Giải thể, ngừng hoạt động nhiều: Vì sao nên nỗi?
Trong gần 23.000 DN giải thể, dừng hoạt động trong quý 1/2016 có gần 2.920 DN giải thể thật sự, hơn 12.000 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hơn 8.000 DN chỉ tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.
Đào thải thanh lọc
Theo số liệu thống kê, trong gần 23.000 DN giải thể, dừng hoạt động trong quý 1-2016 có gần 2.920 DN giải thể thật sự, hơn 12.000 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hơn 8.000 DN chỉ tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 44,7%). Tuy nhiên, các DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn thường chỉ hoạt động theo thời vụ, có khả năng sẽ quay trở lại thị trường. Chẳng hạn trong quý 1-2016, gần 9.400 DN từng tạm ngừng kinh doanh trước đó đã quay trở lại hoạt động. Như vậy, trong ba tháng đầu năm, số lượng DN thật sự rút lui khỏi thị trường là gần 15.000 DN, chỉ tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Thông tin Chính Phủ
Khi nói đến tình trạng tạm dừng hoạt động, giải thể, không thể bỏ qua quy luật chung đó là đào thải, thanh lọc. Những DN yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những DN mới với những ý tưởng kinh doanh chất lượng hơn. Như vậy, ở một góc độ nào đó, giải thể hay phá sản DN cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, là cơ sở cho phát triển bền vững hơn. với xu hướng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, một lượng lớn DN mới được thành lập với những ý tưởng, mô hình kinh doanh hiện đại, vô hình trung thị trường ngày càng cạnh tranh. Nhiều mô hình, ý tưởng kinh doanh sẽ nhanh chóng bị thay thế, do vậy một số lượng DN giải thể tăng.
Nguyên nhân do đâu?
Thực tế cho thấy, thủ tục tạm ngừng kinh doanh hiện nay đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều, DN chỉ cần thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế cho thấy, hầu hết những gì DN đang phải trả cho chi phí sản xuất, quản trị đã tăng lên rất nhiều. Đơn cử lãi suất tăng, các chi phí về lao động, bảo hiểm, công đoàn và nhiều khoản thuế cũng tăng như thuế môn bài đề xuất tăng hai ba lần; thuế môi trường, chi phí vận tải, phí đường bộ, đường cao tốc… cũng tăng. hiện tại DN phải “cõng” nhiều chi phí đang tăng như phí cầu đường, thuế, chi phí sản xuất, vận chuyển… DN cũng đang lo ngại bắt đầu từ ngày 1/5/2016, khi lương cơ bản tăng sẽ dẫn đến tình trạng “té nước theo mưa”, nhiều khoản chi phí khác sẽ vì thế tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và DN. Ngoài ra, một số DN sản xuất, kinh doanh các ngành hàng được xóa bỏ thuế nhập khẩu cũng đang lo ngại phải cạnh tranh với sức ép của hàng nhập khẩu giá rẻ.
Số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy riêng trong quý 1-2016, những DN gặp khó khăn phần lớn đều là DN nhỏ. Trong hơn 12.000 DN tạm ngừng hoạt động, không đăng ký hoặc chờ giải thể, số lượng DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng chiếm đến 92,5% (gần 11.120 DN), trong đó nhóm DN ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm tỉ lệ cao nhất (36,1%). Đây là nhóm DN có tỉ lệ đào thải nhanh, thường theo thời vụ, thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngược lại, vẫn có những DN quy mô nhỏ nhưng sản phẩm mang tính ổn định, có chiến lược kinh doanh bài bản... vẫn phát triển. Chẳng hạn, trong ba tháng đầu năm nay có hơn 7.100 lượt DN đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 357.222 tỉ đồng, tỉ trọng vốn trung bình mỗi doanh nghiệp này cam kết đưa thêm vào thị trường là 50,3 tỉ đồng, gấp 6,4 lần so với số vốn đăng ký của DN mới thành lập.
Lan Anh
Tổng hợp