Đầu năm nói chuyện giá vàng
Với những biến động đầy bất ngờ, khó dự đoán của nền kinh tế thế giới, các chuyên gia nhận định, giá vàng trong năm 2016 sẽ có nhiều biến động và cần thay đổi cách thức quản lý của cơ quan Nhà nước.
Giá vàng có thể xuống dưới 1.000 USD/oz
Trong năm 2015, vàng trong nước cũng như thế giới đã có nhiều biến động khi giá giảm liên tục, xuống đáy thấp nhất trong 6 năm qua, xuống còn 1.065 USD/oz. Đặc biệt, với những áp lực từ nền kinh tế thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD khiến đồng USD mạnh lên cũng là một trong những nguyên nhân chính tác động lên giá vàng. Hơn nữa, những biến động của sự sụt giảm kinh tế của các cường quốc, bất ổn chính trị… cũng tạo ra “cơn bão” xô đổ giá vàng trong năm qua.
Như vậy, với sự sụt giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng đã đánh mất 2 triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, nếu đem ra so sánh thì đà giảm của giá vàng trong nước vẫn “lệch pha” so với giá vàng thế giới.
Bước sang năm 2016, giá vàng trong nước quay đầu tăng nhẹ do vào thời điểm cận tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán, tích trữ vàng tăng lên. Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, giá vàng năm nay sẽ còn chịu nhiều tác động, phụ thuộc vào xu hướng của cầu tiêu dùng, giá dầu, giá USD và diễn biến kinh tế thế giới.
Ông Long đặc biệt nhấn mạnh, giá vàng thế giới được nhiều chuyên gia dự báo giữ ở mức trên 1.000 USD/oz, tuy nhiên, khả năng xuống dưới mức 1.000 USD/oz, trên 900 USD/oz là rất lớn, nhưng trong dài hạn sẽ có lúc điều chỉnh tăng. Nguyên nhân do nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa mạnh và còn rất “mong manh”, các nền kinh tế như châu Âu, Trung Quốc vẫn ảm đạm, nền kinh tế Mỹ dù tiếp tục phát triển ổn định nhưng dự báo đà tăng trưởng thấp hơn năm 2015, do đó, “người dân sẽ không để tiền chui vào nơi trú ẩn tốt nhất là vàng như trước, nên giá vàng sẽ tụt xuống”.
Đối với giá vàng trong nước, mặc dù nương theo giá vàng quốc tế, tuy nhiên, với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước nên giá vàng không có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vĩ mô. Điều này là nhờ sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với hai mục tiêu: Tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; từng bước huy động nguồn lực vàng phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội.
Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng theo Nghị định này, một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng bao gồm 38 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp với các điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được thiết lập, có sự quản lý chặt chẽ, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Từ đó, hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng trên thị trường diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo và bảo vệ.
Quản lý cần thông suốt
Để thực hiện chủ trương xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế tiến tới chuyển hóa quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước thông qua quan hệ mua, bán vàng.
Nhờ có sự quản lý giúp ổn định thị trường vàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, không phải cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, do thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ tự điều tiết. Do đó, nền kinh tế tiết kiệm được số lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng này dễ tạo xu hướng đầu cơ, tích trữ vàng trong dân chúng.
Nói về bất cập của quản lý vàng như hiện nay, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng vàng là một loại kinh doanh có điều kiện, cần cơ chế, cách quản lý đặc biệt, hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ sử dụng vàng SJC. Dù cách làm này giúp thị trường ổn định, điều hành tốt giá vàng nhưng sẽ tạo thành thế độc quyền. Bên cạnh đó, cách thức cơ chế quản lý vàng theo kiểu “một mình một chợ” như hiện nay sẽ không còn phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, nếu thực hiện cách thức này trong thời gian ngắn sẽ phát huy hiệu quả, nhưng nếu kéo dài quá lâu sẽ làm thị trường mất tính cạnh tranh, mất tính thị trường, dẫn đến hệ lụy, không phát huy được mặt tốt của vàng.
Trên thực tế, xét về tâm lý và văn hóa của người châu Á, vàng vẫn là hầm trú ẩn an toàn cho tài sản của người dân, đầu cơ vàng có thể ít nhưng tích trữ vàng vẫn còn nhiều. Vì thế, với số lượng vàng tồn trong dân chúng lên đến 500 tấn, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, việc huy động vàng không phải vấn đề đơn giản, cần có lộ trình dài, đặc biệt, để huy động được vàng cần phụ thuộc vào biến, mà biến cơ bản quan trọng nhất là biến về giá, trong khi đây lại là vấn đề khó dự đoán, rủi ro lớn. Vì thế, nếu không dự báo được giá vàng thì đây sẽ là mối nguy lớn của huy động vàng.
Nhìn chung, đường đi của giá vàng trong năm 2016 vẫn còn nhiều biến động bất ngờ, cần đến công cụ phòng chống rủi ro mà vai trò then chốt là cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Hương Dịu
Báo Hải quan