Chuyện mới lạ của ngân hàng 2013...
29/07/2015
Chuyên mục: Tin tức doanh nghiệp In trang
So với những năm trước, hoạt động của ngành ngân hàng tại Việt Nam đã có khá nhiều chuyển biến như: không còn tình trạng tín dụng tăng như vũ bão, tình trạng chạy đua lãi suất của các ngân hàng cũng như hiện tượng sốt giá và dân chúng đổ xô đi mua vàng hay ngoại tệ…
Nhìn lại gần một năm qua, tổng quan về khu vực Ngân hàng Việt Nam chắc hẳn sẽ giúp ta nhận dạng rõ hơn những điều mới của khu vực này.
Chính sách tiền tệ: can thiệp trung hòa và đẩy mạnh truyền thông
Can thiệp trung hòa (sterlization intervention) khôn ngoan: Từ năm 2012, NHNN đã có sự điều hành CSTT linh hoạt và chủ động hơn so với những năm trước. Diễn biến trên thị trường mở OMO cùng với thay đổi dự trữ ngoại hối, diễn biến tín dụng và chỉ số giá cả (CPI) chứng tỏ NHNN đã sử dụng khá khôn ngoan nghiệp vụ trung hòa. Theo đó, NHNN vừa bơm và hút tiền trên thị trường OMO vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và mua được ngoại tệ nhưng chỉ số giá không bị tác động mạnh do cung tiền không bị tăng quá mức.
Truyền thông CSTT (monetary policy communication) là điểm mới trong hoạt động của NHNN. Quan sát thời gian qua cho thấy, NHNN Việt Nam đã quan tâm và tiến hành tốt hơn công tác truyền thông CSTT. Các quan điểm và chỉ số về tiền tệ ngân hàng như: dư nợ tín dụng, tình hình nợ xấu, dự trữ ngoại hối chính thức cũng như nội dung các cuộc họp về CSTT được NHNN chủ động công bố rất đều đặn.
Khẳng định lại: “Tín dụng – chất lượng hơn số lượng”
Hình 1: Tình hình tăng trưởng tín dụng của khu vực ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2001-2013 (Đơn vị: %, YoY). Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Cho dù khẩu hiệu “chất lượng hơn số lượng” là nguyên tắc cơ bản của tín dụng nhưng nhiều năm qua, ngành NH Việt Nam đã bị cuốn vào vòng tăng thưởng tín dụng khá nóng, vượt quá mức hấp thụ của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng là 30-40% so với năm trước. Sự chấp nhận nguyên tắc lấy số lượng hơn chất lượng đã lý giải tỷ lệ nợ xấu khá cao trong những năm 2007-2009, kèm theo đó là nguy cơ lạm phát cao. Tuy nhiên, từ năm 2012-2013, NHNN kiên định giữ quan điểm duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức khá thấp so với các năm trước và đặc biệt chú trọng định hướng tín dụng vào khu vực công nghiệp sản xuất. Lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng, khái niệm hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức thấp dưới 16% (so với năm trước) được đưa ra.
Hình 2: Cơ cấu tín dụng theo ngành sản xuất của hệ thống ngân hàng Việt Nam (Đơn vị: % tổng dư nợ) Nguồn: Tính toán trên số liệu công bố của NHNN (2013) |
Tính đến đầu tháng 12/2013, tăng tưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 7,51% so với cuối năm 2012 (so với cuối năm 2011 tăng 16,3%). Duy trì tăng trưởng tín dụng theo chất lượng hơn là số lượng phù hợp với sự hấp thụ vốn của khu vực sản xuất và tập trung vốn tín dụng cho khu vực cần khuyến khích (nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất hàng xuất khẩu) có lẽ là nguyên tắc cũ nhưng lại là quan điểm mới về tín dụng ở Việt Nam sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nóng. Tình trạng cho vay ra quá mức cũng đã thay đổi đáng kể trong hệ thống ngân hàng. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cho vay so với huy động đã giảm đáng kể từ mức 130% (năm 2007-2009) xuống mức phổ biến hiện nay (cuối năm 2013) là 87%.
Vàng, ngoại tệ – sự kiện lạ năm 2013 ở Việt Nam?
Chính sách phi truyền thống của NHNN về vàng (NHNN độc quyền nhập khẩu vàng, cung vàng miếng ra thị trường theo hình thức đấu thầu) và đặc biệt hạn chế các NHTM huy động, cho vay và tất toán trạng thái vàng (30/6/2013) đã giúp ổn định vàng cũng như giúp các NHTM thoát khỏi tình trạng chấp nhận rủi ro quá mức về vàng một cách đáng ngạc nhiên trong năm 2013. Hơn thế nữa, việc điều hành giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế rõ ràng phản ánh việc vận dụng lý thuyết “lượng cầu tài sản” khiến nhu cầu vàng trong nước vốn đã rất cao trong nhiều năm giảm mạnh và tất nhiên đưa đến một thực tế là giá vàng trong nước được ổn định. Kết quả xa hơn, tâm lý nắm giữ vàng trong dân đã giảm, khi đó lượng tiền đáng nhẽ đầu cơ vào vàng sẽ được tập trung cho khu vực sản xuất, đầu tư.
Hình 3: Tỷ giá USD/VND tháng 10/2012 đến 10/2013 (VND). Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Cơ cấu lại khu vực ngân hàng, VAMC lần đầu tiên có ở Việt Nam
Về cơ cấu khu vực ngân hàng, Chính phủ và NHNN đã có rất nhiều giải pháp quyết liệt, rất bài bản và phù hợp, cụ thể như: cơ cấu lại khu vực các tổ chức tín dụng với các nguyên tắc hạn chế mức thấp nhất chi phí từ NSNN, khuyến khích các tổ chức tự nguyện sáp nhập, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài… Đặc biệt là việc thành lập công ty quốc gia về mua bán nợ của tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC, chuyên sử dụng trái phiếu đặc biệt (loại giấy tờ có giá có thời hạn do VAMC phát hành đề mua bán nợ xấu của các Tổ chức tín dụng, theo quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 của Thống đốc NHNN). Các tổ chức tín dụng sẽ được vay tái cấp vốn không quá 70% mệnh giá trái phiếu. Đồng thời, các NHTM vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu đối với tài sản đã bán cho VAMC.
Hình 4: Tình hình nợ xấu của cả hệ thống NHTM giai đoạn 2002-2013 (Đơn vị: % tổng dư nợ). Nguồn:http://dddn.com.vn ; TS. Tô Kim Ngọc, TCNH, số 21/2013 và NHNN |
Tóm lại, một năm nhìn lại, ngành ngân hàng có khá nhiều điểm mới và độc đáo: CSTT đang hướng tới độc lập, minh bạch và chủ động; đồng thời với việc sử dụng các giải pháp phi truyền thống, truyền thông CSTT đã được quan tâm; lãi suất giảm đáng kể; ổn định thị trường vàng và tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại hối mà không gây sức ép lạm phát. Dù vậy, vẫn còn những thách thức đối với khu vực ngân hàng, là làm thế nào để tiếp tục duy trì CSTT cẩn trọng, khôn khéo mà không bị lệ thuộc vào các sức ép nới lỏng tiền tệ quá sớm; đảm bảo sự kiên định chính sách tín dụng với nguyên tắc coi trọng chất lượng tín dụng hơn số lượng trước các yêu cầu đòi hỏi giảm điều kiện tín dụng xuống mức dễ dãi hơn; đảm bảo tiến hành tái cơ cấu khu vực ngân hàng và phân bổ các chi phí tái cơ cấu một cách có kỷ luật, không vội vàng mà hợp lý nhằm hạn chế các chi phí từ NSNN…
(Bài viết trích từ Báo cáo thường kỳ số 22, xuất bản tháng 1/2013, Vietnam Report)
Sáng 17/01/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua. |