Sự kiện

Trang chủ » » “Cần bỏ mơ ước phát triển bình yên, mà phải chấp nhận có thắng - thua”

“Cần bỏ mơ ước phát triển bình yên, mà phải chấp nhận có thắng - thua”

02/03/2016

Chuyên mục: Sự kiện In trang

Sống giữa sự cạnh tranh gay gắt muốn có sự phát triển bình yên, ổn định là mơ ước cần từ bỏ sớm do đó phải chấp nhận có thắng - thua, tự vươn lên để đổi mới.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ như vậy bên lề diễn đàn Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 1/3.

Ông đánh giá như thế nào về ngành công nghiệp của Việt Nam khi tham gia TPP?

Việt Nam đã bắt đầu công nghiệp hoá từ rất sớm với mô hình ưu tiên công nghiệp nặng như xây dựng nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Phân đạm Hà Bắc… Giờ khi đạt được TPP thách thức lớn là sẽ công nghiệp hoá như thế nào.

Việt Nam mở cửa để nhập sản phẩm công nghiệp của những đối tác mạnh hơn ta rất nhiều. Đài Loan, Hàn Quốc mở cửa khi đã công nghiệp hoá rồi, tiếp tục cạnh tranh rất gay gắt, đơn cử cuộc cạnh tranh giữa Samsung và Sony hay giờ là cuộc cạnh tranh giữa Samsung và Oppo.

Sống giữa sự cạnh tranh gay gắt muốn có sự phát triển bình yên, ổn định là mơ ước cần từ bỏ sớm do đó phải chấp nhận có thắng - thua, tự vươn lên để đổi mới.

Nếu hỏi Việt Nam phải đổi mới như thế nào, công nghiệp hoá như thế nào tôi khẳng định, công nghiệp hoá đang bước sang giai đoạn mới, đối mặt với bẫy tự do hoá thương mại. Câu hỏi này phải tìm câu trả lời bằng thực tế trong thời gian tới.

Việt Nam phải tìm ra sản phẩm có thế mạnh hơn các nước khác bắt đầu bằng sản phẩm, thị trường ngách. Đơn cử, chế biến các sản phẩm đặc trưng từ thuỷ sản, nông nghiệp từ đó vận dụng khoa học sinh học để chế biến, tạo ra mặt hàng khác biệt, như thế mới phát triển được.

Hiện, như mặt hàng điện thoại di động, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng mới chỉ gia công. Để tăng hàm lượng giá trị gia tăng phải phát triển công nghiệp phụ trợ trợ giúp cho sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực.

Xuất khẩu làm động lực làm tăng trưởng GDP, điều này có đạt được khi tham gia TPP, nhất là khi Việt Nam chủ yếu gia công?

Trước mắt không từ chối việc lấy xuất khẩu tăng trưởng tạo việc làm nhưng về lâu dài, phải lấy nguồn tiêu dùng trong nước, nâng cao đời sống người dân để phát triển kinh tế.

Với một nước đi lên từ nông nghiệp hãy chế biến sâu hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ đang có cơ hội lớn tăng xuất khẩu rau củ quả sang Nhật Bản, cơ hội mở ra là rất lớn, cái chính chúng ta tận dụng nó ra sao.

Cần nhìn nhận một thực tế doanh nghiệp Việt đang “không lớn lên được” thậm chí li ti hoá vậy có thể cạnh tranh, phát triển bằng cách nào?

Để cạnh tranh phải hợp tác, liên kết với nhau, với doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam đã sẵn sàng mở room 30%, thậm chí 49% cổ phần của công ty để đổi mới quản trị, từ bỏ cách kinh doanh bằng mối quan hệ thay vào đó là phải kinh doanh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới.

Thêm vào đó, chi phí lót tay vẫn “đè nặng” lên doanh nghiệp, cần tháo gỡ thực trạng này như thế nào thưa ông?

Phải thay đổi bộ máy quản lý, Nghị quyết 19 Chính phủ yêu cầu giảm thời gian thông quan qua cảng từ 16 ngày xuống còn 10 ngày, nhưng TPP yêu cầu chỉ còn 48 giờ.

Thử nghĩ xem giảm thời gian thông quan từ 10 ngày xuống còn 48 giờ cả bộ máy, từng cá thể cán bộ sẽ phải thay đổi ra sao, nỗ lực đổi mới như thế nào mới làm được. Cải cách hiện giờ cũng đã được đưa vào cam kết rõ ràng, và phải công khai minh bạch, đấu thầu bình đẳng.

Đây là thách thức nhưng là sức ép lành mạnh, nếu không làm sẽ không nắm được cái lợi lớn mà dường như đã nắm trong tay. Tuy đây không phải là quá trình dễ dàng thậm chí sẽ có cả đau đớn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tâm An

Bizlive

  




;

Văn bản gốc


;