Tin tức

Trang chủ » » Đông Nam Á ứng phó ra sao để vực dậy nền kinh tế thời COVID-19?

Đông Nam Á ứng phó ra sao để vực dậy nền kinh tế thời COVID-19?

29/06/2021

Chuyên mục: Tin tức In trang

Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Đông Nam Á đương đầu với nhiều khó khăn. COVID-19 vừa là thách thức, vừa là chất xúc tác để chính phủ các nước thay đổi, cứu con thuyền kinh tế.

Đứng trước làn sóng dịch COVID-19 mới, gây ảnh hưởng mang tính cục bộ lên nền kinh tế khối ASEAN, những gói ưu đãi tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp và chương trình tiêm chủng trở thành giải pháp căn cơ nhất, giúp nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.

Những gói ưu đãi đặc biệt

Là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch, chính phủ Thái Lan từng bước cố gắng hồi sinh nền kinh tế dù triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 1,8%, thấp hơn 1,2% so với ước tính hồi tháng 3. Rõ ràng, làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 đang làm “tê liệt” nền kinh tế xứ sở chùa Vàng.

 Dong Nam A vuc day nen kinh te anh 1
Thái Lan phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi liên tục trải qua làn sóng COVID-19 mới. Ảnh: eTurbo News.

Đầu năm 2021, ngân hàng trung ương Thái Lan thông báo tiếp tục giữ mức lãi suất 0,5%, mức thấp nhất chưa từng có tiền lệ ở quốc gia này. Chính phủ Thái Lan đồng thời tung gói kích thích kinh tế 140 tỷ baht (4,5 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19. Trong đó, gói kích thích sẽ được chia nhỏ cho các mục đích như thanh toán các giao dịch mua hàng của người tiêu dùng, trao tiền mặt cho nhóm ưu tiên như người khuyết tật.

Indonesia - quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - dần thấy triển vọng sau khi triển khai các kế hoạch phục hồi nền kinh tế. "Nhờ chương trình giảm phí thanh toán và thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 0%, lĩnh vực bất động sản tại Indonesia đã chứng kiến cú 'lội ngược dòng' ngoạn mục trong nhu cầu mua nhà của người dân", AA dẫn lời Perry Warjiyo - Thống đốc Ngân hàng Indonesia.

Chương trình giảm phí và thuế của chính phủ đã thúc đẩy đà tăng trưởng tín dụng bất động sản, kéo theo sự quan tâm của các nhà đầu tư. "Lượng người mua bất động sản đang tăng lên. Họ chủ yếu hướng đến bất động sản hạng trung bình để đầu tư", ông Warjiyo nói.

Giống như Thái Lan, ngân hàng trung ương Indonesia cũng thực hiện biện pháp kích thích tăng trưởng nền kinh tế với gói lãi suất giảm đáng kể, xuống 3,5%. “Đây là mức lãi suất chuẩn thấp nhất trong lịch sử ngành ngân hàng”, Perry Warjiyo khẳng định.

“Giải vây” doanh nghiệp

Để bức chân dung nền kinh tế hồi phục sau đại dịch rõ nét hơn, việc chính phủ chung tay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng là điều cần thiết.

Đầu tháng 6, giới chức Thái Lan quyết định chi trả 50% lương hàng tháng cho người lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tránh làn sóng thất nghiệp đe dọa tiến trình hồi phục nền kinh tế.

“Chương trình chung tay trả lương phải được thực hiện càng sớm càng tốt để hỗ trợ các SME duy trì hoạt động kinh doanh, giữ chân nguồn nhân lực”, Phó thủ tướng Thái Lan Supattanapong Punmeechaow khẳng định.

 Dong Nam A vuc day nen kinh te anh 2

Nhân công là yếu tố không thể thiếu cho sự tồn tại của doanh nghiệp trong thời kỳ dịch COVID-19. Ảnh: VNA.

Đối với Indonesia, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp là nền tảng cho quá trình củng cố sự phục hồi, tạo điều kiện tái cơ cấu các ngành chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 gây ra.

Indonesia đưa ra một số biện pháp hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp như chương trình tái cơ cấu khoản vay quy mô lớn và trợ cấp lãi suất ngân hàng cho các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo IMF, những động thái hỗ trợ doanh nghiệp từ chính phủ đã giúp “giải vây” nhiều công ty bên bờ vực phá sản ở nước này.

Theo Reuters, Ủy ban Chứng khoán Malaysia đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bắt đầu niêm yết. Tổ chức này cải thiện quy định và mở rộng chiến dịch gọi vốn cộng đồng cho các công ty tư nhân chưa niêm yết. Chi phí niêm yết sẽ được miễn trong vòng 1 năm để khuyến khích các công ty triển khai đợt IPO. Ngoài ra, những công ty đã niêm yết, chịu lỗ hàng quý sẽ được hoàn lại phí niêm yết hàng năm.

Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng tung ra gói kích cầu trị giá 4,86 tỷ USD - gói kích cầu thứ 2 sau gói 3,7 tỷ USD được tung ra hồi tháng 1/2021. Thông qua gói kích cầu, nhà cầm quyền Malaysia cam kết cung cấp nhiều khoản viện trợ tiền mặt hơn, phù hợp hơn cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Quy mô tiêm chủng tỷ lệ thuận với khả năng phục hồi kinh tế

Các chuyên gia kinh tế nhận định triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia là chìa khóa thúc đẩy sức mạnh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

“Chừng nào phần lớn dân số chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, những dự đoán về khả năng khống chế dịch và sự phục hồi nền kinh tế sẽ còn ở mức thấp”, Tricia Yeoh - CEO Viện Dân chủ và Kinh tế Malaysia - cho biết.

Theo CNA, Louis Ooi - Giám đốc điều hành một công ty thử nghiệm phòng thí nghiệm ở Malaysia - đã khuyến khích nhân viên nhanh chóng đăng ký tiêm chủng. Đối với Louis Ooi, "việc nhân viên được tiêm phòng đầy đủ là cách tốt nhất để hoạt động của doanh nghiệp không bị gián đoạn".

Ông Ooi thậm chí đề xuất tặng cho nhân viên khoản khuyến khích bằng tiền mặt trị giá 36 USD. Nhân viên sẽ nhận được khoản trợ cấp này sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên. Chia sẻ với CNA, Giám đốc Ooi cho biết ngay khi khoản ưu đãi được công bố, tỷ lệ nhân viên đăng ký tiêm chủng tăng từ 50% lên 90%.

Thavalingam Thavarajah - chuyên gia luật lao động và việc làm nhận định: “Dù không có bộ luật nào bắt buộc người lao động phải tiêm vaccine, nhà tuyển dụng vẫn có thể đặt ra yêu cầu tiêm chủng như một điều kiện tiên quyết để tìm kiếm nhân lực”.

“Điều kiện như vậy là yếu tố quan trọng. Việc người lao động tiêm vaccine sẽ trở thành biện pháp phòng ngừa, đảm bảo nơi làm việc không có sự xuất hiện của virus COVID-19”, Syed Hussain Syed Husman - Chủ tịch Liên đoàn Người sử dụng lao động Malaysia - giải thích.

Hiện nay, Malaysia đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng với hy vọng đạt mục tiêu tiêm phòng cho 80% dân số và miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.

Linh Đỗ

Theo Zingnews

 

  




;

Văn bản gốc


;