Chứng khoán

Trang chủ » » Đáy ở đâu?

Đáy ở đâu?

07/12/2015

Chuyên mục: Chứng khoán In trang

Trong lịch sử 2 năm gần đây, những chuỗi giảm sâu nhất VnIndex mất từ 65-110 điểm và những chuỗi hồi phục mạnh nhất tăng từ 70-110 điểm.

Bới tìm nguyên nhân thị trường sụt giảm đã được các nhà đầu tư, chuyên gia…trên thị trường mổ xẻ trong suốt cả hai tuần qua. Những lý do được nhắc đến nhiều nhất là margin, khối ngoại, lo ngại tỷ giá…Cũng nhiều lời trấn an nhà đầu tư đã được đưa ra nhưng dường như vẫn vô nghĩa. Lực bán mạnh vẫn đẩy thị trường xuống ngưỡng thấp bất ngờ-chỉ còn hơn 570 điểm tính đến hết phiên 4/12/2015.

Để nhà đầu tư có thêm thông tin cho các quyết định đầu tư của mình, chúng tôi thống kê thêm những chuỗi tăng mạnh/ giảm sâu từ năm 2014 đến nay.

Từ đầu 2014 đến nay có 5 sóng tăng mạnh và đến nay đạt 5 sóng giảm mạnh. Cụ thể:

Đợt tăng thứ nhất 520 lên 610: Con sóng này đạt được vào quý 1/2014 khi mà chỉ số VnIndex liên tục tăng. Có những phiên giảm nhẹ nhưng chỉ để lấy đà. Chỉ số có lúc đạt chuỗi tăng dài nhất lịch sử với 13 phiên liên tiếp hồi tháng 1 và 9 phiên liên tiếp của tháng 3. Nhà đầu tư nào "vững thần kinh" trong giai đoạn này cũng có thể kiếm lãi được lớn từ thị trường. Mức tăng của VnIndex đạt 17%, số điểm tăng đạt 90 điểm.

Đợt sóng giảm thứ nhất: Từ 610 điểm về 515 điểm: Giai đoạn này bắt đầu từ cuối quý 1/2014. Những phiên giảm hơn 10 điểm không phải hiếm hoi của thị trường đã đánh bay những gì chỉ số đạt được trong con sóng tăng trước đó. Thị trường rơi về ngưỡng dưới 515 điểm vào 13/5/2014. Số điểm giảm đạt 95 điểm.

Đợt sóng tăng thứ 2 từ 515 điểm lên 640 điểm: Liên tục tăng mạnh, giảm nhỏ giọt từ tháng 5/2014 đến 3/9/2014, VnIndex đã vọt lên 640 điểm. Chuỗi tăng này đạt 125 điểm.

Đợt sóng giảm thứ 2 từ 640 điểm về 520 điểm: Có những phiên giảm rất sâu trong quý 4/2014 khiến VnIndex nằm trong chuỗi giảm điểm từ 640 điểm về gần 520 điểm vào 17/12/2014. Đợt giảm này đã "đánh bay" 120 điểm của VnIndex.

Đợt sóng tăng thứ 3 từ 520 điểm lên 600 điểm: Chuỗi tăng dài thứ 3 bắt đầu bằng một phiên tăng mạnh hơn 10 điểm vào 18/12/2014. Những phiên tăng nhiều hơn giảm sau đó cùng với những chuỗi 5-6 phiên liên tiếp tăng điểm đã nhanh chóng giúp VnIndex đạt được đến 580 điểm giữa tháng 1 năm 2015. Chỉ số loanh quanh ngưỡng này hơn một tháng để tích lũy và đến đầu tháng 3/2015 đánh dấu được mốc 600 điểm. Chuỗi tăng dài 80 điểm kết thúc.

Đợt sóng giảm thứ 3 từ 600 điểm về 530 điểm: Và ngay sau đỉnh 600 điểm là chuỗi giảm. Những phiên mất 3, 5, 6... điểm không hiếm trong tháng 3/2015 đã đẩy chỉ số giảm nhanh về 550 điểm cuối quý 1. Đầu quý 2, thị trường lại đón nhận cú sốc với phiên giảm sâu hơn 12 điểm về 540 điểm. Các phiên hồi phục nhẹ sau đó cũng không đủ giúp thị trường có được chuỗi tăng vững bền. Đến 18/5, VnIndex chính thức mất mốc 530 điểm khi giảm mạnh gần 8,5 điểm. Chuỗi giảm 70 điểm kết thúc.

Đợt sóng tăng thứ 4-tăng mạnh từ 529 điểm lên 639 điểm: Bắt đầu từ điểm số 529 điểm ngày 18/5, VnIndex đã có chuỗi phục hồi tốt. Nhiều phiên tăng hơn 10 điểm trong khi những phiên giảm nhỏ giọt đã nhanh chóng đẩy chỉ số lên 639 điểm vào 14/7. Chuỗi tăng 110 điểm được xác lập.

Đợt sóng giảm thứ 4- bán tháo đẩy chỉ số rơi từ 640 điểm còn 527 điểm: Chuỗi bán mạnh chốt lãi xảy ra từ giữa tháng 7 và đến tháng 8, áp lực bán trở thành bán tháo. Cơn bán tháo tháng 8/2015 đã cướp đi của thị trường hơn 100 điểm. VnIndex lùi về 527 điểm vào 24/8/2015. Chuỗi giảm dài hơn 110 điểm.

Sóng tăng thứ 5: Từ 527 điểm phục hồi mạnh về 615 điểm. Sau cơn bán tháo tháng 8, thị trường tích lũy và tăng điểm trở lại. Những phiên tăng không ồ ạt mà tăng/ giảm đan xen đẩy chỉ số lên từ từ từ 527 điểm lên 615 điểm vào 5/11/2015. Chuỗi tăng dài hơn 85 điểm.

Và. sóng giảm thứ 5 hiện tại. Sóng giảm thứ 5 này bắt đầu từ điểm số 615 ngày 5/11/2015. Tính đến hết phiên cuối tuần qua, chỉ số VnIndex chỉ còn 571,6 điểm. Tức, VnIndex đã mất 45 điểm chưa trừ yếu tố VNM. Thực tế, đợt sóng giảm này, chỉ số VnIndex bị kéo xuống sâu bởi hành động chốt lãi bluechips sau chuỗi tăng mạnh (sóng tăng thứ 5).

Nhìn nhận kỹ giai đoạn này cũng thấy rằng, thực tế, VNM đã cứu chỉ số VnIndex khỏi giảm sâu từ đầu chuỗi giảm với những phiên tăng liên tiếp từ 10=16/11. Sau đó, cũng lại chính VNM thành tội đồ của thị trường khi giảm từ 140 nghìn còn 123 nghìn đồng/cổ phiếu hiện tại. Nếu loại bỏ tác động tăng/giảm thất thường của VNM do có những thông tin riêng cùng áp lực dòng tiền nóng đầu cơ lớn khi có tin SCIC sẽ thoái vốn thì giai đoạn này, VnIndex đã mất khoảng 60-65 điểm.

Xét lại lịch sử các chuỗi tăng/ giảm dài của thị trường từ năm 2014 trên có thể thấy, các chuỗi giảm sâu gần đây nhất khiến VnIndex mất từ 70-110 điểm và những chuỗi phục hồi dài nhất kéo chỉ số tăng từ 80-125 điểm. VnIndex đã giảm khá sâu hơn 1 tháng qua, liệu hiện tại đã là đáy của thị trường hay chưa hay vẫn còn rủi ro cao còn cần chờ những phiên tiếp theo.

Nhận định thị trường của Chứng khoán BSC cuối tuần cho rằng áp lực bán ra của khối ngoại có thể sẽ tiếp tục được duy trì khi thời điểm diễn ra cuộc họp FOMC của Fed đang đến gần. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tận dụng những nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể cân nhắc mua vào cổ phiếu cơ bản tại các nhịp giảm điểm của thị trường.

Cùng chung quan điểm, chứng khoán MB (MBS) nhận định, về cơ bản xu thế giảm điểm ngắn hạn của các chỉ số vẫn chưa có tín hiệu kết thúc, mặc dù vậy thanh khoản sụt giảm nhanh tại vùng này đang cho thấy tín hiệu thị trường tạo lập vùng cân bằng ngắn hạn. Trong tuần tới  rủi ro đối với thị trường vẫn là động thái bán ròng của khối ngoại có tác động từ hoạt động cơ cấu danh mục của ETF và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thời điểm FED tăng lãi suất lần đầu đang tới gần. Do đó, MBS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục an toàn, chờ đợi các tín hiệu xác nhận về xu hướng sắp tới để có hành động phù hợp.

 

Theo Trí thức trẻ

  




Văn bản gốc