Tin tức

Trang chủ » » COVID-19 tạo lằn ranh phân hóa trên thị trường Công nghệ thông tin - Viễn thông

COVID-19 tạo lằn ranh phân hóa trên thị trường Công nghệ thông tin - Viễn thông

21/07/2021

Chuyên mục: Tin tức In trang

Trong báo cáo Top 10 Công ty Công nghệ uy tín được công bố, Vietnam Report đã chỉ rõ dịch COVID-19 là tác nhân đẩy nhanh sự phân hóa trên thị trường Công nghệ thông tin - Viễn thông.

Global Telecommunication Industry 2020

Ngày 20/7/2021, Vietnam Report công bố một số nghiên cứu về ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông và danh sách Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021. Trong báo cáo được công bố, Vietnam Report đã chỉ rõ dịch COVID-19 là tác nhân đẩy nhanh sự phân hóa trên thị trường Công nghệ thông tin - Viễn thông.

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021, tháng 7/2021

Bão hòa thị trường truyền thống và cơ hội cho những xu hướng mới

Đại dịch COVID-19 gần 2 năm qua đã đặt ra rất nhiều thách thức và khó khăn cho toàn nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế thế giới ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,3% trong năm 2020 (số liệu World Bank). Nhiều ngành nghề cũng nằm trong xu hướng tăng trưởng âm như bán lẻ (-5,7%), hàng không (-60,9%). Ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông có khá hơn khi ghi nhận tăng trưởng (-3,2%) trong quý 4/2020, cải thiện hơn 2 điểm phần trăm so với quý 3/2020 (-5,4%).

Tại Việt Nam, chỉ số GDP 2020 tăng trưởng dương 2,91%, trong đó, ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông vẫn duy trì được đà tăng mặc dù có phần chậm lại so với giai đoạn trước. Theo báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông, tổng doanh thu toàn ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam năm 2020 đạt 120 tỷ USD. Số liệu từ công ty chuyên về dữ liệu thị trường và tiêu dùng Statista (Đức), doanh thu dịch vụ Công nghệ thông tin - Viễn thông của Việt Nam ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2019 (1,1 tỷ USD). Sang năm 2021, Statista dự báo doanh thu có thể lấy lại đà tăng như thời điểm trước khi đại dịch bùng nổ với hơn 1,18 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 1,43 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, trong khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành chỉ ra rằng, mặc dù ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam đã ghi nhận nhiều bước tiến trong việc hiện đại hóa và mở rộng hệ thống, nhưng cơ hội không phải cho tất cả. Các dịch vụ viễn thông truyền thống đã đạt đến mức bão hòa, khó có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của các ứng dụng OTT (Over-The-Top application) như Facebook, Zalo, Skype, Viber,…

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông, năm 2019 cả nước có khoảng 125,7 triệu thuê bao di động. Với tổng dân số khoảng 96,2 triệu người thì trung bình mỗi người dân sở hữu 1,30 thuê bao di động, gần ngang bằng với các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này cho thấy thị trường đã bão hòa và việc phát triển thêm thuê bao mới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngược lại, đại dịch đã đẩy nhanh nhu cầu chuyển đổi số với xu hướng online là chủ đạo như Mobile Money, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ trên Mobile Web, làm việc ở mọi nơi… Để phát triển các xu hướng này, giai đoạn đầu, có thể xây dựng các nền tảng (platform) được đóng gói sẵn (package) thay vì làm từng công đoạn một để tiết kiệm nguồn lực. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa dữ liệu (Data); IP doanh nghiệp sẽ tạo nguồn lực để doanh nghiệp bắt kịp xu hướng.

Cơ hội cho người biết nắm bắt

Trong khảo sát do Vietnam Report tiến hành tháng 6/2021 với các doanh nghiệp công nghệ cho thấy, “cú hích” COVID-19 đã đẩy nhanh chuyển đổi số ở các doanh nghiệp (82,4%).

Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp SMEs thường sử dụng các ứng dụng để ở chế độ cloud khi chuyển đổi số. Các doanh nghiệp này sẽ không xây dựng mạng nội bộ như trước đây nữa và phần lớn họ sẽ đẩy hết lên cloud. Họ cũng không mua các ứng dụng được “cắt may” riêng cho từng doanh nghiệp nữa mà dùng trực tiếp các ứng dụng khá chuyên nghiệp và được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp SMEs.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp SMEs quá lớn dẫn đến câu chuyện mỗi doanh nghiệp có một nhu cầu riêng. Đây là khoảng trống và là điều kiện cho các doanh nghiệp SMEs trong lĩnh vực công nghệ thông tin - Viễn thông và chuyển đổi số phát huy được năng lực của mình.

Covid-19 tạo lằn ranh phân hóa trên thị trường Công nghệ thông tin - Viễn thông

Top 3 cơ hội của ngành CNTT - VT trong thời gian tới. Nguồn Vietnam Report

Bên cạnh cơ hội là các khó khăn và thách thức. Theo khảo sát của Vietnam Report, top 3 khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam đang phải đối mặt trong hoạt động nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng là: điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế (70,6%); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (64,7%) và thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước (58,8%).

70,6% doanh nghiệp công nghệ được khảo sát đánh giá, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) là nhiệm vụ sống còn của mọi doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông và là rào cản lớn nhất cần phải vượt qua. Thực tế trong những năm qua, hoạt động này luôn gặp những khó khăn và trở ngại nhất định, trong đó thiếu nguồn lực tài chính là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động R&D.

Song song đó là khó khăn về nhân sự. Theo báo cáo của TopDev, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin - Viễn thông. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến Q1/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này không phải xuất phát từ việc thiếu đơn vị đào tạo mà do chương trình đào tạo tại các trường chưa được cập nhật đầy đủ và đúng trọng tâm, không bắt kịp với nhu cầu của thị trường.

Rào cản thứ 3 là thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước. Trước làn sóng CMCN 4.0, với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ thông tin - Viễn thông đang phải đối mặt với thách thức về quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp trở ngại do thiếu những định chế tài chính và cơ chế chính sách liên quan đến việc hỗ trợ tài chính, tiếp cận vốn cũng như các điều kiện khác để sử dụng cho các hoạt động đầu tư công nghệ và quảng bá sản phẩm – dịch vụ tiến ra thế giới.

Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết cho hành trình chuyển đổi số chính là chuyển đổi con người. Các chuyên gia chỉ ra rằng, các nguyên nhân thất bại trong quá trình chuyển đổi số thường là do năng lực và tư duy lãnh đạo chưa theo kịp, các nhà lãnh đạo trong toàn tổ chức không hiểu đầy đủ hoặc đánh giá thấp khoản đầu tư cần thiết để thúc đẩy một tổ chức kỹ thuật số. Do vậy, nếu người đứng đầu “không chuyển đổi” thì công cuộc chuyển đổi số sẽ không bao giờ được bắt đầu và cơ hội chỉ dành cho những người sẵn sàng chuyển đổi.

Vietnam Report

Nguồn: VNR500

  




;

Văn bản gốc


;