Dứt điểm bán vốn nhà nước của Sabeco và Habeco
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gởi Bộ Công Thương đề nghị bán đứt hai công ty bia Sabeco và Habeco, hai doanh nghiệp mà Bộ này đang nắm tương ứng tới gần 90% và 82% vốn điều lệ.
Theo VAFI, Sabeco & Habeco đã cổ phần hóa được hơn 8 năm và trong đề án cổ phần hóa của hai tổng công ty sản xuất bia rượu và nước giải khát lớn nhất Việt Nam này đều nói rõ việc cổ phần hóa gắn với việc niêm yết theo chủ trương của nhà nước nhưng Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết. VAFI kiến nghị Bộ Công Thương cần nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Đấu giá toàn bộ cổ phần nhà nước tại một lần đấu giá nhằm gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco, không áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá.
Theo đó, VAFI kiến nghị cần chấm dứt ngay tình trạng trốn niêm yết tại Sabeco và Habeco. Trong đề án cổ phần hoá của Sabeco và Habeco cũng đều nói rõ việc cổ phần hoá gắn với việc niêm yết theo chủ trương của nhà nước. Nhưng cho đến hiện nay, cả Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh dù đã bị thúc giục nhiều lần. Viện dẫn việc Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10-2015 đã chỉ thị cho SCIC thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả như Vinamilk, FPT, nhựa Tiến Phong, nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh,…., VAFI cho rằng chủ trương đã rõ và việc bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco là vấn đề không còn bàn cãi, đòi hỏi Bộ Công Thương phải chủ động hơn, năng động hơn, tích cực hơn.
Nếu được Bộ Công thương chấp thuận, VAFI cũng đề nghị việc mở bán công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán. Việc đấu toàn bộ cổ phần nhà nước tại một lần đấu giá sẽ gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco. VAFI cũng kiến nghị không áp dụng việc mua bán thoả thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá.
Trị giá của lần thoái vốn này VAFI dự kiến vào khoảng trên 3 tỷ đô la. “Số tiền thu được dự tính đủ để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội. Khi Hà Nội có 4 tuyến đường sắt trong 7 năm nữa thì sẽ có nhiều điều kiện để phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng, giảm nhanh việc sử dụng hàng triệu xe máy và lúc đó Hà Nội sẽ xanh, sạch đẹp hơn nhiều so với hiện nay”, VAFI đề xuất.
Hoàng Anh
Tổng hợp