Tin tức

Trang chủ » » Doanh nghiệp điện, điện tử "chật vật" với đơn hàng lớn

Doanh nghiệp điện, điện tử "chật vật" với đơn hàng lớn

22/03/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Với quy mô sản xuất còn nhỏ và thiết bị thế hệ cũ không đảm bảo chất lượng ổn định khi gia tăng sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam đang khó có thể tiếp cận đơn đặt hàng lớn liên quan đến lĩnh vực điện, điện tử của các tập đoàn công nghệ công nghiệp điện tử có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều kiện sản xuất còn yếu kém 

Các doanh nghiệp vi mạch điện tử nước ta đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như: nguồn lực, cơ sở hạ tầng, tài chính…dẫn đến việc doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được những đơn hàng với số lượng lên đến hàng trăm ngàn đơn vị. Mặc dù, được đánh giá là có năng lực nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đạt được đến mức có thể thiết kế, chế tạo một sản phẩm điện tử bán dẫn hoàn chỉnh và tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng từ các linh kiện điện tử. Một số sản phẩm của doanh nghiệp là sản phẩm công nghệ cao nhưng khi đem ra thị trường quốc tế vẫn bị đánh giá là sản phẩm công nghệ thấp cấp. Sở dĩ, các sản phẩm này vẫn còn nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường là do các nước có ngành bán dẫn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu dần thay đổi hướng nghiên cứu và sản xuất sang các sản phẩm có công nghệ mới và tiên tiến hơn.

Nguồn: Internet

Điều kiện sản xuất hiện tại chật vật nhưng ngay cả điều kiện để cải thiện hiện trạng sản xuất cũng khó thực hiện được. Công nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp điện tử ít phát triển, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân 20% - 30% nên sức cạnh tranh không cao. Sản phẩm hỗ trợ của nước ta mới chủ yếu là bao bì đóng gói với các chi tiết nhựa, kim loại nên giá trị gia tăng thấp. Hầu hết, các sản phẩm lắp ráp dân dụng của ngành điện tử Việt nam chiếm 80%, chỉ có 20% còn lại mới là điện tử công nghiệp. Điều này, cho thấy rõ sự chênh lệch so với một số nước trong khu vực với tỷ lệ 65% và 35%. Các công ty Việt Nam chỉ tập trung vào công đoạn lắp ráp linh kiện điện tử và toàn bộ vi mạch tích hợp đều mua từ nguồn nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

Hỗ trợ tìm kiếm cơ hội

Các doanh nghiệp nội chưa thực sự “nhúng tay” nhiều vào các dòng sản phẩm điện tử chế tạo của các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài như Canon, LG, Panasonic…bởi lý do chưa đáp ứng được yêu cầu theo từng công đoạn, về thiết kế mẫu mã, thiết kế thiết bị mới, chế  tạo thử nghiệm theo yêu cầu của khách hàng với hệ thống sản xuất linh hoạt. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nội khó có thể thích ứng kịp với sự chuyển công nghệ chế tạo tiên tiến.  Một số DN đã chế tạo tại chỗ robot công nghiệp 5 bậc tự do đến 7 bậc tự do, công nghệ modun hóa dây chuyền sản xuất, sử dụng vật liệu mới, công nghệ nano cho sản phẩm mới.

Để có thể giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các đơn đặt hàng lớn liên quan đến lĩnh vực điện, điện tử,  cần có chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư sản xuất . Các chính sách cần hỗ trợ như vay tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để  tiếp cận với công nghệ tân tiến, đồng thời, có chính sách đề xuất cơ chế hỗ trợ đặc biệt về chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử, vi mạch, bán dẫn. Mặt khác, xây dựng mạng liên kết các doanh nghiệp  công nghiệp hỗ trợ ngành điện - điện tử với sự điều phối hợp nhất từ Sở Công thương. Có như vậy, doanh nghiệp  mới có thể nhận những đơn đặt hàng lớn nhờ hợp lực sản xuất mới đáp ứng và đáp ứng được các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng đơn đặt hàng.

Quốc Khánh

Tổng hợp 

  




Văn bản gốc