Tin tức

Trang chủ » » Bộ trưởng Nông nghiệp nói gì về “nông dân 5 nhất”?

Bộ trưởng Nông nghiệp nói gì về “nông dân 5 nhất”?

25/01/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Việt Nam có 23 triệu người làm nông nghiệp, trong khi đó cả 11 nước đối tác TPP chỉ có 20,5 triệu nông dân...

Tham luận tại Đại hội Đảng 12, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường đã “đúc kết” nhiều cái nhất của nông dân, trong đó có “được hưởng lợi từ đổi mới ít nhất”.

Ông Cường cũng nhận xét, không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là “sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp”.

Những nhận xét này, sau đó đã được báo chí nêu lại với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, bên lề Đại hội Đảng lần thứ 12.

Lao động nông nghiệp ngày càng giảm là tất yếu

Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, trên thực tế, với sự quan tâm của Đảng, nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, thu nhập và cuộc sống của nông dân liên tục được cải thiện. Tuy nhiên sự cải thiện đó không đồng đều giữa các vùng miền. Sự cải thiện về thu nhập và mức sống của nông dân so với mức chung bình quân của cả nước, nhất là vùng đô thị, phát triển thì khoảng cách giãn ra, cải thiện chậm hơn.

“Tôi hiểu Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam chủ yếu nói ý này”, ông Phát nói.

Vì thế, theo Bộ trưởng, cần nỗ lực to lớn hơn, để thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, để cải thiện đời sống bà con nhanh hơn, để không bị tụt hậu, khoảng cách phát triển giữa các vùng không bị lớn hơn.

Thực tế, Bộ Chính trị. Trung ương Đảng, và Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, trong đó có tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hai chương trình song hành và đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống người dân nông thôn. Tái cơ cấu giúp nền nông nghiệp phát triển nhanh hơn, tốt hơn, ông Phát nói.

Để cải thiện toàn diện hơn đời sống của cư dân nông thôn, Bộ trưởng nêu rõ, cần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách.

Ông nói, cách đây 30 năm Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Đổi mới bắt đầu từ trong nông nghiệp. Cải cách lớn nhất thực hiện trong nông nghiệp nông dân, giao ruộng đất cho nông dân sử dụng ổn định, lâu dài.

Trước đổi mới, ruộng đất tập trung ở hợp tác xã, trong lâm trường. Nay giao cho nông dân sử dụng ổn định,lâu dài. Nông dân từ chỗ là người làm trong hợp tác xã, hưởng công điền trở thành người tự chủ trên mảnh đất, được hưởng lợi ích từ mảnh đất đó. Áp dụng cơ chế thị trường với vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra.

Liên quan đến chính sách tạm trữ lúa gạo mà theo ông Cường thì người được hưởng lợi không phải nông dân, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chính phủ đã báo cáo nhiều lần, và tôi đã giải trình nhiều lần trước Quốc hội, đây chỉ là các giải pháp hỗ trợ thị trường. Mục tiêu là để nông dân bán được lúa gạo với giá có lợi hơn”.

Ông giải thích: “Đây là can thiệp vào thị trường, khi sản lượng làm ra cao hơn khả năng tiêu thụ. Kích giá cao trở lại, không để giá xuống quá sâu thì phải tạo nhu cầu bổ sung. Chính sách này khuyến khích doanh nghiệp tăng mua vào thời điểm đó, cấp tín dụng yêu đãi cũng là để nâng đỡ cho doanh nghiệp, để họ thu mua, hỗ trợ nông dân”.

Trả lời câu hỏi về suy nghĩ cá nhân trước tình trạng nông dân ly hương ngày càng nhiều, Bộ trưởng khẳng định việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp sẽ là xu hướng tất yếu.

Ông dẫn chứng, nhìn các nền kinh tế phát triển hơn sẽ thấy, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm. Nhật chỉ còn 2,2 triệu nông dân. Mỹ cũng chỉ khoảng 2 triệu nông dân.

Việt Nam có 23 triệu người làm nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam, theo số liệu do Bộ trưởng tự tính toán, chỉ có 20,5 triệu nông dân. Cho nên, nông thôn được đô thị hóa cũng là xu hướng tất yếu.

Vẫn theo ông Phát, Việt Nam đi lên công nghiệp hoá-hiện đại hoá, nền kinh tế chủ yếu sẽ là công nghiệp và dịch vụ. Nhìn Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Nai..., nông nghiệp chỉ còn 5-7%. Nhưng nông dân chưa có được việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ vẫn bỏ ruộng, bỏ quê đi làm các công việc phi chính thức, nhiều rủi ro. Họ có thu nhập cao hơn.

“Tại sao nông dân không có cuộc sống tốt hơn ở ngay quê hương mình, không phải đi vào khu vực nhiều rủi ro. Đó là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Tất yếu Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ để tạo việc làm, thu hút lao động nông nghiệp và nông thôn, để đời sống nhân dân cao hơn”, Bộ trưởng tâm tư.

Hỗ trợ tối đa cho nông dân

Các phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, để triển khai xây dựng nông thôn mới, người nông dân - đối tượng đáng ra cần được hỗ trợ, tiếp sức - thì lại phải góp sức, góp của cùng Nhà nước phát triển hạ tầng?

Bộ trưởng trả lời, đúng là chúng ta mong đợi điều kiện sống ở nông thôn cải thiện nhanh hơn, trước hết là phát triển cơ sở hạ tầng đòi nguồn lực to lớn. Thời gian qua, thực hiện nghị quyết của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng cam kết cứ 5 năm, ngân sách tăng gấp đôi. 5 năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có quyết sách thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng.

Ngay cả như vậy, nguồn lực vẫn hạn chế, thấp so với yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, đáp ứng mong đợi của bà con, chính quyền và các cấp ủy đứng ra tổ chức người dân, bàn bạc và thống nhất sự đóng góp của bà con để thực hiện nhanh hơn.

Trong xây dựng nông thôn mới, bà con góp đất, công sức và cả tiền bạc để xây dựng cơ sở hạ tầng mà bà con cho rằng thiết yếu nhất. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đóng góp của nhân dân là dân chủ, do dân bàn và quyết định, không được gượng ép, gây khó cho nông dân.

Bộ trưởng cũng nêu thực tế, ở đô thị, nhà nước đầu tư làm đường, hệ thống điện nước đến các khu phố, gần từng gia đình do điều kiện đô thị khác. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là hỗ trợ tối đa cho nông dân. Trong điều kiện khó khăn, cũng phải chấp nhận rằng nông dân tự nguyện đóng góp để thực hiện nhanh hơn một số nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở tự nguyện và dân chủ.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

  




Văn bản gốc