Tin tức

Trang chủ » » Đại lý thuế: Mãi vẫn không chịu lớn

Đại lý thuế: Mãi vẫn không chịu lớn

06/06/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Tính đến nay, cả nước mới có 290 đại lý thuế được cấp Giấy xác nhận hành nghề làm dịch vụ thủ tục về thuế. Địa bàn hoạt động chủ yếu của các đại lý thuế ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…Con số này quá nhỏ so với mục tiêu 2.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề và tối thiểu 3% số người nộp thuế là pháp nhân sử dụng dịch vụ đại lý thuế mà Bộ Tài chính đặt ra từ năm 2015.

DN không mặn mà

Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền- hỗ trợ NNT- Tổng cục Thuế Tào Thị Hoàng Anh cho rằng, kể từ khi Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-7-2007 đã là căn cứ pháp lý cho việc ra đời và vận hành tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (còn gọi là Đại lý thuế) ra đời nhằm tạo cầu nối giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế. Đại lý thuế hoạt động hiệu quả sẽ giúp cơ quan Thuế giảm chi phí, thời gian, nguồn lực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế của cơ quan thuế. Đặc biệt, ở các tỉnh thành phố có số lượng người nộp thuế lớn, là đối tượng chịu các sắc thuế như: Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, thuế GTGT thì hệ thống đại lý thuế càng có vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay số DN sử dụng đại lý thuế vẫn còn ở mức khiêm tốn. Đơn cử như tại địa bàn Hà Nội, với số lượng NNT nhiều (trên 120 nghìn DN, 140 nghìn hộ cá thể và hơn 3,2 triệu NNT thu nhập cá nhân, 122 dự án nộp tiền sử dụng đất, 8.300 điểm thuê đất của tổ chức, cá nhân và gần 2 triệu hộ gia định nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp). Nhưng hiện số lượng đại lý thuế được cấp phép hành nghề kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế đạt 93 đại lý thuế (chiếm 32,07% - khoảng 1/3 số lượng đại lý thuế cả nước), với 242 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề và làm thủ tục về thuế tại các đại lý thuế trên địa bàn.

Trong khi đó, theo ông Mai Sơn Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, Cục thuế Hà Nội luôn tạo mọi cơ chế thông thoáng để đại lý thuế phát triển. Chẳng hạn như theo quy định thời hạn cấp giấy xác nhận hành nghề đại lý thuế chậm nhất 10 ngày làm việc nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho đại lý thuế nhanh chóng, kịp thời, sớm đi vào hoạt động, Cục Thuế Hà Nội đã giải quyết thủ tục cấp giấy xác nhận hành nghề dịch vụ thủ tục về thuế giảm xuống còn 3 ngày. 

 Chính vì quá ít đại lý thuế đã hạn chế việc phát huy vai trò của đại lý thuế trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu; đồng thời, ảnh hưởng đến việc xã hội hóa công tác hỗ trợ người nộp thuế theo chủ trương của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. 

Mặt khác, theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, số lượng đại lý thuế quá thấp so với nhu cầu còn kéo theo việc gia tăng áp lực lên cơ quan Thuế trong việc phải đón tiếp, trả lời các vướng mắc phát sinh ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh số lượng người nộp thuế không ngừng gia tăng và yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế.

Mở hướng

Đi tìm lời giải vì sao Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như cơ quan Thuế các cấp đều rất quan tâm phát triển đại lý thuế nhằm giảm áp lực cho cơ quan Thuế. Tuy nhiên, các đại lý thuế hoạt động và tồn tại, phát triển chủ yếu do kinh doanh các hoạt động khác ngoài hoạt động dịch vụ làm thủ tục về thuế. Rất ít đại lý thuế hoạt động và phát triển chính từ dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Một phần theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, do đại lý thuế là loại hình kinh doanh tuy không còn mới ở nước ta nhưng rất ít DN và người dân thật sự hiểu về đại lý thuế nên chưa tin tưởng chất lượng hoạt động, chưa “mặn mà” với đại lý thuế, đa phần sợ lộ bí mật thông tin kinh doanh khi thuê dịch vụ thuế. 

Bên cạnh đó, ý thức chủ động tuân thủ thuế của DN Việt Nam không được như các nước trong khu vực. Khá nhiều DN xem nhẹ vai trò của đại lý thuế cũng như tư vấn thuế, do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, họ tự ý vi phạm pháp luật để trốn thuế, tránh thuế nên không cần tư vấn thuế.  

Còn theo Phó Tổng giám đốc dịch vụ thuế và tư vấn của Ernst & Young Việt Nam Phạm Thị Thu Trang, vấn đề là người nộp thuế ngại va chạm, mất thời gian do chưa nắm được chức năng của đại lý thuế cũng như chưa hiểu biết về quyền lợi của mình khi ký kết hợp đồng với các DN cung cấp dịch vụ thuế. Mặt khác, các DN đều có hệ thống kế toán, DN đã trả lương cho kế toán nên họ có suy nghĩ rằng trách nhiệm của kế toán là phải đảm bảo kê khai nghĩa vụ thuế cho đúng quy định. Trong khi đó lĩnh vực hoạt động của đại lý thuế còn hẹp, chủ yếu chỉ có chức năng kê khai thuế cho DN. Nếu như chỉ mỗi nghiệp vụ đó thì DN không cần đến đại lý thuế nhất là các DN nhỏ. 

Để giải quyết những tồn tại này, theo các chuyên gia, Tổng cục Thuế cần nghiên cứu, bổ sung quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ chuyên trách quản lý hoạt động hành nghề của đại lý thuế, nhân viên đại lý thuế tại cơ quan thuế các cấp… theo hướng mở rộng các dịch vụ do đại lý thuế thực hiện như: Dịch vụ về tư vấn thuế; dịch vụ rà soát sổ sách kế toán, báo cáo tài chính… hoặc đại diện cho người nộp thuế trực tiếp giải trình với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước khác các vấn đề về thuế theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, đại lý thuế có thể đại diện cho người nộp thuế giải trình với cơ quan thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc giải quyết khiếu nại tố cáo về thuế; Đại diện cho người nộp thuế trực tiếp tham gia trong quá trình tranh tụng trước tòa các vấn đề liên quan đến thuế hoặc hỗ trợ luật sư của người nộp thuế để trực tiếp giải trình thay cho người nộp thuế trước tòa các nội dung liên quan đến thuế. 

Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Cúc đề xuất: “Các đại lý thuế cần tập trung nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, nghiên cứu và thí điểm triển khai một số cơ chế ưu tiên đối với người nộp thuế sử dụng dịch vụ tư vấn, nhằm thu hút sự quan tâm, khuyến khích và động viên người nộp thuế làm quen và sử dụng các dịch vụ do chính đại lý mình cung cấp…”.

Theo Báo Hải quan

  




Văn bản gốc