“Chưa bao giờ Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp như bây giờ!”
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp FDI hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp.
Sáng nay (5/12), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Chủ đề năm nay là “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của kinh tế Việt Nam”.
Theo đó, năm 2016 vừa qua là năm đầu tiên của Chính phủ mới. Dù thời gian chưa được 1 năm nhưng cộng đồng kinh doanh đã thấy rõ những định hướng, cam kết của Chính phủ.
Cụ thể, hàng loạt các giải pháp đã được Chính phủ thực hiện như trình Quốc hội nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Trong đó, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đồng thời, nhiều điều kiện cũng được rà soát lại nghiêm túc, có sửa đổi, thay thế.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp FDI
Hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn năm nay, Thủ tướng cho biết, ông đã chú ý lắng nghe các báo cáo, phát biểu góp ý rất thiện chí mang tính xây dựng, kiến nghị thiết thực của Giám đốc khu vực IFC, Giám đốc quốc gia WB, của các diễn giả, đại biểu và đã ghi lại những vấn đề lớn.
Thủ tướng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. “Tôi muốn nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam là bao gồm cả các doanh nghiệp FDI đã đăng ký cấp phép (có tư cách pháp nhân Việt Nam) và các doanh nghiệp trong nước. Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp FDI hãy đến với Việt Nam bằng khối óc và trái tim - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Không đón chào nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường
Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã chia sẻ một số ý kiến, quan điểm. Trước hết, Thủ tướng khẳng định cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ
Về phía doanh nghiệp FDI, Chính phủ mong muốn có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống cho Việt Nam.
“Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ và khẳng định Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết.
Tránh để “thắng, thua” không công bằng
Phát biểu tại Diễn đàn, các ý kiến đều đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam có những bước chuyển biến đột phá cũng như nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Năm 2016 sắp kết thúc, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang được hưởng sự ổn định, tăng trưởng (của Việt Nam) mà nhiều quốc gia khác trong khu vực phải ghen tỵ. Tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát và tiền tệ được quản lý chặt chẽ. Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) hy vọng sự ổn định lâu dài sẽ tiếp tục được duy trì vì đây là một trong những lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của Việt Nam", Chủ tịch AmCham Virginia B.Foote nói.
“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ ngày càng đảm nhận vai trò điều tiết và quan tâm đến thực tế rằng, sự không rõ ràng trong các quy định pháp luật có thể bị lạm dụng để chọn ra kẻ thắng, người thua một cách không công bằng”, bà Virginia Foote kiến nghị.
Đại diện tổ chức tài chính quốc tế, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao, Việt Nam, Lào, Campuchia nói rằng ông đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Việt Nam trong bảo đảm ổn định vĩ mô, giữ trần nợ công.
Với vai trò của kinh tế tư nhân trong nước đã được nhấn mạnh hơn, ông Kyle F. Kelhofer tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ sang trang mới.
Đồng Chủ tịch VBF 2016, ông Ryu Hang Ha cũng chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là việc sửa đổi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa qua.
Tại Diễn đàn, các đại biểu góp ý các biện pháp tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của kinh tế Việt Nam. Các ý kiến nhất trí, Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty trong nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong một mô hình “kiềng ba chân” để cùng tăng trưởng và ổn định.
Lan Anh
Tổng hợp