Doanh nghiệp đóng cửa và nỗi lo thể chế
Chi phí đầu vào bao gồm xăng, điện, nước... là một rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng chậm trong suốt 3 năm qua.
Báo cáo tăng trưởng và triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 của Vietnam Report chỉ ra rằng, có 9 rào cản bên ngoài đối với tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2012-2015.
Bao gồm: Chi phí đầu vào tăng; Biến động nhu cầu thị trường về sản phẩm và dịch vụ; Sự trỗi dậy của các doanh nghiệp; Môi trường kinh doanh không ổn định; Các vấn đề về thủ tục hành chính; Quy định của Chính phủ; Thiếu hụt lao động; Khó tiếp cận các dịch vụ tài chính và các khó khăn khác.
Trong đó, rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải chính là chi phí đấu vào bao gồm giá xăng, điện, nước, nhân công... Có đến 61% doanh nghiệp khẳng định đây là lí do khiến họ chậm phát triển, khó phát triển trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, biến động nhu cầu thị trường sản phẩm và sự trỗi dậy của đối thủ cũng là hai khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp.
Thực tế, trong những năm gần đây, do áp lực từ nhiều phía, số lượng doanh nghiệp Việt Nam phải giải thể ngày càng tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp tồn tại được cũng chậm phát triển, ì ạch sống sót qua ngày.
Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2015, có đến 2.919 doanh nghiệp buộc phải giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh. Còn số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 20.044 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng, ở Việt Nam. hiện tượng số lượng doanh nghiệp đóng cửa liên tục tăng từ năm 2010 đến nay.
"Số doanh nghiệp đóng cửa tăng lên chứng tỏ môi trường thể chế cho doanh nghiệp nội địa vẫn chưa được cải thiện. Đó chính là dấu hiệu cảnh báo đối với môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện thực sự chậm và cần phải có điều chỉnh tích cực hơn nữa", ông Trần Đình Thiên nhận định.
Thu Thủy
Vietnam Report