Tin tức

Trang chủ » » Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Đón "sóng" 7-Eleven

Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Đón "sóng" 7-Eleven

19/04/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Tờ Huffington Post thống kê: Cứ khoảng hai tiếng, ở một nơi nào đó trên thế giới, lại có một cửa hàng 7-Eleven mới mọc lên. Nhiều người không còn xa lạ với chuỗi cửa hàng tiện lợi được cho là thành công nhất trong lịch sử thế giới 7-Eleven.

Khởi nguồn là một doanh nghiệp sản xuất nước đá, đến nay chuỗi 7-Eleven đã có mặt tại 17 quốc gia trên toàn thế giới với 56.400 cửa hàng, riêng Nhật Bản có hơn 15.000 cửa hàng.

Mỹ đứng thứ hai với 8.116 cửa hàng, theo sau là Thái Lan và Hàn Quốc với khoảng 7.000 cửa hàng mỗi nơi. Sự mở rộng và thâm nhập nhiều thị trường mới còn tiếp tục cho đến hôm nay.

Năm 2007, 7-Eleven còn vượt McDonald’s trở thành chuỗi có số lượng cửa hàng nhiều nhất thế giới. Thậm chí, tờ Huffington Post còn thống kê: Cứ khoảng hai tiếng, ở một nơi nào đó trên thế giới, lại có một cửa hàng 7-Eleven mới mọc lên.

Nói về thành công của 7-Eleven có lẽ cô đọng ở 2 từ "tiện lợi" và "linh hoạt".

Được thành lập bởi một nhân viên công ty nước đá Southland ở Dallas có tên John Jefferson Green. John khi đó chuyên đi bán trứng, sữa, bánh mì nhưng do là các thực phẩm tươi và chưa có tủ lạnh nên người ta luôn phải chứa các sản phẩm này trong thùng đá. Nhận thấy khó khăn này, anh đã nảy ra ý tưởng về những cửa hàng đặt ở những vị trí thuận tiện, bán những mặt hàng không để quá lâu nếu không được giữ lạnh.

Sau đó, John đã mua lại công ty sản xuất nước đá và thành lập nên cửa hàng có tên Tote’m Store một phần có ý nghĩa là khách hàng đến mua và mang đi (toted away) tuy nhiên sau đó nó được đổi tên thành 7-Eleven vào năm 1946 khi cửa hàng mới được mở cửa 7h-23h.

Đến mãi năm 1962, nắm bắt được xu hướng mua hàng 24/7 của người tiêu dùng, toàn bộ hệ thống 7-Eleven đã chuyển sang phục vụ 24/7.

Ngoài ra, điểm đặc biệt của 7-Eleven là không phải cửa hàng nào cũng giống nhau. Nếu như ở Mỹ, 7-Eleven hơi giống các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini khác, ngoại trừ việc họ có thứ đồ uống Slurpee tuyệt ngon thì ở những nơi khác, đặc biệt châu Á, 7-Eleven đã trở thành một phần của cuộc sống.

Ở Indonesia, 7-Eleven giống như một quán cà phê quen thuộc với 65% khách hàng dưới độ tuổi 30. Các cửa hàng cung cấp wifi miễn phí, bàn ghế để ngồi cả bên trong và bên ngoài, và thường có cả “nhạc sống”. Giới trẻ tụ tập hàng đêm, sau những giờ học và làm việc căng thẳng.

Với người Đài Loan, 7-Eleven thậm chí còn phổ biến hơn cả Starbucks với người Texas. Tại Đài Bắc, có 4.400 địa điểm cho một thành phố 23 triệu người, với nhiều phố thậm chí còn có trên hai cửa hàng.

Cuối cùng, để tạo sự khác biệt, 7-Eleven đã cho ra đời một món đồ uống riêng, đặc trưng của cửa hàng mình đó là nước uống Slurpee - sau này trở thành biểu tượng của chuỗi cửa hàng này.

Vào cuối những năm 1950, các cửa hàng này hay bán chai đồ uống soda lạnh, nhưng khi ấy máy làm soda bị hỏng, các chai soda này được đặt vào tủ lạnh để làm lạnh và khi lấy ra, người ta thấy nước trong chai sô da này có dạng xốp xốp, uống nghe kêu lạo xạo, món đồ uống này trở nên rất đắt khách.

Loại đồ uống này sau đó được đặt tên là Slurpee – mô phỏng lại âm thanh hút lạo xạo khi uống đồ uống đông lạnh đặc biệt này. Kể từ năm 2002, mỗi năm, 7-Eleven đều tặng miễn phí hàng triệu lít Slurpee vào ngày 7/11 để kỷ niệm sinh nhật của công ty. Điều này khiến các khách hàng quen thuộc của Slurpee rất phấn khích. Sẽ là không quá nếu nói Slurpee chính là một nhân tố thu hút khách hàng đến với 7-Eleven.

Dù khởi nguồn tại Mỹ nhưng 7-Eleven lại đạt được thành công đặc biệt ở khu vực châu Á. Lý giải cho thành công này, chuyên gia phân tích của Monitor Group cho biết: 7-Eleven có những đối tác địa phương rất tuyệt vời, những người hiểu rất rõ thị trường địa phương và cách để thu hút người dân bản địa.

Hiện tại ở khu vực Đông Nam Á, 7-Eleven đã "phủ sóng" tới Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia nhưng chưa xuất hiện tại Việt Nam.

Chuẩn bị tấn công thị trường Việt Nam?

Cũng đã có rất nhiều thông tin đồn đoán mà gần nhất là vào tháng 8/2015 khi tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin tập đoàn Seven & Holdings đang có kế hoạch mở cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2017.

Theo đó, tập đoàn Công ty con của Seven & i Holdings tại Mỹ là 7- Eleven đã ký thỏa thuận cấp phép (licensing agreement) với Seven System Vietnam và 7-Eleven sẽ mang những kinh nghiệm điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất Nhật Bản đến Việt Nam.

Trước đó, vào giữa năm 2013 cũng đã có thông tin chủ đầu tư - Tập đoàn CP All (Thái Lan) sẽ triển khai mô hình đầu tư trực tiếp chuỗi cửa hàng 7-Eleven trước khi nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Nhưng thông tin này sau đó nhanh chóng bị xóa bỏ khi không có động thái nào trở thành hiện thực.

Nếu việc 7-Eleven gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2017 là thật thì đối thủ đáng gờm nhất của họ có lẽ là Vinmart .Tính đến hết năm 2015, Vinmart đã có tới 650 điểm bán trên toàn quốc, trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, con số này sẽ tăng lên thành 3.000.

Cũng giống như 7-Eleven, Vinmart tìm ra cho mình một điểm riêng độc đáo. Không giống những cửa hàng thông thường, ngoài cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng và thực phẩm ăn nhanh như các mô hình cửa hàng tiện ích khác, Vinmart còn phục vụ mặt hàng tươi sống, rau củ quả Đà Lạt và đặc biệt là độc quyền kinh doanh rau sạch thương hiệu VinEco của chính tập đoàn này.

Ngoài Vinmart , thị trường bán lẻ Việt Nam mà đặc biệt là phân khúc cửa hàng tiện lợi còn xuất hiện nhiều cái tên khác bao gồm Ministop, Circle K, B's Mart... Nhìn chung cuộc chơi trong thị trường bán lẻ thời gian tới ở Việt Nam sẽ đầy hứa hẹn và hấp dẫn.

Theo Trí Thức Trẻ 

  




Văn bản gốc