Giá xăng dầu và câu chuyện về cơ chế thị trường, độc quyền nhóm trong thời kỳ hội nhập
Câu chuyện chênh lệch thuế giá xăng dầu trong những ngày gần đây đang trở thành một chủ đề nóng trên các mặt báo. Trong khi các cơ quan quản lý vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết thì có một vấn đề khác phía sau câu chuyện khiến dư luận quan tâm không kém liên quan đến sự vận hành của cơ chế thị trường và vấn đề độc quyền nhóm.
Kỳ I – Cơ chế thị trường
Kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với những nền kinh tế phát triển trên Thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước ta phải từng bước hoàn thiện, bắt kịp với những quy chuẩn Quốc tế. Có rất nhiều thứ cần phải kiện toàn, một trong số đó chính là vấn đề cải cách cơ chế thị trường. Người dân và doanh nghiệp mong chờ điều gì từ những Hiệp định thương mại tư do đã ký kết hay từ những cải cách kinh tế trong nhiều năm qua? Đó chính là một cơ chế kinh tế vận hành theo đúng như quy luật cung – cầu, cạnh tranh lành mạnh chứ không phải một cơ chế thụ động bị chi phối quá nhiều bởi những điều chỉnh của Nhà nước.
Thời kỳ bao cấp đã qua đi trong lộ trình phát triển kinh tế cũng đã được vài thập niên, điều chúng ta nhìn thấy sau giai đoạn ấy chính là sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, là sự tăng trưởng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cũng như đời sống của nhân dân được cải thiện hơn rất nhiều nhờ những quyền lợi thực tế từ sự cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế mở cửa của nền kinh tế. Có thể nói, Nhà nước đã làm rất tốt nhiệm vụ đó, thậm chí giai đoạn phát triển từ kinh tế bao cấp lên kinh tế thị trường có thể được coi là một bước tiến vượt bậc, một cột mốc mang tính cách tân của nền kinh tế Việt Nam trong suốt lộ trình phát triển.
Nhưng những ngày gần đây khi câu chuyện giá xăng dầu lan tràn khắp mặt báo, dư luận một lần nữa tự đặt ra câu hỏi liệu có phải đã đến lúc giá xăng dầu cũng cần thả nổi theo cơ chế của thị trường? Hiện nay trên Thế giới, hầu như đã không còn quốc gia nào Nhà nước ấn định giá bán lẻ xăng dầu như ở Việt Nam. Tại các nước, giá bán lẻ xăng dầu đều dựa trên biến động của thị trường, lên xuống từng ngày, hoặc thậm chí là trong ngày, người dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp với giá bán rẻ hơn để mua và doanh nghiệp cũng có quyền tự điều chỉnh giá bán cho phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình chứ không phải chờ ai điều chỉnh giá.
Nguồn: Internet
Thay vì để thả nổi giá xăng dầu cho thị trường quyết định, Nhà nước đang điều hành diễn biến giá xăng dầu theo Nghị định 83. Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh trong chu kỳ 15 ngày, dựa trên quyết định của liên Bộ: Công thương - Tài chính sẽ điều chỉnh mức giá xăng dầu đang hiện hành, hay sẽ xả quỹ bình ổn. Vô hình chung, cả doanh nghiệp và người dân đang rơi vào tình thế bị động giữa vòng quay mang tên 15 ngày ấy. Nếu ở các quốc gia khác, chỉ cần theo dõi diễn biến giá xăng dầu chung của thị trường quốc tế, người dân và doanh nghiệp có thể tự mường tượng ra viễn cảnh giá xăng dầu ngày mai, thì ở Việt Nam, những biến động ấy chỉ được xem như “yếu tố mang tính tham khảo” còn việc giá xăng dầu trong nước có thay đổi hay không và quyết định cuối cùng ra sao thì phải đợi hết 15 ngày theo công bố của liên Bộ: Công thương - Tài chính.
Bàn đến con số 15 ngày mới thấy sự khó hiểu trong cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu tại Việt Nam. Giá xăng dầu trên Thế giới với tần suất biến động được tính không chỉ bằng ngày, thậm chí trong một ngày giá xăng dầu có thể biến động đến vài lần, vậy mà ở Việt Nam giá xăng dầu chỉ thay đổi sau mỗi 15 ngày. Sự chậm chễ này khiến cho doanh nghiệp và người dân thực sự rơi vào tình thế bị động, không được thừa hưởng những ưu thế từ sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, nếu cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu vẫn tiếp tục theo diễn biến như hiện nay thì doanh nghiệp trong nước sẽ bị giảm sức cạnh tranh đáng kể so với các doanh nghiệp nước ngoài khác. Bản thân ngành xăng dầu của Việt Nam trên con đường hội nhập đã không phải là một thế mạnh, việc quản lý theo cơ chế như hiện nay lại càng khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế bị động. Điển hình như đợt điều chỉnh gần đây nhất, theo như thông lệ, ngày 19/03 là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo theo lộ trình 15 ngày liên tiếp, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “đang lỗ” do giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ, nhưng ngạc nhiên là Liên bộ: Công thương - Tài chính đã không đưa ra bất cứ thông báo nào về giá mới xăng, dầu.
Câu chuyện về giá xăng dầu đã cho thấy một thực tế đáng báo động trong cách vận hành và quản lý thị trường hiện nay của Việt Nam. Doanh nghiệp kêu lỗ, người dân thấp thỏm lo lắng nhưng bản thân các cơ quan quản lý vẫn chưa có động thái nào giải quyết những băn khoăn của doanh nghiệp và người dân. Đến khi nào câu hỏi về cơ chế thị trường mới thực sự được đổi mới, hoàn thiện theo quy chuẩn quốc tế được trả lời một cách thỏa đáng thì lúc đó nền kinh tế Việt Nam mới thực sự vươn lên tầm cao mới, doanh nghiệp và người dân mới thực sự được phát triển và hưởng lợi từ cơ chế vận hành thị trường theo đúng quy luật vốn dĩ của nó.
Triệu Đức
Tổng hợp