Cải cách thuế để thúc đẩy BĐS...
Thuế bất động sản có thể có các tên gọi như thuế nhà, đất; thuế sử dụng đất; thuế tài sản, thuế bất động sản đô thị… nhưng nhìn chung được hiểu là loại thuế đánh trên giá trị quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà, đất và được thu định kỳ theo năm (cách thức nộp có thể theo quý, 6 tháng hay một năm).
Thứ nhất, thuế bất động sản là loại thuế mà số thuế phải nộp có thể được đối tượng nộp thuế tính toán, xác định trước. Khác với các loại thuế gián thu (ví dụ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) khi số thuế phải nộp được đưa vào trong giá bán của hàng hóa và dịch vụ hay thuế thu nhập được thu khi có phát sinh thu nhập (không có thu nhập thì không phải nộp thuế).
Thứ hai, khi đánh thuế bất động sản thường không có mối liên hệ trực tiếp giữa nghĩa vụ thuế với khả năng trả thuế (khả năng tạo thu nhập) của đối tượng nộp thuế. Đặc điểm này làm cho việc thu thuế bất động sản có thể gặp sự phản ứng nếu như không có sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ ba, nguồn thu từ thuế bất động sản nhìn chung tương đối ổn định do ít bị ảnh hưởng của biến động kinh tế vĩ mô như trường hợp của thuế đánh vào tiêu dùng hay thu nhập, do đó chính sách thuế bất động sản được thiết kế theo hướng duy trì sự ổn định của giá trị bất động sản kê khai tính thuế trong một số năm (thông lệ là từ 3 đến 5 năm).
Thứ tư, đối tượng nộp thuế bất động sản khá rộng, quản lý thuế phức tạp, nên việc thiết kế sắc thuế này cần chú ý nhằm giảm thiểu chi phí quản lý. Giải pháp để khắc phục nhược điểm này được nhiều nước áp dụng là quy định ngưỡng miễn thuế và chỉ tập trung thu vào khu vực đô thị.
Thứ năm, thuế bất động sản gắn liền với điều kiện của địa phương (điều kiện về hạ tầng và tiện ích công cộng). Đồng thời, địa phương là chủ thể nắm rõ tình trạng tài sản và quản lý tốt loại thuế này. Vì thế, thuế bất động sản được xem là sắc thuế phù hợp để phân cấp nguồn thu vì nó gắn kết được các lợi ích cơ bản của các dịch vụ công do chính quyền địa phương cung ứng (trường học, cây xanh, công viên, vệ sinh công cộng…) với giá trị của nhà, đất trên địa bàn.
- Về thuế sử dụng đất nông nghiệp: Chính sách thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp, được hình thành từ năm 1951 theo sắc lệnh số 131/SL ngày 11/05/1951. Đến năm 1993, Quốc Hội đã thông qua Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp ngày 10/07/1993. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương xoá đói, giảm nghèo của nhà nước đồng thời hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, Quốc hội có Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/06/2003 về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2010 (miễn trong hạn mức đối với hộ gia đình cá nhân được giao đất sản xuất nông nghiệp, hộ gia đình xã viên nhận đất giao khoán, hộ nông lâm trường viên). Tiếp tục chủ trương trên Quốc hội đã có Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020 cụ thể: (i) miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; (ii) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo; (iii) Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất nông nghiệp, hộ gia đình viên nhận đất giao khoán, hộ nông lâm trường viên…; (iv) Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân; diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác.
- Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 thay thế cho Pháp lệnh thuế nhà, đất, đã mang đến một số thay đổi quan trọng trong chính sách thuế đối với đất của Việt Nam. Đối tượng nộp thuế cũng khá đa dạng bao gồm (i) Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; (ii) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; (iii) Đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá của 1m2 đất. Diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế sử dụng. Đối với từng loại nhà sẽ được áp dụng hệ số phân bổ khác nhau. Áp dụng theo biểu thuế luỹ tiến từng phần trong khoảng từ 0,03%/m2 đối với diện tích trong hạn mức và 0,15%/m2 đối với phần diện tích vượt trên ba lần hạn mức đối với đất ở bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua số thu từ sắc thuế này vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng thu, năm 2013, tổng thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ước vào khoảng 1.388 tỷ đồng, bằng khoảng 0,06% GDP.
Nhìn chung, trong thời gian qua tuy hệ thống chính sách tài chính liên quan đến bất động sản của Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện và đến nay đã hình thành được một hệ thống thu ngân sách khá đầy đủ với sự hiện diện các khoản thu phù hợp với đặc điểm của một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, song các nguồn lực huy động được chưa tương xứng với tiềm năng và vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết trong thời gian tới đó là: Cơ sở tính thuế còn hạn chế do chưa điều tiết đối với nhà; mức động viên NSNN còn thấp, chưa thể hiện được sự tương quan giữa lợi ích được hưởng (dịch vụ công ở địa phương) và nghĩa vụ đóng góp của người sử dụng đất nên không tạo được động lực cho các địa phương trong việc thực hiện thu thuế; công tác quản lý thuế còn bất cập, kém hiệu quả do chưa có cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước…
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2013 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã chỉ ra các định hướng cụ thể để hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, trong đó đã nhấn mạnh đến việc nghiên cứu và áp dụng thuế bất động sản. Tuy nhiên, cải cách thuế bất động sản là một vấn đề phức tạp do đó việc xây dựng và cải cách thuế bất động sản trong thời gian tới cần dựa trên những đúc kết từ thực tiễn quản lý cũng như kinh nghiệm quốc tế và phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau: (i) Cần phải hướng đến việc phát huy các chức năng mà sắc thuế này có thể thực hiện, không nên gắn với quá nhiều mục tiêu, không gây ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu với chi phí quản lý và tuân thủ thấp nhất; (ii) Đảm bảo tính đơn giản, hiệu quả và tính khả thi; từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế về thuế bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế; (iii) Đảm bảo động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất, qua đó từng bước góp phần nâng cao tính tự chủ về tài khóa của chính quyền địa phương.
Sáng 02/12/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 – 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế – Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2014. Đây là năm thứ năm liên tiếp kể từ năm 2010, Bảng xếp hạng V1000 được công bố nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước. |