Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tâm thế hội nhập với TPP
Sáng 4/2, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết đem theo nhiều cơ hội được xem là mang tính chiến lược của thế kỷ 21. Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng đang ở phía trước, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động để sẵn sàng hội nhập.
Giờ G đã điểm
Sau bao năm tháng mong đợi, Hiệp định TPP đã mang đến niềm vui vỡ òa cho cả đất nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh các hiệp định thương mại quốc tế giữa các nước thì TPP được đánh giá sẽ tạo ra bộ quy tắc chung, tiêu chuẩn mới cho thương mại các quốc gia.
TPP sau khi hoàn tất sẽ bao trùm 40% nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 8-10%. Có lẽ vì nguyên do này mà không ít ý kiến cho rằng muốn hòa nhập vào sân chơi lành mạnh này thì mỗi doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân cần biết tuân thủ luật chơi, chơi đẹp, chơi tốt mới có thể sống khỏe.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, TPP là một hiệp định được kỳ vọng có chất lượng cao. Bởi vậy, Hiệp định có hiệu lực sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường thu hút FDI và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, chìa khóa vàng cho nền kinh tế là phải tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương đem lại, từ đó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Đón lõng vấn đề, từ cách đây rất lâu, ngành dệt may Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động có thể coi như tái cơ cấu ngành để phù hợp với tiến trình hội nhập. Từ máy móc đến con người đều được "cải thiện" trẻ hóa, hiện đại hơn và năng động hơn. Nhiều chuỗi dây chuyền sản xuất từ sợi-dệt-nhuộm-hoàn tất cũng được "khai sinh" nhằm phục vụ cho quy tắc xuất xứ hàng hóa ngặt nghèo mà TPP đòi hỏi. Cũng từ lý do này mà tỷ lệ nội địa hóa và cổ phiếu của một số công ty dệt may trong nước của ngành dệt may tăng đáng kể so với trước. Đây là tín hiệu vui mà TPP đã mang lại cho ngành dệt may Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay Việt Nam xuất phát điểm rất thấp, còn nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất hàng hóa nên không thể ngay một lúc áp dụng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất như các quốc gia. Vì thế, để đón đầu sự kiện này, tập đoàn đã có sự chuẩn bị từ rất lâu và liên doanh với một số công ty nước ngoài tạo nguồn vốn đầu tư lớn cho xây dựng vùng nguyên phụ liệu; nhiều dự án sợi, dệt, nhuộm cũng đi vào hoạt động theo chuỗi dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Là đơn vị tiêu biểu của ngành dệt may, Tổng công ty cổ phần Phong Phú đang tăng cường liên kết chặt chẽ với các công ty may mặc trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam và một số doanh nghiệp may mặc khác để tạo thành một chuỗi cung ứng bên cạnh việc cung ứng nội bộ. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành nên nhân rộng mô hình liên kết để tạo ra nguồn vốn lớn cũng như đổi mới năng lực quản lý và trình độ công nghệ. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nội đứng vững trước các đối thủ lớn.
Với bốn sản phẩm chủ lực là sợi, vải, khăn bông, sản phẩm gia dụng, may mặc, Phong Phú đã nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các thị trường trong nội khối TPP. Có chuỗi khép kín từ sợi-dệt-nhuộm-may đáp ứng được xuất xứ từ sợi của TPP, doanh nghiệp không chỉ chủ động tự cung trong toàn chuỗi của mình mà còn có cơ hội để xuất khẩu và cung ứng nguyên vật liệu cho thị trường may mặc Việt Nam thông qua việc đầu tư mở rộng nhanh, mạnh, có hiệu quả các dự án đầu tư mới, nhất là đầu tư vào khâu dệt nhuộm.
Tuy vậy, vẫn còn không ít các doanh nghiệp vẫn còn khá mù mờ về TPP nên không có động thái thay đổi để tiếp cận thời cuộc. Cũng vì thế mà kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp này dường như vẫn nằm trong “kịch bản cũ” không có tính đột phá. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay quanh bài toán vốn đầu tư và không biết phải làm sao để được hưởng thuế suất 0% khi hàng hóa Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc 60% nội địa.
Đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho rằng khi tham gia TPP, cơ hội xuất khẩu mở ra cho Việt Nam cán mốc từ 36-38 tỷ USD trong năm 2020 sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không đơn giản nếu doanh nghiệp phải đáp ứng đủ nguồn nguyên phụ liệu có xuất xứ nội khối cao.
Ông Phan Chí Dũng cũng chỉ ra một thực tế là ngành dệt may muốn đầu tư vào nguồn nguyên liệu phải có các vùng nguyên liệu cả nghìn hécta. Tuy nhiên, đây lại là thách thức từ chính sân nhà bởi nhiều địa phương không khuyến khích phát triển dệt may do ô nhiễm môi trường nên không sẵn sàng dành quỹ đất lớn.
Hơn nữa, việc tuyển chọn lao động, nhất là các lao động ngoài ngành may cũng không dễ. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng khác như khả năng xử lý môi trường... cũng là trở ngại lớn của ngành dệt may. Do vậy, nếu ngành dệt may không tự giải quyết được những bài toán này thì thị trường xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh.
Sẵn sàng tâm thế
Bên cạnh những thuận lợi lớn, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi TPP có hiệu lực. Cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ gay gắt hơn; phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như các phương thức kinh doanh ngày càng cao. Vì vậy, theo ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thì đội ngũ doanh nghiệp cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi.
Ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh thêm cộng đồng doanh nghiệp cần phải nắm vững thông tin hội nhập để phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Từ đó, mỗi doanh nghiệp chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh. Việc này, đối với nhiều doanh nghiệp sẽ không phải là điều ngày thực hiện được trong một ngày hai bởi không có con đường nào trải toàn thảm đỏ. Tuy nhiên, nếu không thay đổi để phù hợp với thị trường thì sẽ tự đào thải chính mình ra khỏi cuộc chơi.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng hội nhập là thay đổi từ hành động, TPP là cơ hội để cải cách thể chế, doanh nghiệp cải tiến hoạt động theo hướng minh bạch hơn, năng động hơn phù hợp với những tiêu chí của hội nhập.Vì thế, hội nhập ngày càng sâu rộng thì không chỉ cơ quan chức năng xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn mà bản thân doanh nghiệp cũng phải ý thức hơn nữa vai trò của mình.
Do vậy, ngay từ bây giờ doanh nghiệp Việt phải chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm... Bên cạnh đó, cần cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đã có khuyến nghị cho rằng khi hội nhập ngày càng sâu rộng, không chỉ cơ quan chức năng khi xây dựng chính sách, mà bản thân doanh nghiệp cũng phải ý thức hơn nữa vai trò của mình để giữ vững thị phần trong nước, đồng thời tìm kiếm các thị trường mới nhằm đầu tư phát triển cũng như sẵn sàng tâm thế để hội nhập thành công./.
Theo Uyên Hương
Vietnam+