Hiệp định TPP: Vào mất 5 năm, ra chỉ cần 6 tháng
12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP phải mất 5 năm ròng rã để đàm phán và đi đến lễ ký kết chính thức. Tuy nhiên, muốn rút ra khỏi TPP, chỉ cần 6 tháng làm thủ tục.
TPP là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa 12 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Đối với nước phát triển như Việt Nam, TPP được đánh giá là động lực cho cải cách, phát triển, tạo sự minh bạch, bình đẳng trong nền kinh tế Việt Nam.
Song song với đó, thách thức cũng không phải là ít khi mà các nhà kinh tế cho rằng việc thuế suất giảm dần về 0%, TPP sẽ đe dọa đến nhiều ngành như chăn nuôi, nông sản... Nhiều doanh nghiệp có thể chết khi vào TPP.
Thực tế, ít ai biết rằng: TPP cho phép kết nạp thành viên mới cũng như các thành viên hiện tại có thể rút khỏi Hiệp định.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay, TPP cho phép kết nạp thêm thành viên mới là thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hoặc bất kỳ nước/khu vực thuế quan độc lập nào nếu được các nước TPP đồng ý.
Điều kiện để các nước được vào TPP là phải chấp nhận tuân thủ tất cả các cam kết đã có trong TPP và được tất cả các thành viên TPP chấp nhận.
Còn về việc rút khỏi Hiệp định, Giám đốc Trung tâm WTO cũng cho biết, nước thành viên nào nếu muốn rút khỏi Hiệp định thì chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu (New Zealand), đồng thời thông báo cho tất cả các thành viên khác của Hiệp định về việc rút khỏi này.
Việc rút khỏi sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày gửi thông báo đến New Zealand, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Hiệp định sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực với các thành viên còn lại.
Bên cạnh đó, theo bà Trang, TPP còn cho phép cho phép sửa đổi các nội dụng của Hiệp định.
Theo đó, các nội dung, cam kết trong TPP có thể được sửa đổi, nếu được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các thành viên. Nội dung sửa đổi sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày tất cả các thành viên thông báo đồng ý sửa đổi bằng văn bản cho New Zealand.
Trong trường hợp một cam kết WTO mà TPP dẫn chiếu tới có sửa đổi thì, trừ khi có quy định khác trong Hiệp định, các thành viên sẽ tiến hành tham vấn xem có nên sửa đổi nội dung tương ứng trong Hiệp định hay không.
Trước những nội dụng này, bà Trang cũng lưu ý với doanh nghiệp, việc TPP thêm hoặc bớt thành viên, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh ưu tiên ở nhiều hơn hay ít hơn các thị trường.
Số lượng các nước thành viên TPP cũng ảnh hưởng tới tình hình cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam và các nước TPP.
“Do tính mở của mình, số lượng các thành viên TPP không cố định mà có thể thay đổi theo các thời điểm khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú ý theo dõi TPP có bao nhiêu thành viên, và đó là những nước nào để có kế hoạch kinh doanh phù hợp tận dụng TPP”, bà Trang lưu ý.
Ngày 4/2 vừa qua, Bộ trưởng và Trưởng đoàn đàm phán của 12 nước thành viên lần lượt ký kết hiệp định với sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand.
Để có được lễ ký kết long trọng này, 12 nước thành viên trải qua 5 năm ròng rã, nỗ lực và cố gắng đàm phán. Dự kiến sẽ có hiệu lực vào khoảng năm 2018.
12 quốc gia thành viên của TPP gồm: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
An Nhiên
Theo Trí Thức Trẻ