GDP và bài toán thu thuế...
GDP và thu thuế có mối quan hệ hai chiều. Tăng trưởng GDP tốc độ cao góp phần vào tăng thu từ thuế (nếu hệ thống thu thuế hiệu quả, nghĩa là không có thất thoát, lãng phí), và ngược lại với tỷ lệ thu thuế ở mức hợp lý sẽ góp phần kích thích hoạt động sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, và mở rộng GDP.
Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của một số nước 2007-2013 (%). Nguồn: WB |
Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ thu thuế và phí của Việt Nam nằm ở mức cao hơn hẳn, đạt 26,2% năm 2007, trong khi con số này ở các nước trong khu vực khoảng từ dưới 10 đến hơn 16% (cụ thể Campuchia 9,7%, Indonesia 12,4%, Lào 11,6%, Malaysia 14,3%, Philippines 13,5% và Thái Lan 16,1%). Tỷ lệ này hiện đang có xu hướng giảm dần, từ 26,2% xuống còn 21,4% vào năm 2013, tuy nhiên vẫn ở mức cao khi so sánh với các nước khác trong khu vực, do huy động từ thuế của các nước này không biến động nhiều, vẫn nằm trong khoảng 10-16%.
Hình 2: Tỷ lệ thu thuế, phí/GDP của Việt Nam và một số nước trong khu vực giai đoạn 2007-2013 (%). Nguồn: WB, TRADING ECONOMICS, The Heritage Foundation, GSO, MOF và tính toán của tác giả |
Từ năm 2009, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, Chính phủ chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, thể hiện qua 2 văn bản là Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 và Quyết định số 58/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 quy định việc giảm thuế giá trị gia tăng và giảm một số loại phí. Tuy nhiên các biện pháp này dường như không có tác động rõ ràng đến nền kinh tế nói chung và tỷ lệ thu thuế nói riêng khi con số này chỉ giảm nhẹ 1% vào năm 2009 và sau đó lại tăng cao hơn vào năm 2010. Phải đến giai đoạn 2011-2013, khi hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường của Chính phủ được đưa ra, trong đó có chính sách thuế, đặc biệt là việc ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam trong giai đoạn tới năm 2020 (Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011), tỷ lệ thu thuế mới có sự sụt giảm đáng kể.
Hình 3: GDP trên đầu người của Việt Nam và một số nước (giá USD hiện hành). Nguồn: WB |
Việc giảm tỷ lệ thu thuế năm vừa qua còn có nguyên nhân nữa là việc thu ngân sách không đạt kế hoạch đề ra, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước kinh doanh thua lỗ, dẫn đến thu từ khu vực này chỉ đạt 91% dự toán năm. Trong khi đó, khu vực FDI với sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu nhưng thu thuế từ xuất khẩu còn thấp hơn nữa, chỉ đạt 85% dự toán năm.
Với việc thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn ở mức trung bình, ngay cả khi so với các nước trong khu vực, nhưng tỷ lệ thu thuế lại vượt hơn hẳn, rõ ràng người dân Việt Nam đang phải chịu gánh nặng thuế rất cao. Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 2012), ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hàng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.
Hình 4: Gánh nặng thuế của một số nước (% GDP). Nguồn Heritage Foundation |
So với các nước trong khu vực, tỷ lệ thu thuế của Việt Nam là tương đối cao, tuy nhiên khi so sánh với các nước phát triển, các nước OECD, con số này chỉ ở mức trung bình. Mặc dù vậy, có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng tác động của thuế đối với tăng trưởng kinh tế là tiêu cực, đặc biệt là thuế đánh vào sản xuất và thu nhập (xem thêm các nghiên cứu: Ferede & Dahlby, 2012; Mertens & Ravn, 2012; Gemmell et al., 2011; Arnold et al., 2011; Barro & Redlick, 2011; Romer & Romer, 2010; Alesina & Ardagna, 2010; IMF, 2010; Reed, 2008; Bania et al., 2007). Đây hiện là 2 sắc thuế lớn của Việt Nam.
Xét về lý thuyết, các nhà kinh tế trường phái trọng cung cho rằng, thuế suất thấp sẽ dẫn đến chi tiêu nhiều hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất tăng lên. Cắt giảm thuế sẽ tạo động cơ cho các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, trong khi người tiêu dùng sẽ cảm giác mình có nhiều tiền hơn và chi tiêu nhiều hơn, từ đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng cao hơn sẽ dẫn đến thu ngân sách của Chính phủ cũng tăng lên dù cho có cắt giảm mạnh thuế suất.
Chính sách tài khoá của Chính phủ trong vài năm gần đây đã được điều hành chặt chẽ, linh hoạt. Chính sách thu tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm bớt nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp và người dân thông qua các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế. Cụ thể, đối với thuế Thu nhập doanh nghiệp đã giảm mức thuế suất phổ thông từ mức 25% xuống 22% từ ngày 01/01/2014, áp dụng mức thuế suất 20% từ ngày 01/7/2013 đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đối với thuế Thu nhập cá nhân đã nâng mức khởi điểm chịu thuế cho bản thân từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ mức 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời thực hiện miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thu thuỷ lợi phí… Có thể thấy, dù còn nhiều hạn chế nhưng hệ thống thuế đã và đang được cải cách theo hướng có lợi cho người nộp thuế.
Sáng 02/12/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 – 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp chí Thuế – Tổng Cục Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2014. Đây là năm thứ năm liên tiếp kể từ năm 2010, Bảng xếp hạng V1000 được công bố nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự phát triển và giàu mạnh của đất nước. Trước đó ngày 22/10 bảng xếp hạng đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. |
Vietnam Report