Tin tức

Trang chủ » » Kịch bản nào cho Anh nếu quyết định rời EU ?

Kịch bản nào cho Anh nếu quyết định rời EU ?

16/06/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Kịch bản "Brexit" sẽ có tác động thế nào đối với kinh tế Anh và Liên minh châu Âu (EU) vẫn là một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi. Theo các chuyên gia kinh tế Đức, trong ngắn hạn, sự không chắc chắn và bất ổn sẽ là yếu tố chi phối kinh tế Anh và châu Âu nếu kịch bản "Brexit" xảy ra.

Cùng với "Brexit", Anh sẽ mất đi hiệp định thương mại tự do với EU cũng như khả năng (chỉ ở mức khả năng) mất đi sự tiếp cận trực tiếp và tự do đối với thị trường EU, thị trường quan trọng nhất của Anh. Cuối tháng này, người Anh sẽ làm việc mà chưa quốc gia nào thực hiện trước đó - bỏ phiếu có nên rời EU hay không. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Anh vẫn chưa nghiêng hẳn về ý kiến nào cả. Vì thế, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 này rất khó đoán. Sự quản lý không vững chắc, các chính sách ngặt nghèo, các vấn đề toàn cầu như di cư, nhập cư, cùng những vướng mắc trong phát triển kinh tế đã khiến Anh phải cân nhắc. 

Những người ủng hộ rời khỏi EU thì cho rằng các điều luật của khối này đang bóp nghẹt doanh nghiệp Anh. Vì vậy, rời đi sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Họ cũng cho rằng Anh sẽ lấy lại quyền kiểm soát biên giới và hạn chế được người nhập cư. Trong khi đó, những người ủng hộ ở lại - trong đó có cả Chính phủ Anh - thì vẽ ra bức tranh khá u ám nếu rời EU. Họ cho rằng thương mại và đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, châm ngòi cho suy thoái, thất nghiệp, đồng bảng mất giá và giá nhà lao dốc. 

Hai hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s và Standard&Poor’s đều đã cảnh báo sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm của Anh xuống "tiêu cực" nếu người Anh nói "Không" với EU. Các nhà phân tích thị trường tài chính cũng đánh giá cùng với kịch bản "Brexit", đồng bảng Anh sẽ mất giá mạnh, thị trường cổ phiếu London cũng phải gánh chịu những hậu quả lớn. Trên thực tế, trong 6 tháng qua, kể từ khi chủ đề "Brexit" bắt đầu nóng, đồng Bảng đã mất giá khoảng từ 5-16% so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Anh cũng có sự sụt giảm nhất định. Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ rời khỏi EU, những thiệt hại kinh tế ngắn hạn như trên vẫn là chấp nhận được. 

Trong khi đó, các nhà lập pháp Đức cũng đưa ra lời cảnh cáo mạnh mẽ về hậu quả nếu nước Anh rời Liên minh châu Âu. Quốc hội Đức nói rằng nếu nước Anh rời EU thì điều đó sẽ đem lại thảm họa cho nền kinh tế khối. Ông Gunther Krichbaum, thành viên của đảng cầm quyền CDU, Đức nói mất đi thị trường nước Anh sẽ là một thảm họa kinh tế. Ông cũng nói thêm rằng các doanh nhân Anh nên thúc đẩy để nước này tiếp tục ở lại EU. Việc nước Anh rời EU sẽ làm suy yếu khối EU nhưng nó cũng làm suy yếu vị thế của nước Anh trên thế giới. Đến cuối thế kỷ 21, dân số châu Âu sẽ chỉ chiếm 4% dân số toàn thế giới. Chúng ta cần phải sát cánh bên nhau”.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế hiện vẫn còn nhiều bất đồng về những hậu quả dài hạn có thể xảy ra với kinh tế Anh trong trường hợp "Brexit", dù hầu hết các nghiên cứu đều đưa ra dự báo về những hậu quả tiêu cực. Bộ Tài chính Anh đánh giá nếu Anh rời EU, tính đến năm 2030, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ sụt giảm từ 3,8% đến 7,5%. Viện Kinh tế IFO của Đức thậm chí tính toán GDP của Anh đến năm 2030 giảm tới 14%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo mức sụt giảm là 7,7%. Trong khi đó, cơ quan nghiên cứu Open Europe của Anh lại cho rằng sự biến động GDP của Anh khi "Brexit" xảy ra chỉ khoảng từ -2,2% đến 1,6%. Sự khác biệt trong đánh giá giữa các đơn vị nghiên cứu chủ yếu xuất phát từ việc xem xét mức độ tiếp cận khác nhau của Anh với thị trường EU. 

Nhưng không chỉ như cảnh báo của các nước về vị trí của Anh trên trường quốc tế nếu rời khỏi EU, mà nước này cũng sẽ phải chịu thua thiệt không ít về kinh tế. Mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ trở nên xấu đi. Các hãng sản xuất ô tô xem Anh như là cơ sở hoạt động ở Châu Âu sẽ èo uột, kéo theo sự rời bỏ của các bộ phận lớn của ngành công nghiệp, dịch vụ và tài chính. 

Anh rời EU có thể sẽ châm ngòi cho thời kỳ biến động tại châu Âu. EU đang phải đối mặt với khủng hoảng di cư tồi tệ nhất 70 năm qua. Bên cạnh đó là nền kinh tế yếu kém với tỷ lệ thất nghiệp cao. Những người ủng hộ EU đang giảm mạnh. Một nghiên cứu tuần này của Pew Research Center cho thấy khoảng 47% người được khảo sát tại 10 quốc gia thành viên tỏ ra bất mãn với khối này. Lãnh đạo EU cũng lo lắng nếu Anh rời đi, các nước khác có thể sẽ nối gót. Việc này sẽ khiến EU dần tan rã, gây hậu quả lớn cho kinh tế, an ninh và ổn định toàn cầu. Mối đe dọa trực tiếp hơn là Vương quốc Anh có thể tan rã. Lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland đã cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý rời Vương quốc Anh, nếu Anh rời EU. Người Scotland cũng được cho là sẽ bỏ phiếu giữ Anh ở lại EU.

Ngoài ra, Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên của EU.

Nguyễn Hiệp

Tổng hợp

  




Văn bản gốc