ADB dự báo châu Á tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2001
ADB dự báo tăng trưởng khu vực châu Á sẽ giảm xuống 5,7% vào năm 2017 và 2018, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001.
Hãng tin Nikkei dẫn lời Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho hay, châu Á sẽ không tăng trưởng nhanh trong năm nay, do tình hình chính sách không ổn định của các nền kinh tế phát triển và dòng vốn chảy ra khỏi khu vực này.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế châu Á năm 2017, ADB dự báo tăng trưởng trong khu vực sẽ giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 5,7% vào năm 2017 và 2018, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001.
Các nước châu Á đang phát triển chiếm 45 trong số 67 thành viên của ADB, bên cạnh một số nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Tăng trưởng GDP của châu Á. Nguồn: Nikkei/ADB
Tăng trưởng của Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 60% nền kinh tế khu vực, được dự báo giảm tốc 0,2 điểm phần trăm xuống 6,5% trong năm 2017 và sẽ tiếp tục chậm lại còn 6,2% trong năm 2018 khi Bắc Kinh đang chuyển hướng sang xây dựng nền kinh tế tiêu dùng. Các mục tiêu ổn định tài chính như giảm nợ công cao và xử lý hệ thống tín dụng ngầm (shadow banking) cũng khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng chậm lại.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng được dự báo tăng trưởng chậm lại khoảng 0,2 điểm phần trăm, xuống 2,5% trong năm 2017. Còn tăng trưởng của Đài Loan được cho là sẽ đạt 1,8%, tăng 0,3 điểm nhờ chi tiêu công của Chính phủ.
ADB cũng dự báo 30 quốc gia khác sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong năm nay, nhờ nhu cầu bên ngoài cao hơn và giá cả hàng hóa toàn cầu phục hồi.
Theo ADB, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á là Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,4% trong năm nay và 7,6% trong năm tới, nhờ triển vọng kinh doanh và đầu tư được cải thiện khi Chính phủ nước này bãi bỏ bớt quy định và cải cách thuế.
Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay. "Thời tiết thuận lợi hỗ trợ ngành nông nghiệp và đà hồi phục ổn định của các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng sẽ tăng ở hầu hết các nền kinh tế trong khu vực này", báo cáo của ADB cho biết.
Các nước hưởng lợi nhất chủ yếu là những nước sản xuất hàng hóa như Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trong đó, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng từ 6,2% trong năm 2016 lên 6,5% trong năm 2017.
Chỉ riêng Philippines sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại, từ mức 6,8% năm ngoái xuống 6,4% năm nay. Tăng trưởng Thái Lan từ 3,2% sẽ lên 3,5% trong năm nay.
Triển vọng tăng trưởng một số nước châu Á. Nguồn: Nikkei/ADB
Theo ADB, khả năng tăng lãi suất cao hơn kỳ vọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang làm mờ triển vọng của châu Á. Tháng trước, FED đã nâng lãi suất qua đêm lần thứ ba kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. ADB cảnh báo việc lạm phát gia tăng gần đây ở Mỹ có thể thúc đẩy FED đẩy nhanh đà thắt chặt tiền tệ. Các nền kinh tế châu Á có nợ công và nợ hộ gia đình cao có thể bị tác động bởi hậu quả của những cú sốc tài chính này.
"Những thay đổi có thể xảy ra về chính sách và thuế thương mại, đặc biệt là những diễn biến ở Mỹ, có thể tạo ra sự bất ổn trong đầu tư kinh doanh và tăng trưởng xuất khẩu của các nước đang phát triển ở châu Á", ADB cảnh báo.
Động thái thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể làm các đồng tiền của châu Á giảm giá so với USD, và các nền kinh tế có tài khoản vốn càng mở thì đồng tiền sẽ càng dễ bị mất giá nhiều nhất.
ADB cho biết thêm, việc nền kinh tế Mỹ cải thiện sẽ khiến dòng vốn chảy ra khỏi châu Á.
"Các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải thường xuyên kiểm tra sức chịu đựng (stress test) của hệ thống ngân hàng để theo dõi các rủi ro của ngân hàng và xác định có cần phải dự trữ đặc biệt hay không", ADB nhận định.
Dù vậy, châu Á vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu khi chiếm 60% GDP toàn cầu. "Khi nền kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng trở lại, bất ổn sẽ trở thành chủ đề quan trọng của giới đầu tư trong năm 2017", ADB nhận định.
An Phong
Theo Nikkei