Tin tức

Trang chủ » » Không dễ để tận dụng ưu đãi từ FTA VN-EAEU

Không dễ để tận dụng ưu đãi từ FTA VN-EAEU

24/10/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN-EAEU) đã có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã được hưởng thuế suất 0%, nhưng để thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn nữa là điều không dễ.

Nhiều ưu đãi, nhưng cần lưu ý cơ chế phòng vệ ngưỡng

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với FTA VN-EAEU, 56% dòng thuế (hàng hóa Việt Nam) xuất khẩu vào EAEU được đưa về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Trong đó, gần như toàn bộ mặt hàng dệt may có thuế suất 15% được đưa về 0% từ ngày 5-10. (EAEU bảo hộ mạnh hàng dệt may sản xuất từ len, bông và sản phẩm cao cấp, nhưng mở cửa đối với mặt hàng dệt may thuộc phân khúc trung bình, giá bình dân). Nhiều mặt hàng giày dép, túi xách có thuế suất 5-10% được về 0% ngay lập tức, trong đó có mặt hàng giày thể thao, giày thể dục vốn là thế mạnh xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam.

Thủy sản từ Việt Nam sang EAEU cũng được giảm thuế ngay lập tức, từ mức 10% xuống còn 0%, trong đó có nhóm hàng thủy sản chế biến. EAEU cũng cam kết cắt giảm 100% dòng thuế đối với sản phẩm nhựa, trong đó 97% sản phẩm đồ gia dụng bằng nhựa sẽ giảm về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, mức thuế suất nhập khẩu đồ gỗ của EAEU cũng sẽ giảm từ mức 15% xuống còn 0%.

Theo FTA VN-EAEU, hàng thủy sản của Việt Nam được giảm thuế ngay lập tức từ 10% xuống 0%. Tuy nhiên, quy định về kiểm định chất lượng lại tương đối chặt chẽ. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Để được hưởng các ưu đãi này, nhìn chung hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ đảm bảo hàm lượng giá trị gia tăng không dưới 40%. Đối với quần áo xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện thực hiện công đoạn cắt may tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết thêm, EAEU cũng quy định chặt chẽ về việc tạm ngưng ưu đãi khi hải quan các nước EAEU phát hiện hàng nhập khẩu gia tăng đột biến từ Việt Nam. Chẳng hạn, nếu lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường này vượt mức sản xuất hiện tại của Việt Nam, EAEU sẽ đặt nghi vấn. Nếu Việt Nam từ chối hỗ trợ xác minh, họ sẽ ngừng ưu đãi. Theo đó, các doanh nghiệp liên quan trong ngành cũng bị ngừng ưu đãi, tức áp dụng cho toàn ngành hàng và các doanh nghiệp liên quan.

Giải thích về cơ chế “phòng vệ ngưỡng” này, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho biết cơ chế này không giống như việc áp dụng hạn ngạch, tức ưu đãi thuế không tự động bị ngưng lại khi xuất khẩu tăng đột biến, hay vượt mức cho phép, mà phải trải qua quá trình kiểm tra thị trường, cảnh báo nội bộ, và áp dụng cơ chế tham vấn cũng như cách tính toán mức độ gia tăng, xác minh thiệt hại giống như biện pháp phòng vệ thương mại (như chống bán phá giá, tự vệ).

Theo Bộ Công Thương, EAEU áp dụng cơ chế “phòng vệ ngưỡng” này đối với các nhóm đồ gỗ Việt Nam đang có thế mạnh như đồ gỗ trong nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách, văn phòng (xuất khẩu sang EAEU dưới dạng hạn mức trong danh mục sẽ được hưởng thuế suất 0%, nếu trên hạn mức sẽ bị điều tra tác động thị trường nội địa và có thể áp dụng mức thuế MFN hiện hành). Do đó, Bộ Công Thương cho rằng doanh nghiệp đồ gỗ vẫn có điều kiện thâm nhập thị trường EAEU, nhưng mức tăng trưởng có thể không cao do bị khống chế bởi cơ chế phòng vệ đặc biệt này.

Hay với hàng dệt may, mức khởi đầu để được hưởng thuế ưu đãi 0% là 1,5 lần khối lượng xuất khẩu trung bình trong ba năm gần đây, nếu vượt quá ngưỡng này thì EAEU sẽ điều tra và quyết định xem có áp dụng thuế MFN hay không. Nếu có thì thời gian áp dụng có thể kéo dài từ 6 tháng. Nếu trong thời gian xem xét ra quyết định áp dụng mà lượng hàng của Việt Nam vượt quá 150% mức “phòng vệ ngưỡng” thì thời gian áp dụng có thể kéo dài thêm ba tháng nữa.

Đối với mặt hàng giày dép, bên cạnh cơ chế “phòng vệ ngưỡng”, EAEU yêu cầu không được phép chia nhỏ lô hàng. Do đó, việc tận dụng lợi thế về ưu đãi thuế sẽ khó khăn vì các hãng giày lớn thường đưa hàng đến các điểm trung chuyển lớn ở châu Âu, từ đó mới phân phối sang EAEU.

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, các rào cản phi thuế quan, như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng... mà EAEU áp dụng với hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam tương đối chặt chẽ.

Chẳng hạn, mức thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng rau củ của Việt Nam thuộc nhóm 0810 sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, nhưng EAEU quy định và thống nhất áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khá cao để bảo hộ sản xuất trong nước.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó giám đốc Văn phòng SPS, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đối với thị trường EAEU, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu mạnh sang thị trường Nga. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thanh tra, kiểm tra đối với thủy sản xuất khẩu sang Nga chưa đạt yêu cầu về tính minh bạch.

Ông Hòa đưa ra dẫn chứng, cách đây vài năm có những doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đăng ký mời đoàn thanh tra đến kiểm tra nhưng những doanh nghiệp này sau đó lại không có tên trong danh sách được cấp phép xuất khẩu sang Nga. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp không thuộc danh sách kiểm tra, nhưng sau đó lại có tên trong danh sách được xuất khẩu sang thị trường này.

“Việc này (thanh tra kiểm tra - PV) không có kế hoạch, gây cản trở cho việc xuất khẩu sang Nga, nên sắp tới Bộ Nông nghiệp Việt Nam phải làm việc chặt chẽ với cơ quan thẩm quyền của Nga cũng như Liên minh Kinh tế Á - Âu để thống nhất nội dung về việc này. Tôi tin là có vấn đề sân sau, đối tác nhập khẩu có thể có quan hệ với cơ quan thẩm quyền (tại Nga - PV). Do đó, phải đảm bảo có thay đổi mới mong thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Nga”, ông Hòa nói tại một hội nghị về đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EAEU do Bộ Công Thương tổ chức hôm 12-10 tại TPHCM.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, hiện nay các thủ tục hải quan, cấp phép để nhập khẩu sang Nga, đặc biệt liên quan đến vấn đề vệ sinh và kiểm dịch động thực vật rất phức tạp, nên doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn ngay từ đầu khi tìm cách vào thị trường này. “Nhiều khách hàng của chúng tôi gặp khó khăn khi tìm kiếm giấy phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này”, ông Lâm cho biết.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp một số khó khăn khác khi thâm nhập thị trường EAEU. Chẳng hạn, chi phí cũng như thời gian vận chuyển hàng hóa (khoảng 25 ngày) từ Việt Nam sang thị trường này cũng rất lớn do chủ yếu bằng đường biển. Hàng hóa từ Việt Nam phải vận chuyển sang các cảng châu Âu rồi từ đó mới vòng lại Nga, hoặc tới cảng Vladivostock rồi đi theo đường xuyên Nga từ Đông sang Tây, nên chi phí vận chuyển lớn hơn so với hàng vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Việc thanh toán chủ yếu vẫn theo phương thức T/T hoặc D/P trả chậm (doanh nghiệp Nga ứng trước 10-20% giá trị hàng hóa, sau khi nhận hàng họ mới chuyển phần còn lại). Tại Nga, chỉ có doanh nghiệp lớn mới dùng phương thức mở L/C (được xem là phương thức thanh toán đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp hai bên - PV), còn doanh nghiệp nhỏ không sử dụng hình thức này vì phí cao.

Hiện BIDV, Ngân hàng liên doanh Việt Nga đã chính thức kết nối kênh thanh toán KFT - kênh thanh toán riêng của ngân hàng Nga, nên doanh nghiệp Việt Nam có thể thanh toán bằng đồng rúp hay đô la Mỹ qua kênh này.

Thu Nguyệt

Theo Saigon Times

  




;

Văn bản gốc


;