Tin tức

Trang chủ » » Cần làn gió mới cho ngành tôm Việt

Cần làn gió mới cho ngành tôm Việt

13/07/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Việt Nam có tiềm năng để trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Nhưng ngành tôm Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí đầu vào, dịch bệnh, giá cả, chất lượng con giống… Ngành nuôi tôm Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư, tập trung xây dựng các khu nuôi trồng, nhà máy chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu.

Thống kê của VASEP cho thấy, xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm 2016 đạt 378 triệu USD, tăng 8,5% so cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường hàng đầu của tôm Việt Nam khi chiếm tới 24,8% tỷ lệ giá trị. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2016 sẽ khởi sắc, ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 12% so năm 2015.

Dự báo lạc quan này được VASEP đưa ra dựa trên cơ sở thuận lợi về thuế đối với các thị trường chính như EU, Nhật Bản; trong khi, nhiều nước đối thủ chính như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia lại không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU.

Trên góc độ hội nhập và cạnh tranh, việc tham gia các FTA, TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có những tác động tích cực đến ngành hàng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng trong việc gia tăng đầu tư, mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và có nhiều cơ hội phát triển hơn. Ngoại trừ surimi, cá ngừ đóng hộp, thăn cá ngừ và cua là những mặt hàng hoặc phải có hạn ngạch (trong EVFTA), hoặc lộ trình giảm thuế dài 7 - 10 năm, còn lại hầu hết các mặt hàng đều sẽ có mức thuế bằng 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc chỉ lộ trình ngắn 3 - 5 năm.

Thực lực… chưa vững

Có thể thấy, mô hình nuôi tôm ở Việt Nam rất đa dạng từ quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh đến siêu thâm canh rồi luân vụ tôm lúa, tôm rừng… Địa bàn nuôi tôm dàn trải khắp ba miền, phần lớn người nuôi lại là hộ nhỏ lẻ. Hai yếu tố này dẫn đến kiểm soát dịch bệnh, giám sát môi trường rất khó khăn.

Người nuôi tôm không chủ động được nguồn tôm giống mà hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Kể cả những vùng nuôi tôm lớn như ĐBSCL hiện vẫn chưa có giải pháp an toàn sinh học triệt để, để ngăn ngừa rủi ro, tiến tới loại bỏ dịch bệnh, vì vậy dịch bệnh trên con tôm nuôi diễn ra gần như liên tục  (khoảng 15% - 20% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại bởi dịch bệnh hàng năm).

Cả nước hầu như chưa có giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu. Các biện pháp quản lý chất lượng  (con giống, hóa chất, bảo quản sau thu hoạch của thương lái tư nhân) trong các khâu nuôi và thu gom sản phẩm chưa hiệu quả. Phần lớn người nuôi tôm là nông hộ lẻ, khó đưa công nghệ vào sản xuất, khó lấy được các chứng nhận, chứng chỉ, khó tiếp cận nguồn vốn, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều…

Hiện Việt Nam chưa có quy hoạch các vùng nuôi tôm quy mô lớn (như cánh đồng mẫu lớn), mà chỉ có các diện tích nuôi nhỏ lẻ, mang tính tự phát của các hộ nuôi tôm. Hệ thống thuỷ lợi cho nuôi tôm rất kém và yếu,  đường giao thông vào các khu nuôi nhỏ, hẹp.

Bên cạnh đó, các vùng nuôi không có nước sạch, sản xuất nước đá đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để rửa tôm và muối ướp tôm khi thu hoạch; Việc kiểm tra định kỳ và giám sát quá trình nuôi cũng như kiểm tra kháng sinh trước khi thu hoạch…rất lỏng lẻo.

Cùng với đó, khi thu hoạch tôm, một số đại lý thường ngâm nước, ngâm thuốc, bơm chích tạp chất cho tôm làm chất lượng tôm bị giảm mất uy tín trên thị trường thế giới; Nước rửa tôm, nước đá ướp tôm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và không có ai kiểm tra giám sát, nên tôm nguyên liệu bị nhiễm vi sinh. Sản phẩm tôm xuất khẩu phần lớn ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực từ 5% - 10%.

Còn nhiều thách thức và những giải pháp căn cơ

Trước rất nhiều tồn tại, DN trong ngành nuôi tôm đã kiến nghị Chính phủ cần xác định lại vị thế ngành xuất khẩu tôm có tầm quan trọng để có sự quan tâm đầu tư đúng mức, có nhiều giải pháp, định hướng để ngành nuôi tôm phát triển bền vững.

Cơ hội là rất lớn, tuy nhiên theo nhận định của không ít lãnh đạo DN, các hiệp định thương mại tự do không hẳn là những “bữa đại tiệc” mà kèm theo đó là những “xương xẩu” khó nhằn. Khi tham gia các hiệp định thương mại, vấn đề bảo hộ bản quyền cũng là thách thức lớn đối với DN. Hầu hết các thiết bị, máy móc sản xuất tại các nhà máy chế biến hiện nay đều không có bản quyền. Do đó bắt buộc chúng ta phải làm lại hết từ máy móc thiết bị cho đến các phần mềm. Thậm chí, có khi chúng ta phải thay đổi cả luật lao động và một số luật khác thì DN mới có thể cạnh tranh lại đối thủ.  

Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, trong hoạt động nuôi tôm, có những kháng sinh chúng ta cấm trong khi đối thủ của chúng ta được sử dụng, có những kháng sinh chúng ta sử dụng hạn chế thì đối thủ lại được sử dụng cao gấp 10 lần. Tất cả đều do thị trường NK áp đặt. Do đó, ngành nuôi tôm Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư, tập trung xây dựng các khu nuôi trồng, nhà máy chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu. Việc thu hút đầu tư sẽ mang lại nhiều lợi ích như có trang thiết bị, công nghệ nuôi trồng hiện đại, quy trình giám sát môi trường, nguồn nước chuẩn mực.

Đặc biệt, từ năm 2015 ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đang có sự quan tâm lớn của hàng nghìn DN của Liên minh châu Âu (từ dự án hỗ trợ thương mại châu Âu) trong việc đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hóa ngành thủy sản, trong đó có rất nhiều dự án chuyên về phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững.

Về phía thị trường xuất khẩu, ngành nuôi tôm cần ưu tiên xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm chủ lực, trước mắt là tôm sú, tôm thẻ chân trắng; Tổ chức văn phòng đại diện, mạng lưới phân phối tại nhiều thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… 

Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015, và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của lần trước (POR8). Từ đây, nhu cầu tôm của thị trường Hoa Kỳ năm 2016 được dự báo  sẽ tăng.

Năm 2016, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, châu Âu, Liên minh kinh tế Á – Âu… sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu tôm Việt Nam.

Nguyễn Trung

Tổng hợp

  




;

Văn bản gốc


;