Đánh giá các yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng của các doanh nghiệp FAST500
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp FAST500 vừa được Vietnam Report công bố mới đây đã cho thấy, nhiều điểm rất đáng chú ý trong bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn gần đây.
Đặc biệt khảo sát đã chỉ ra những yếu tố tác động trực tiếp, cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm qua và những định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới. Khảo sát được thực hiện trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 năm 2023 vừa qua.
Góc nhìn từ FAST500: Doanh nghiệp kiên cường vươn lên giữa biến động
Cụ thể, theo kết quả khảo sát, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2018-2021 đạt 24,6%, trong đó, khu vực tư nhân đạt 25,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,2% và khu vực Nhà nước đạt 17,7%. Có thể thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu kép của các doanh nghiệp FAST500 đã được cải thiện so với giai đoạn 2017-2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, năm nay, khu vực tư nhân vươn lên dẫn đầu về CAGR và có mức tăng so với giai đoạn trước lớn nhất (+2,3%), phản ánh khả năng phục hồi và sức bật mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.
Hình 1: CAGR trung bình theo khu vực kinh tế của Bảng xếp hạng FAST500
Bảng xếp hạng FAST500 từ năm 2019 đến nay. Nguồn: Vietnam Report
|
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 81,3% số doanh nghiệp cho biết vẫn giữ vững được đà tăng trưởng doanh thu trong năm 2022. Khoảng 70,0% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng lên so với năm trước, đặc biệt, hơn một nửa trong số đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 75%. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng lên của doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2022 đều thấp hơn so với giai đoạn 2020-2021 (Hình 2). Kết quả khảo sát còn cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận ổn định trong giai đoạn 2021-2022 cao hơn so với giai đoạn 2020-2021. So với kế hoạch đề ra, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 vượt kế hoạch đều thấp hơn so với năm 2021, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch lại cao hơn (Hình 3).
Hình 2: Biến động một số chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp FAST500 so với năm trước
|
Nguồn: Vietnam Report |
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng tăng lên trong năm vừa qua chỉ đạt 69,6%, sụt giảm đáng kể so với một năm trước đó (82,1%), tương đương giảm 17,6%. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp giảm số lượng đơn hàng cũng cao hơn nhiều so với một năm trước đó (21,7% so với 7,1%). Đáng lưu ý, mặc dù số lượng đơn hàng giảm sút nhưng tỷ lệ cắt giảm nhân sự giai đoạn 2021-2022 lại thấp hơn so với tỷ lệ này ở giai đoạn 2020-2021 (Hình 2). Điều này càng làm nổi bật những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp FAST500 trong việc vượt qua thách thức, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Hình 3: Mức độ hoàn thành kế hoạch một số chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp FAST500
Nguồn: Vietnam Report |
Dẫn chia sẻ của phần lớn lãnh đạo các doanh nghiệp tại khảo sát, nhóm thực hiện báo cáo khảo sát của Vietnam Report cho biết, việc có thể duy trì hoạt động ổn định trong một năm với nhiều biến động, rủi ro bất ngờ như năm vừa qua đã là thành công. Hàng loạt thách thức liên tiếp xảy ra như: xung đột Nga – Ukraine kéo theo đó là sự suy giảm của khu vực kinh tế châu Âu, việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero-Covid, cầu tiêu dùng toàn cầu và đầu tư suy yếu do các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và những thay đổi về chính sách thương mại của các đối tác nước ngoài.
Nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng của doanh nghiệp
Khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra hàng loạt những khó khăn lớn ảnh hưởng tới tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm vừa qua
Hình 4: Những khó khăn hàng đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của doanh nghiệp giai đoạn 2021-2022
Nguồn: Vietnam Report |
Theo đó, chi phí đầu vào tăng, được 84,4% doanh nghiệp ghi nhận là trở ngại lớn nhất phải đương đầu trong năm qua. Bên cạnh đó, Nhu cầu thị trường biến động (78,1%), Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (71,9%), Gián đoạn chuỗi cung ứng (50%) và Khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự (44,8%) là những “tảng đá” lớn khác cản trở doanh nghiệp trên lộ trình tăng trưởng. Khảo sát chỉ ra rằng, nhìn chung, phần lớn các khó khăn đều có xu hướng gia tăng so với năm 2021, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại về Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng lên nhiều nhất (+39,3%). Ngược lại, mức độ tác động của đại dịch đã giảm đi đáng kể (-47,0%) khi các nền kinh tế trên thế giới dần mở cửa trở lại, kéo theo đó là thách thức liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng cũng được cải thiện (-3,5%).
Các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng
Hình 5: Những yếu tố đóng góp vào tăng trưởng của doanh nghiệp FAST500 2021-2022
Nguồn: Vietnam Report |
Trong các nghiên cứu và khảo sát trước đây, Vietnam Report đã chỉ ra rằng, để có thể tồn tại, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thị trường bên ngoài càng có nhiều biến động, doanh nghiệp càng cần phải tập trung vào củng cố sức mạnh nội tại bên trong của mình, bởi đó mới chính là động lực tăng trưởng bền vững nhất. Khảo sát mới nhất đối với các doanh nghiệp FAST500 một lần nữa tái khẳng định xu hướng này, khi top 5 yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm vừa qua đều đến từ bên trong.
Hai đầu tàu lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng là Lợi thế sẵn có đội ngũ nhân sự chất lượng cao (75,0%) và Phát triển thị trường hiện có (71,9%). Kế đó là Phát triển các dòng sản phẩm mới (53,1%); Khám phá các phân khúc thị trường mới (46,9%); Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành (43,8%). Như vậy, ngoại trừ yếu tố Kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó khi dịch bùng phát đã không còn ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp, top 5 yếu tố đóng góp vào tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2021 đã duy trì trong năm 2022.
Đáng lưu ý, theo Vietnam Report, kết quả khảo sát năm nay chỉ ra rằng, mức độ tác động của phần lớn các yếu tố đều có xu hướng giảm so với năm trước đó (trừ việc tham gia hoạt động M&A). Trong bối cảnh nguồn lực bên trong bị giới hạn, một số doanh nghiệp đã tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua hoạt động M&A. Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo cũng lưu ý thêm rằng, đây là năm thứ hai liên tiếp tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá về các yếu tố liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh đóng góp cho tăng trưởng ở mức thấp, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
|
||