Bỏ mức trần chi phí quảng cáo, khuyến mại...
Chi phí quảng cáo khuyến mãi nói riêng nếu gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì về nguyên tắc theo chính sách thuế của các nước, chi phí quảng cáo, khuyến mãi là chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Bỏ trần chi phí quảng cáo – Động thái tốt để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh
Trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI về vấn đề này, ông Tuấn cho biết: “Tôi đánh giá cao đề xuất bãi bỏ mức trần chi phí quảng cáo, tiếp thị của DN mà Chính phủ trình lên Quốc hội sửa đổi dịp này. Đây là động thái rất tốt của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn kinh doanh khó khăn”. Lợi ích rõ nhất từ quyết định dỡ bỏ trần quảng cáo và khuyến mại là các doanh nghiệp sẽ chủ động các chi phí và phù hợp với quy định về tự do kinh doanh, đồng thời có thêm điều kiện tăng cường quảng bá hình ảnh và thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ và chiếm lĩnh thị trường. Theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, khi hỏi các doanh nghiệp V1000 (1000 doanh nghiệp nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam) về kỳ vọng của họ từ cải cách thuế TNDN, khoảng 62.3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng tình với ý kiến “gỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại”, cho thấy các doanh nghiệp cũng rất hào hứng với đề xuất này.
Trên thế giới, cũng có khá nhiều quốc gia hiện không khống chế mức khấu trừ vì cho rằng chi phí quảng cáo, khuyến mãi là chi phí thông thường. Việc giới hạn chi phí quảng cáo, khuyến mãi khiến cho doanh nghiệp bị hạn chế khả năng cạnh tranh trong phát triển thương hiệu và cơ hội kinh doanh cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu và do đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn như Hàn Quốc (không có quy định mức khống chế đối với khoản chi quảng cáo, khuyến mãi, và tính đây là khoản chi phí được trừ); Indonesia (không khống chế mức khấu trừ đối với chi phí quảng cáo, khuyến mãi nhưng quy định điều kiện được trừ, theo đó, các khoản chi quảng cáo, khuyến mãi gồm: (i) chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng điện tử, báo in, hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác; (ii) chi phí triển lãm hàng hóa; (iii) chi phí giới thiệu sản phẩm mới; (iv) chi phí tài trợ gắn với khuyến mãi sản phẩm mới)…
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, nếu bỏ ngay trần chi phí quảng cáo, khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước sẽ “thua ngay”, bởi hơn 95% doanh nghiệp hiện nay là vừa và nhỏ, khả năng tài chính và năng lực quảng cáo của các doanh nghiệp này khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài hay những thương hiệu lớn đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chưa kể đến các trường hợp lợi dụng tăng quá nhiều chi phí quảng cáo, đồng thời giảm nghĩa vụ thuế phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. Cùng chung quan điểm này, Trung Quốc khống chế mức khấu trừ chi phí quảng cáo chung là 15% doanh thu hàng năm; một số ngành (mỹ phẩm, dược, đồ uống giải khát) được phép khấu trừ tối đa 30% doanh thu hàng năm; số vượt mức khống chế có thể được chuyển sang khấu trừ vào các năm tiếp theo (đây là chính sách có phần “nới tay” với doanh nghiệp hơn so với quy định của Việt Nam); chi phí quảng cáo của doanh nghiệp thuốc lá sẽ không được trừ.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, việc bỏ trần chi phí quảng cáo là xu thế chung của thế giới, là chính sách cần thiết và đúng với lộ trình gia nhập WTO. Bởi vậy, việc cần làm thì vẫn phải làm, song cần cân nhắc về thời điểm thực hiện cũng như có phương pháp giám sát hợp lý chi phí sản xuất của doanh nghiệp, tránh tình trạng thay vì hỗ trợ lại gây nhiều khó khăn hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Sáng 02/12/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 – 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế – Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2014. Đây là năm thứ năm liên tiếp kể từ năm 2010, Bảng xếp hạng V1000 được công bố nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước. |
Linh Chi - Vietnam Report