Tin tức

Trang chủ » » Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

19/07/2021

Chuyên mục: Tin tức In trang

Bảng xếp hạng VIX50 và báo cáo của Vietnam Report thể hiện thực trạng bức tranh kinh tế Việt Nam với các doanh nghiệp có vai trò định hướng và dẫn dắt chủ yếu là thuộc các ngành, lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm, thiết bị điện tử viễn thông, vật liệu xây dựng trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng VIX50 - Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021, hé lộ các doanh nghiệp có thể được gọi là các công ty đại chúng hàng đầu Việt Nam. Đồng thời qua đây thể hiện thực trạng bức tranh kinh tế Việt Nam với các doanh nghiệp có vai trò định hướng và dẫn dắt chủ yếu là thuộc các ngành, lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm, thiết bị điện tử viễn thông, vật liệu xây dựng trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cơ hội và thách thức các doanh nghiệp hàng đầu đang phải đối mặt

Giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới; tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã và đang tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ; đem lại cơ hội gia nhập các thị trường ngoài thị trường truyền thống cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng.

Các chính sách hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành chuỗi giá trị mới, đặc biệt có thể tận dụng những lợi thế từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Tuy nhiên, tác hại của đại dịch COVID-19 rất nặng nề, dự báo còn ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, trạng thái “bình thường mới” sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi doanh nghiệp cần có cách tiếp cận và biện pháp mới trong công tác xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất là nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp lớn nói riêng bao gồm nguồn vốn, chất lượng nguồn lao động, trình độ khoa học kĩ thuật, ứng dụng công nghệ… còn nhiều hạn chế. Từ đó khiến việc quản lý, vận hành của các doanh nghiệp chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, làm năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp lớn Việt Nam còn ở mức thấp.

Thách thức tiếp theo là một số doanh nghiệp dù là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chưa có kế hoạch chiến lược mang tính lâu dài, bền vững  dựa trên phân tích năng lực nội tại cũng như nghiên cứu môi trường kinh doanh bên ngoài để thiết lập lộ trình phát triển cụ thể. Từ đó, doanh nghiệp không thể xây dựng những lợi thế cạnh tranh dài hạn trong quá trình hoạt động kinh doanh và đánh mất các cơ hội đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thách thức đối với hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước là hàng hóa Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng hấp dẫn khách hàng và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đang tràn ngập các mặt hàng nhập khẩu có chất lượng, thương hiệu và giá cả cạnh tranh hơn từ các nước đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo các chuyên gia, một phần thách thức mà doanh nghiệp lớn Việt Nam phải đối mặt xuất phát từ chính nội bộ doanh nghiệp, do chưa có cách thức quản lý phù hợp cũng như phương pháp khai thác và tối ưu hóa các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam vẫn đang phát triển theo chiều rộng, tăng về doanh thu, số lượng sản phẩm, số lượng lao động, nguồn vốn…, tuy nhiên chưa thực sự chú trọng cải thiện về chất lượng sản phẩm cũng như nâng tầm công tác quản trị, đặc biệt là quản trị chiến lược. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất, mô hình tổ chức, mô thức quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển. Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam phải thay đổi toàn diện cách thức quản trị của mình.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

 Những yếu tố bên trong và bên ngoài thúc đẩy tích cực nhất cho các doanh nghiệp hàng đầu

Yếu tố bên ngoài thúc đẩy tích cực nhất cho các doanh nghiệp hàng đầu là Chính phủ với các giải pháp kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái “bình thường mới”. Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư.  Khâu đột phá đã được xác định là ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số bên cạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp sẽ tiếp tục có những tác động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, xu thế liên kết, hợp tác kinh doanh không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra phạm vi toàn cầu cũng là yếu tố bên ngoài thúc đẩy tích cực cho các doanh nghiệp hàng đầu. Việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp là hết sức quan trọng, nhất là khi đại bộ phận doanh nghiệp nước ta còn ở quy mô nhỏ và vừa, đang có nhiều khó khăn, như thiếu vốn, yếu về công nghệ, ít hiểu biết về thị trường, v.v… thì liên kết, liên doanh là con đường rất hiệu quả để khắc phục những khó khăn đó. Không chỉ liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau, giữa các doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn, mà rất cần liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở tầm khu vực và rộng ra với toàn thế giới, nhất là với các công ty xuyên quốc gia (TNC) để tranh thủ kỹ thuật và thị trường. Phạm vi, nội dung, cũng như hình thức liên kết kinh tế sẽ phong phú thêm nhiều, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có những hiểu biết về luật pháp quốc tế, để khai thác được thời cơ, tránh rủi ro.

Yếu tố bên trong thúc đẩy tích cực nhất cho các doanh nghiệp hàng đầu chính là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ chủ lực; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển hướng chiến lược mới; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử;; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra…

Bên cạnh yếu tố nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D)  cũng là yếu tố bên trong thúc đẩy tích cực nhất cho các doanh nghiệp hàng đầu.  Mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất là thước đo chủ yếu về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và là một đòi hỏi cấp bách đối với mỗi doanh nghiệp để tồn tại và phát triển. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cần tập trung vào những sản phẩm chủ lực của mỗi doanh nghiệp, phân tích những mặt yếu của sản phẩm trong thế so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, từ đó, đề ra các giải pháp chiến lược nhằm cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm và doanh nghiệp.

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;