Tin tức

Trang chủ » » Góc nhìn doanh nghiệp VNR500 & FAST500: Ba chiến lược trọng tâm để chuyển đổi số thành công

Góc nhìn doanh nghiệp VNR500 & FAST500: Ba chiến lược trọng tâm để chuyển đổi số thành công

10/09/2021

Chuyên mục: Tin tức In trang

Bắt đầu chuyển đổi số bằng cách chỉ quan tâm đầu tư vào công nghệ mà không có mục tiêu, chiến lược cụ thể và đủ mạnh mẽ sẽ khiến doanh nghiệp đối diện với nguy cơ “tiền mất, tật mang”.

Cuộc khảo sát về chuyển đổi số trong doanh nghiệp đầu năm nay của Vietnam Report cho thấy các khoản đầu tư về công nghệ đang dần minh chứng giá trị của chúng đem lại cho doanh nghiệp; có tới 25,3% doanh nghiệp VNR500 (500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam) và FAST500 (500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam) hoàn toàn đồng ý với việc doanh nghiệp của mình đã có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, chi tiết theo từng giai đoạn với mục tiêu cụ thể. 

Ngày nay, doanh nghiệp không thể nằm ngoài dòng chảy kỹ thuật số nếu muốn tồn tại và phát triển trong thế giới hậu COVID-19; hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần tái xác định và xây dựng chiến lược trong câu chuyện chuyển đổi số của mình trước khi đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các nền tảng.

Bài viết này sẽ làm rõ những mục tiêu và phương cách thực hiện chuyển đổi số trọng tâm của các doanh nghiệp VNR500, FAST500 nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt có thêm động lực và hướng đi trên hành trình chuyển đổi số trong thời gian tới.

Mục tiêu chuyển đổi số trong các doanh nghiệp VNR500 và FAST500

Kể từ khi khái niệm CMCM 4.0 lần đầu tiên xuất hiện tại Đức vào năm 2011 đến nay, ứng dụng nền tảng công nghệ và tích hợp tất cả các công cụ kỹ thuật số nhằm tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo mới và bất tận không chỉ dành riêng cho các tổ chức làm về công nghệ. Số hóa đang làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực và bản thân các doanh nghiệp cũng đã có hành trình số hóa các hoạt động trong nhiều năm. Đến nay cuộc cách mạng kỹ thuật số vẫn còn khá mới mẻ. Các sự kiện thế giới gần đây, đáng chú ý nhất là đại dịch COVID-19, đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số để giúp các tổ chức phát triển và hoạt động vượt qua cả sự biến động.

Trong bối cảnh tương tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng đang thay đổi, các lãnh đạo buộc phải suy nghĩ về vấn đề tái thiết lập mục tiêu và chiến lược thực hiện nhằm đặt ra những yêu cầu mới đối với cả lãnh đạo và tổ chức sao cho đạt được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Xét cho cùng, tối đa hóa lợi nhuận vẫn là mục tiêu ‘tối thượng’ của bất cứ một thực thể kinh doanh nào trong mọi thời đại, và trong kỷ nguyên số doanh nghiệp có thể tìm nhiều cách khác nhau để có thể đạt được mục tiêu ấy.

Từ kết quả khảo sát của Vietnam Report, nhìn chung mọi nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp được chúng tôi chia thành ba nhóm mục tiêu hàng đầu: (i) tái thiết lập bộ máy điều hành linh động và nhạy bén; (ii) tăng hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh; (iii) khơi dậy khát vọng đổi mới.

Hình 1: Mục tiêu hàng đầu trong nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp (Đơn vị: %)

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tháng 1-3/2021

 

Ba chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc vào tầm nhìn và nguyên tắc chỉ đạo hướng tới những lĩnh vực trọng tâm của ban lãnh đạo, bởi nếu những người lãnh đạo, người đứng đầu không thay đổi thì không ai dám và có thể làm. Mọi hành động cần bắt đầu từ chiến lược của các giám đốc điều hành rồi mới triển khai tổng thể và toàn diện đối với tất cả mọi thành viên trong tổ chức.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, nỗ lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp lớn dựa trên các nguyên tắc chỉ đạo và hướng vào lĩnh vực quan trọng nhất là chọn hướng đầu tư chắc chắn, tránh rủi ro, chậm nhưng chắc với tổng 85,7% từ ‘đồng ý’ và ‘hoàn toàn đồng ý’; tiếp theo là đào tạo nâng cao năng lực số và hình thành văn hóa số cho cán bộ công nhân viên (82,1%) và 79,6% phản hồi sẽ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và phát triển các nền tảng số để phục vụ khách hàng tốt hơn. 

Hình 2: Nguyên tắc chỉ đạo và lĩnh vực trong tâm trong nỗ lực chuyển đổi số (Đơn vị: %)

 

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tháng 1-3/2021

Chiến lược 1: Chọn hướng đầu tư chắc chắn, tránh rủi ro

Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải đầu tư cả phần cứng và phần mềm, tạo các giao dịch gắn nền tảng công nghệ số và có sự đầu tư công nghệ hợp lý để kết nối người lao động, kết nối với đối tác. Khảo sát cộng đồng VNR500 và FAST500 về dự kiến tỷ trọng đầu tư cho chuyển đổi số so với doanh số của doanh nghiệp trong giai đoan 2021-2025 cho thấy hơn 1/3 số phản hồi sẽ đầu tư từ 1-5%, 1/3 doanh nghiệp còn lại đầu tư dưới 1%; nhưng cũng có tới 27,5% doanh nghiệp dự kiến đầu tư từ 5-10%. So sánh khoản đầu tư dự kiến trong 5 năm tiếp theo cho thấy, tỉ lệ tăng trưởng đầu tư chủ yếu dưới 5% so với giá trị thực trong giai đoạn 2016-2020. 

Hình 3: Tăng trưởng bình quân trong đầu tư cho chuyển đổi số giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021-2025) so với giai đoạn 5 năm trước (2016-2020) (Đơn vị: %)

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tháng 1-3/2021

  • Hiện trạng đầu tư các nền tảng công nghệ

Với sự dẫn đạo từ chiến lược chuyển đổi số, hiện nay các hạng mục đầu tư về an ninh mạng đang đem lại những lợi ích đáng khích lệ cho doanh nghiệp với 34,1% đánh giá. Hiện nay, “mặt trận” an ninh mạng cần phải được đổi mới để thích nghi với tốc độ tăng trưởng và độ phủ của internet, bởi chỉ cần một sự chậm trễ nhỏ cũng có thể khiến doanh nghiệp mất cả tỷ đồng vào tay tin tặc và còn làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp nếu làm mất thông tin khách hàng. Không những phòng chống tin tặc trên không gian mạng, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào việc khắc phục và tái thiết nếu hệ thống bảo mật bị tấn công. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn vẫn chủ yếu đầu tư vào các phần mềm quản lý nguồn lực (ERM) và phần mềm quản lý khách hàng (CRM) với hiệu quả đáng kích lệ chiếm tỷ lần lượt 26,5% và 23,2%. Trên thực tế, các nền tảng vốn đang “hot” trên thế giới như điện toán đám mây, IoT, Big data hay AI… thì ở Việt Nam chỉ có số ít các doanh nghiệp đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng hiệu quả chưa được rõ ràng.

  • Dự kiến các hạng mục đầu tư trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo

Giai đoạn ngắn hạn, phần mềm quản lý nguồn lực (ERM), trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G là những xu hướng được các doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư trong 18 tháng tới với với tỉ lệ phản hồi khoảng 18%. Trong khi đó, các phần mềm về in 3D, các ứng dụng thực tế ảo (VR/AR/MR) lại ít được các nhà đầu tư lựa chọn.

Trong 3-5 năm tiếp theo, các doanh nghiệp lớn tiếp tục có những kế hoạch đầu tư vào các hạng mục và nền tảng công nghệ, trong đó 94,6% doanh nghiệp tiếp tục chú trọng vào nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông bằng cách đầu tư vào đường truyền internet, cloud hóa, truyền thông hợp nhất, tổng đài ảo… Bên cạnh đó, 85,5% tiếp tục củng cố và quyết liệt đầu tư vào an ninh mạng. Ngày nay, an ninh mạng có thể thực hiện theo phương thức mới là bảo mật ngay từ trong khâu thiết kế. Thay vì tập trung tránh rủi ro theo kiểu bao phủ, doanh nghiệp cần bảo mật từng khâu và hướng đến việc tạo niềm tin vào hệ thống, thiết kế và dữ liệu; đảm bảo khả năng chống chịu và ứng phó với rủi ro hàng ngày cũng như có cách tiếp cận chiến lược; chủ động và thực tế; xem xét các rủi ro và an ninh ngay từ khi bắt đầu và sau tất cả, doanh nghiệp có thể chấp nhận rủi ro một cách dễ dàng hơn nếu có vấn đề xảy ra. Các hạng mục đầu tư liên quan tới tự động hóa quy trình sản xuất - dịch vụ (76,8%); nâng cấp nền tảng kinh doanh trục tuyến (70,9%); thu thập và phân tích dữ liệu lớn (67,9%) hay điện toán đám mây (58,1%) sẽ được các doanh nghiệp quan tâm và chú trọng hơn; điều này được coi là phù hợp với các chương trình chuyển đổi số quốc gia, quá trình nỗ lực nghiên cứu sáng tạo của các công ty công nghệ và nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp. 

Hình 4: Các hạng mục và công nghệ ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi số trong 3-5 năm tới (Đơn vị: %)

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tháng 1-3/2021

Chiến lược 2: Tăng cường đào tạo nguồn lực chất lượng cao và xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp

Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã bắt tay với các tổ chức giáo dục đặt hàng đào tạo, tự mở lớp mời chuyên gia về hướng dẫn, thậm chí lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự từ nước ngoài về làm việc. Theo các dự báo mới nhất từ các tổ chức nghiên cứu, nếu không nhanh chóng có giải pháp tổng thể và bài bản, rất có thể, Việt Nam sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng quá tải của ngành công nghệ thông tin trong việc đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đào tạo được 1.000 chuyên gia chuyển đổi số, 10.000 lượt cán bộ tại các cơ quan nhà nước được đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số, đào tạo 5.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.

Hơn nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động bổ sung nguồn ngân sách nhà nước xây dựng một số bài giảng trực tuyến nhằm chia sẻ kiến thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Chương trình hợp tác với dự án quốc tế USAID LinkSME cũng ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là triển khai các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp. Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, ưu tiên nhóm doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Tuy nhiên, nếu ví các chiến lược là ‘hạt giống’ thì văn hóa doanh nghiệp được xem như là ‘đất’; như vậy hạt giống có thể nảy mầm và phát triển khỏe mạnh hay không phụ thuộc vào chất lượng của mảnh đất. Xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp đã khó, kiến tạo văn hóa số trong doanh nghiệp càng khó hơn. Để xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp cần trải qua ba bước cơ bản: (i) Xác định nhiệm vụ - tầm nhìn – giá trị cốt lõi của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số và đưa chúng vào thực tiễn; (ii) Tuyển dụng đội ngũ nhân viên có đa dạng quan điểm và có thể bổ sung lẫn nhau; và (iii) Sử dụng các công cụ đo lường, đánh giá kết quả như Scoro, Datapine, Base Planning…

Chiến lược 3: Đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và phát triển các nền tảng số để phục vụ khách hàng tốt hơn

Từ năm 2020, các trải nghiệm của khách hàng giờ đây là sự tổng hòa từ phân biệt tên gọi hàng hóa, giá cả tới các hình thức mua sắm online hay offline. Đặc biệt, khi trải qua đại dịch COVID-19, niềm tin và hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, sự tăng trưởng của các kênh thương kinh doanh trực tuyến được thúc đẩy bởi thời gian dãn cách xã hội, sự gia tăng truy cập internet và dân số tương đối trẻ. Kinh doanh trực tuyến được thể hiện qua rất nhiều hình thức như thương mại điện tử (shopee, lazada, tiki..), livestream trên các trang mạng xã hội và các website giải trí (Facebook, Youtube…) và ngày càng được tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến, liên kết với các bên giao nhận…

Tổng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng hơn 2,6 lần trong ba năm qua, vượt 6 tỷ USD vào năm 2020 và các kênh thương mại điện tử nổi bật có thể kể tới Shopee và Lazada (chiếm khoảng 3/4 và 1/4 lưu lượng truy cập web tại Việt Nam). Theo ước tính của Statista, doanh thu này dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ hơn 24 phần trăm hàng năm trong 5 năm tiếp theo, ước đạt 9 tỷ USD.

Khảo sát thị trường lán lẻ 2020 của Vietnam Report đối với nhóm nhu yếu phẩm thiết yếu, trước khi có đại dịch, 3 kênh mua sắm chính của người tiêu dùng là chợ truyền thống (73,5% người lựa chọn), trung tâm thương mại, siêu thị (71,6%), cửa hàng tiện lợi (50,9%); khi có dịch bệnh, 3 kênh được người tiêu dùng lựa chọn là cửa hàng online (59,8%), cửa hàng tiện lợi (54,9%), trung tâm thương mại, siêu thị (50,9%). Nhóm sản phẩm không phải thiết yếu cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến của kênh bán hàng online với 52,9% người được hỏi tăng mua hàng qua ứng dụng trên điện thoại di động (shopee, tiki, chotot...), 34,3% tăng đặt hàng trên điện thoại/ hotline, và có tới 76,24% người giảm đáng kể việc đến trực tiếp cửa hàng mua sắm.

Công nghệ không chạm đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động marketing, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua sử dụng mã QR, hay tích hợp với dịch vụ công nghệ thực tế ảo cho phép người tiêu dùng thử sản phẩm tại nhà, đặc biệt dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, công nghệ không chạm lại càng được chú trọng hơn.

Mặc dù tiền mặt sẽ không bao giờ mất đi hoàn toàn, nhưng nó sẽ giảm dần mức độ phổ biến khi khách hàng tìm kiếm những cách thức mua hàng thuận tiện và linh hoạt hơn. Kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng gần đây của Vietnam Report chỉ ra 60,6% người được hỏi lựa chọn sử dụng tiền mặt trong thanh toán giảm đi; 59,6% người tăng các hình thức thanh toán qua Internet Banking và 57,7% người tăng thanh toán qua ví điện tử. Các nhà kinh doanh cần chủ động tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán dựa trên các ứng dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đầu tư xây dựng website mua hàng trực tuyến của doanh nghiệp không chỉ cần tạo sự thu hút về mặt thị giác (domain, hosting) mà còn cần các khoản đầu tư vào việc đa dạng hóa các giải pháp thanh toán khác nhau như thanh toán truyền thống, thanh toán bằng thẻ (Visa, MasterCard, JCB, Paytm, Kakaopay), thanh toán qua ví điện tử và cổng thanh toán (Momo, ViettelPay, ZaloPay, Payoo, Napas…); nhà cung cấp dịch vụ hậu cần (Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, ViettelPost, XpressBees…) và các dịch vụ đám mây điện toán lượng tử (dựa trên các dịch vụ và giải pháp SaaS, Paas, IaaS…).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể ứng dụng hệ thống CRM vào quản trị thông tin và quan hệ với khách hàng vì hệ thống này không chỉ cho phép doanh nghiệp thu thập dữ liệu hành vi, sở thích đối tượng tiềm năng từ nhiều nền tảng, bộ phận mà còn giúp tổng hợp các đặc tính chung để thiết lập chân dung khách hàng từ đó tìm kiếm những cơ hội mới trong quá trình quảng cáo.

 

Khuyến nghị từ phía các doanh nghiệp

“Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”, ngoài những sự cố gắng nỗ lực và khao khát chuyển đổi số trong chính doanh nghiệp thì sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng cũng chính là động lực để quá trình này diễn ra nhanh hơn, từ đó đóng góp vào sự phát triển của cả nền kinh tế số. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đang rất cố gắng hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs.

Trong khảo sát cộng đồng doanh nghiệp VNR500 và FAST500 của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 các giải pháp về chính sách cấp thiết nhất hiện nay là:

  1. Đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nguồn nhân lực số, tạo nguồn cung dồi dào cho nhu cầu chuyển đổi số;
  2. Đầu tư nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là tốc độ băng thông, an ninh mạng, 5G;
  3. Hỗ trợ các nỗ lực giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn cơ hội, thách thức, và bài học/kinh nghiệm hay mà chuyển đổi số mang lại, đặc biệt thông qua các nền tảng số, báo cáo thường niên, và đánh giá xếp hạng nỗ lực chuyển đổi số theo từng ngành;
  4. Xây dựng chiến lược xúc tiến ứng dụng chuyển đổi số tại Việt Nam với các mục tiêu rõ ràng cần đạt được cho 5 năm tới với một kế hoạch hành động cụ thể, mạch lạc và;
  5. Đưa ra cơ chế tài chính khuyến khích hấp dẫn cho các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số. 

Hình 5: Top 5 khuyến nghị chính sách từ cộng đồng doanh nghiệp VNR500 và FAST500 (Đơn vị: %)

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tháng 1-3/2021

Sau thách thức là cơ hội, sau áp lực là động lực. Sự gắn kết trong nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của các cơ quan chức năng và tầm nhìn dài hạn, sự nhạy bén trong chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm “bứt tốc” chiếm lĩnh thị trường; tất cả những điều này sẽ tạo nên sự cộng hưởng nhằm lan tỏa tinh thần sáng tạo đổi mới tới các khối doanh nghiệp, đem lại những giá trị thật từ công cuộc chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số.

Vietnam Report

Theo VNR500

  




;

Văn bản gốc


;