Tin tức

Trang chủ » » Doanh nghiệp Ý ngày càng quan tâm tới thị...

Doanh nghiệp Ý ngày càng quan tâm tới thị...

29/07/2015

Chuyên mục: Tin tức In trang

Doanh nghiệp Ý ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam

Thuỳ Dung

432a6_20141105_101303_night 
ông Lorenzo Angeloni, Đại sứ Ý tại Việt Nam – Ảnh: Thuỳ Dung

(TBKTSG Online) – Một đoàn doanh nghiệp hùng hậu với hơn 100 tập đoàn, tổng công ty lớn của Ý sẽ sang Việt Nam cuối tháng này để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và y tế.

 

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có buổi phỏng vấn ông Lorenzo Angeloni, Đại sứ Ý tại Việt Nam tại buổi họp báo công bố về chuyến thăm của phái đoàn kinh tế Italy đến Việt Nam.

- Ông có thể cho biết thành phần của phái đoàn kinh tế này?

Ông Lorenzo Angeloni: Phái đoàn lần này gồm hơn 100 doanh nghiệp lớn của Ý sẽ tới Việt Nam trong bốn ngày từ 23 đến 27 tháng 11. Lĩnh vực quan tâm của đoàn chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng (CSHT), y tế, dược phẩm, năng lượng và năng lượng tái tạo, cơ khí máy móc. Từ những lĩnh vực này, hy vọng trong tương lai gần sẽ mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nhỏ hơn.

Đoàn được dẫn đầu bởi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức kinh tế khác như Viện Kinh tế ngoại thương Ý, đại diện Hiệp hội các ngành công nghiệp Ý, Hiệp hội Ngân hàng Ý và đại diện Bộ Phát triển kinh tế Ý.

Chúng tôi kỳ vọng các cuộc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ tạo ra cơ hội hợp tác giao thương, tiến tới những thoả thuận về mua bán kinh doanh giữa hai bên.

Tháng 6 vừa rồi, Thủ tướng Ý đã có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam và tiếp theo đó là một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu nhất từ trước tới nay. Điều này nói lên thông điệp gì, thưa ông?

Năm 2008 cũng đã có một diễn đàn kinh tế Ý tại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội và TP HCM. Tại sự kiện đó đã có 1.800 cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp hai bên. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Ý đã lần đầu tiên tới thăm Việt Nam. Gần đây nhất là chuyến thăm của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tới Ý vào tháng 10. Hai bên đã tiến hành những bước đi để cụ thể hoá thoả thuận hợp tác chiến lược đã ký kết giữa hai quốc gia.

Như vậy, từ tầm lãnh đạo đã có những hợp tác và cam kết cao nhất. Đây được coi là một tiền đề để các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác. Hơn nữa, điều này cũng thể hiện các doanh nghiệp Ý ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường quan trọng trong khu vực, một nền kinh tế mới nổi với rất nhiều triển vọng.

Thực tế, Ý đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Âu tại Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng qua các năm. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 3 tỉ euro và ước tính năm 2014 có thể đạt 3,5 tỉ euro. Lãnh đạo hai nước đã cam kết đưa con số thương mại hai chiều giữa hai nước phấn đấu đạt 5 tỉ euro vào năm 2016.

Kim ngạch thương mại hai nước lớn nhưng tỉ trọng đầu tư của Ý vào Việt Nam không nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và y tế, những lĩnh vực mà Ý đang muốn đầu tư tại Việt Nam. Ông có thể lý giải vấn đề này?

Đúng là sự hiện diện của Ý trong lĩnh vực CSHT của Việt Nam từ trước tới nay còn khiêm tốn so với các đối tác khu vực châu Á. Song, chúng tôi đang tiến hành nhiều bước chắc chắn với nỗ lực và quyết tâm cao.

Ví dụ, đã có 6 doanh nghiệp của Ý tham gia đấu thầu dự án xây tàu điện ngầm tại Hà Nội. Các doanh nghiệp Ý đều rất cẩn trọng xem xét tính khả thi của mỗi dự án mới tham gia đấu thầu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CSHT của Ý không có lợi thế bằng các doanh nghiệp châu Á do họ có nhiều dự án ODA lớn trong lĩnh vực CSHT cho Việt Nam, cộng với lợi thế sự gần gũi về văn hoá và địa lý giữa các quốc gia châu Á để có thể hiểu được tập tục trong kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Song, các doanh nghiệp Ý có thể khẳng định được mình bằng các công trình thi công chất lượng.

Về lĩnh vực y tế, chúng tôi nhận thấy cơ hội lớn trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thuốc cũng như cung cấp trang thiết bị y tế, đặc biệt là trong quá trình dịch chuyển các bệnh viện lớn từ trung tâm sang các vùng lân cận. Hơn nữa, cùng với quá trình dịch chuyển bệnh viện, phía Việt Nam cũng đang muốn giảm lượng nhập khẩu sản phẩm y tế từ Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau.

Theo ông làm thế nào để thúc đẩy đầu tư giữa hai nước?

Điều này phải xuất phát từ hai phía. Thứ nhất, cơ quan chức năng của Ý cần giới thiệu nhiều hơn nữa tiềm năng của thị trường Việt Nam tới các doanh nghiệp Ý. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần đẩy mạnh quá trình tự do hoá thương mại giữa khu vực công và tư, vì đây là nền tảng quan trọng để các nhà đầu tư Ý đến Việt Nam.

Hơn nữa, khi Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam và EU được ký kết, sẽ có một chương riêng về đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Khi đó, chắc chắn sẽ có một làn sóng đầu tư lớn từ châu Âu vào Việt Nam, trong đó có Ý.

Ý cũng là một trong những đối tác cung cấp ODA lớn cho Việt Nam, vậy ông có thể cho biết định hướng viện trợ của Ý trong thời gian tới?

Ý đã giải ngân 30 triệu euro tập trung vào dự án cung cấp nước sạch tại 3 tỉnh của Việt Nam. Ngoài ra đã có một thoả thuận được ký bổ sung giữa hai chính phủ chuyển nợ khoảng 10 triệu euro sang các dự án phát triển cơ bản, đặc biệt là lĩnh vực cung cấp nước sạch.

Bên cạnh đó, Chính phủ Ý trong những năm tới sẽ chuyển ODA ưu đãi từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư. Cụ thể chúng tôi sẽ hỗ trợ các trung tâm đào tạo nghề, trung tâm cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.

Trong thời gian tới, Ý sẽ tiếp tục giải ngân thêm 25 triệu euro và chúng tôi vẫn cam kết tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: Saigontime – Kinh Doanh

  




Văn bản gốc