán xem mức thu nhập của người dân là bao nhiêu, mức nào để tính thuế tài sản, vị chuyên gia này nhận định.

Mặt khác, thuế suất cũng cần nghiên cứu rằng tăng thuế suất thì thu ngân sách tăng nhưng nâng đến mức nào thì ngân sách bắt đầu giảm. Việc quy định mức thuế bắt buộc phải làm mô phỏng mức thuế suất tối ưu để người dân sẵn lòng nộp, Nhà nước tối đa hoá nguồn thu giúp tăng đầu tư công, tăng hạ tầng, đưa nền kinh tế có thu nhập cao hơn. Đây là bài toán trong kinh tế học, người chuẩn bị đưa ra sắc thuế này phải tìm ra mức thuế suất hợp lý nhất cho nền kinh tế chứ không phải chỉ có lợi cho Nhà nước, ngân sách hay người dân nộp thuế, ông Chung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Chung cũng cho rằng, muốn đánh được thuế tài sản thì các cơ quan quản lý phải có hệ thông đăng ký bất động sản cực tốt, theo dõi được chủ sở hữu bất động sản, giá và biến động của thị trường.

"Phải làm xong được tất cả các khâu này mới nên đặt vấn đề thu thuế tài sản. Còn hiện nay, sự thảo luật thuế này mới chỉ đưa ra để các cơ quan bộ ngành và người dân đóng góp ý kiến, chặng đường đi còn rất xa", ông Chung nhận định.

Vẫn đang trong quá trình nghiên cứu

Về đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự không đồng tình. Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, ông không ủng hộ đề xuất thuế này. Ông Hiếu cho rằng, Chính phủ nên có chủ trương giúp người dân mua nhà, ổn định an sinh xã hội, trong khi đó, chính sách thuế tài sản lại có những tác động ngược lại với chủ trương đó.

Mặt khác, các sắc thuế phải đảm bảo sự công bằng, người nhiều tiền hơn sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Do đó, ông Hiếu đề xuất chỉ đánh thuế đối với việc sử dụng đất mà không đánh thuế với giá trị tài sản trên đất.

"Người dân đã phải trả thuế thu nhập cả nhân rồi, bây giờ có vài trăm triệu mua một căn nhà nhưng lại phải trả thuế thì sẽ dẫn đến thuế chồng thuế. Do vậy chỉ nên đánh thuế trên đất mà thôi", ông Hiếu nhận định.

Để công bằng cho tất cả mọi người, vị chuyên gia này đề xuất Chính phủ nên có giải pháp cho những người mua căn nhà đầu tiên thì tiền lãi người dân phải trả cho ngân hàng để mua nhà sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người dân.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên BASICO cũng cho rằng, bản thân quy định đất đai là sở hữu của Nhà nước, người dân chỉ có quyền sử dụng đất hiện vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Khi đánh thuế tài sản trên phần đất không thuộc sở hữu của người dân, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều vướng mắc. 

Tuy nhiên, quan niệm đánh thuế tài sản trên quyền sử dụng đất vẫn có thể coi là hợp lý khi xác định quyền sử dụng đất chính là một loại tài sản có thể tặng, cho, trao đổi, chuyển nhượng. Do đó, quyền sử dụng đất bị đánh thuế với tư cách là một loại tài sản. Nếu hiểu theo cách này, tính khả thi của dự thảo luật là có thể đạt được.

Tuy nhiên, theo ông Đức, xét trên tính hợp lý, mức đóng thuế 0,4% là quá cao, gây khó khăn cho cuộc cống của người dân. Bên cạnh đó, nhiều quy định về thuế hiện nay đang chồng chéo cần phải được cải cách một cách toàn diện, tránh trường hợp thu thuế quá cao, thuế chồng thuế. Ông Đức đề xuất, chỉ nên để để thuế suất 0,1%, đồng thời đánh thuế cao đối với đối tượng người giàu trong xã hội.

Hơn nữa, vấn đề quan trọng là Chính phủ cần có giải pháp sử dụng thuế hiệu quả, tránh lãng phí về đầu tư công, chi phí công, đồng thời, tinh giảm bộ máy hành chính, hạn chế lãng phí, tham nhũng để ổn định ngân sách, vị chuyên gia này cho hay.

Trước nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến thuế tài sản, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế cũng cho rằng, thuế tài sản là một sắc thuế hiện nay được nhiều nước trên thế giới áp dụng. 

"Đối với Việt Nam, cái gì thấy phù hợp thì học theo, chưa phù hợp thì chưa áp dụng. Tất cả các sắc thuế đều phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn là sức chịu đựng của người dân. Dư luận hiện nay có thể yên tâm vì sắc thuế này vẫn đang nằm trong chương trình nghiên cứu, chưa được đưa vào xây dựng pháp luật. Trong năm nay và sang năm chưa thể áp dụng luật thuế này", ông Phụng nói. 

Thu Phương

The Leader

  




;

Văn bản gốc


;