Kinh doanh hạ tầng tăng "nóng"
Nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã bắt đầu chọn các khu công nghiệp (KCN) tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở kinh doanh để đón đầu những lợi ích kinh tế mà TPP mang lại.
Ồ ạt dòng chảy vốn ngoại
Theo thống kê của Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCN - KCX) TP.HCM (Hepza), từ đầu năm 2016 đến nay các KCX - KCNtại địa phương đón nhận luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá lớn. Cụ thể, trong 128 triệu USD vốn đầu tư thu hút được vào các KCX - KCN hai tháng đầu năm, khối FDI chiếm khoảng 80 triệu USD, số còn lại thuộc về các công ty nội. Với số lượng vốn ngoại khá lớn như trên, theo Hepza, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCX - KCN tại TP.HCM đạt khoảng 80%. Trong số 17 KCX - KCN hiện hữu tại địa phương chỉ còn các KCN như: Cơ khí ô tô, Tân Phú Trung, An Hạ và Hiệp Phước (giai đoạn 2) là có tỷ lệ đất cho thuê còn tương đối nhiều, các khu còn lại chỉ còn khoảng 15% đất chưa có nhà đầu tư thuê lại.
Tương tự, tại Bình Dương và Đồng Nai tình hình cũng diễn ra khá thuận lợi. Những thống kê của tỉnh Bình Dương cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, tỉnh này đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư trên 680 triệu USD. Các nhà đầu tư sau khi đăng ký tăng vốn đã tích cực thuê đất mở rộng xây dựng nhiều nhà máy mới với trị giá hàng chục triệu USD tại các KCN lớn như Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Nam Tân Uyên…
Trong khi đó, tại Đồng Nai, đến hết ngày 18/3 tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án FDI đạt khoảng 488 triệu USD (tăng 311% so với cùng kỳ năm 2015). Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tập trung vào các KCN tại khu vực TP. Biên Hòa mà mở rộng thuê đất, đầu tư nhiều nhà máy, kho xưởng lớn tại các KCN mới như Long Đức, Long Thành, Bàu Xéo...
Quan sát thực tế cho thấy, việc các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào các KCN tại TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam thực ra đã bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng giữa năm 2015. Nhất là sau thời điểm tháng 10/2015, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết chính thức thì hàng loạt các nhà đầu tư đến từ Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã bắt đầu bỏ vốn mạnh vào các KCN ở các địa phương Đông và Tây Nam bộ.
Riêng tại TP.HCM, thậm chí các nhà đầu tư còn kỳ vọng xây dựng một Thung lũng Silicon theo mô hình của Hoa Kỳ tại KCN cao (quận 9) hướng đến thu hút khoảng 20 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
“Chúng tôi chọn địa điểm này để đầu tư vì tận dụng được những cơ hội mang lại từ quá trình Việt Nam đang là một mắc xích quan trọng trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Chúng tôi đang quan tâm đến hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được đầu tư tại khu vực phía Nam, đặc biệt là Dự án sân bay quốc tế Long Thành, các cảng biển nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải...”, ông Somhatai Panichewa, Chủ tịch Công ty TNHH Amata Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty CP Amata Việt Nam JSC, cho biết.
Lãi lớn, DN hạ tầng đổi cách đầu tư
Kết thúc quý I/2016, qua kết quả kinh doanh của 5 DN kinh doanh hạ tầng KCN đang niêm yết trên các sàn chứng khoán cho thấy bức tranh lợi nhuận của nhóm DN này là hết sức khả quan.
Theo đó, CTCP Long Hậu (Long An) báo cáo doanh thu quý I/2016 của họ tăng 10,67 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cho thuê đất KCN chiếm 6,69 tỷ đồng (62,6%). Lợi nhuận sau thuế của DN tăng 20,33 tỷ đồng, gấp gần 20 lần so với con số 0,51 tỷ đồng vào cùng kỳ 2015. Trong khi đó, CTCP Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) báo cáo tổng doanh thu quý I/2016 của DN trên 46,23 tỷ đồng, trong đó phần đóng góp từ doanh thu cho thuê hạ tầng KCN chiếm 18,54 tỷ đồng (40,1%).
Ở phía Bắc, CTCP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc báo cáo doanh thu quý I/2016 của mình đạt 33 tỷ đồng, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ diện tích cho thuê ký hợp đồng mới tăng thêm gần 70%. Cá biệt có CTCP XNK Dịch vụ & Đầu tư Tân Bình, mặc dù có sự sụt giảm về doanh thu nhưng nhờ tiết kiệm chi phí cũng có mức lãi tăng gần 12% so với quý I/2015.
Với mục tiêu gia tăng doanh thu và lợi nhuận của các DN đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng KCN như trình bày ở trên, giới phân tích bình luận rằng, trong năm nay sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN nhóm này với nhau nhằm đưa ra các cách thức thu hút vốn đầu tư từ các DN FDI.
Theo đó, thay vì chỉ tập trung vào hoạt động cho thuê lại đất KCN như các năm trước đây, các DN sẽ chủ động tự bỏ tiền ra đầu tư xây dựng các khu nhà xưởng, văn phòng, mặt bằng bán lẻ, căn hộ dịch vụ và cả các dự án nhà ở chung cư hoàn chỉnh để phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu. Xu hướng này cũng được Hepza thừa nhận sẽ là xu hướng chủ đạo trong vòng 1-2 năm tới nếu TPP chính thức đi vào thực thi. Bởi hiện nay, tại khu vực các KCX – KCN phát triển mạnh nhất là TP.HCM đã bắt đầu manh nha những KCN mang tính chuyên biệt cho từng khối nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Yoshinori Yasumi – Tổng giám đốc Công ty Viet - Pan Industrial Park Co., Ltd. cho biết với lợi thế nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp hơn các nước khác trong khu vực, lựa chọn đầu tư vào thị trường Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của các DN Nhật Bản. Trong giai đoạn thâm nhập thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh, để có thể nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí và thời gian thi công nhà xưởng, đa phần các nhà đầu tư có nhu cầu thuê nhà xưởng xây sẵn hoặc kho bãi có sẵn, một cửa thực hiện thủ tục đầu tư và xây dựng.
Thu Thủy
Tổng hợp