FED tuyên bố không tăng lãi suất
Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất tiệm cận 0% ít nhất đến tháng 11 năm nay. Hôm qua, trong cuộc họp tại Washington, chủ tịch Fed Janet Yellen đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc đi hay ở lại châu Âu là yếu tố quan trọng khiến NHTW Mỹ quyết định giữ lãi suất ở mức hiện tại.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày dưới sự điều hành của Chủ tịch FED, bà Janet Yellen, tại Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC). Theo đó, lãi suất cơ bản tại Mỹ tiếp tục duy trì ở mức 0-0,25% ít nhất đến tháng 11 năm nay, khi FED mở cuộc họp mới. FED cho biết cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của FED, đã kết luận rằng nhịp độ tăng trưởng việc làm ở Mỹ đã chậm lại, ngay cả khi nền kinh tế về tổng thể đã tăng trưởng và những tác động của việc sụt giảm xuất khẩu đã giảm bớt. Theo FED, cần một bức tranh rõ ràng hơn về sự phát triển của nền kinh tế Mỹ trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất trở lại.
Chủ tịch FED cho biết, cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc đi hay ở lại châu Âu là yếu tố quan trọng khiến ngân hàng trung ương Mỹ quyết định trì hoãn tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại. Theo lộ trình, FED dự định sẽ nâng lãi suất hai lần trong năm 2016. Tuy nhiên trong hai năm tới, cơ quan này chỉ nâng lãi suất 3 lần, thay vì 4 lần như tuyên bố trước đây.
Bà Janet L. Yellen cho rằng, nền kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh, và kết quả cuộc bỏ phiếu về tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Anh cũng là một yếu tố cần phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định về lãi suất.
Trả lời phỏng vấn sau cuộc họp báo công bố quyết định lịch sử có tác động đến hàng triệu người Mỹ cũng như với kinh tế toàn thế giới, bà Janet Yellen khẳng định trần nợ của Chính phủ không phải là nguyên nhân dẫn tới việc FED giữ nguyên lãi suất.
"FED cũng không góp phần vào việc trầm trọng hóa thêm bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ, vì thực tế, chỉ khi tỷ lệ thất nghiệp cao thì bất bình đẳng mới tăng. Còn mục tiêu của FED là đảm bảo lạm phát trung hạn về mức 2%, trong khi vẫn giữ được những động lực cần thiết cho nền kinh tế".
Ngay sau khi thông điệp của Fed được đưa ra, chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Mỹ không rõ ràng cùng với tình hình kinh tế toàn cầu kém đã làm rấy lên đồn đoán rằng công cụ kích thích của NHTW đã đến điểm dừng.
Kết phiên ngày 15/6, chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 2071,50 điểm – chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp, lâu nhất kể từ tháng 2. DJIA giảm 0,2% xuống 17.640,17 điểm. Nasdaq rơi 0,2%.
Hương Lan
Tổng hợp