Góc nhìn Chuyên gia

Trang chủ » » Kinh tế Việt Nam đứng trước thương mại toàn cầu đang thay đổi: Cơ hội hay thách thức?

Kinh tế Việt Nam đứng trước thương mại toàn cầu đang thay đổi: Cơ hội hay thách thức?

01/04/2019

Xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, điều này có thể là cơ hội, cũng có thể là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Sự chuyển dịch của toàn cầu hoá sẽ tác động rất nhiều đến Việt Nam là một nền kinh tế mở với xuất nhập khẩu ở mức độ cao”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định trong buổi phỏng vấn với Vietnam Report.

Xin Bà cho biết những triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và trong trung hạn?

Trong năm 2019 cũng như trung hạn, Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tương đối cao. Đợt duy trì này một mặt sẽ thúc đẩy các công cuộc cải cách thể chế cần thiết, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh, tận dụng những cơ hội mới của các FTA mới cho Việt Nam, đồng thời theo dõi liên tục các bối cảnh bên ngoài để vượt qua những thách thức, những biến động kinh tế toàn cầu trên thế giới hiện nay cũng như nắm bắt được những cơ hội mới có thể mang lại cho Việt Nam.

Về tiềm lực tăng trưởng của Việt Nam, tôi cho là vẫn còn, chúng ta không còn dựa được vào lao động giá rẻ, vào tài nguyên thiên nhiên hay dựa vào chủ yếu doanh nghiệp nhà nước như trước đây, mà sẽ phải chuyển mạnh sang tận dụng những động lực mới thúc đẩy để có cơ hội phát huy vai trò của nó, từ đấy làm cho Việt Nam sẽ tăng trưởng dựa trên mô hình mới, và dựa vào năng suất lao động là chủ yếu, năng suất lao động sẽ được cải thiện và tăng lên mạnh mẽ nhờ những nhân tố như cải cách thể chế, tại môi trường thuận lợi cho các khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy họ tăng năng suất lên.

Ngoài ra, cần phải nhắc đến ứng dụng công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình cải thiện nguồn nhân lực của Việt Nam để từ lợi thế của nhân lực giá rẻ, dồi dào chuyển sang thành lợi thế thành nhân lực dồi dào những có kỹ năng, có chất lượng tốt và có thể thích ứng được với điều kiện mới. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì Việt Nam thực sự sẽ tiếp tục có được những động lực để tăng trưởng trong những năm tới. Thậm chí những động lực mới này sẽ còn mang lại cho Việt Nam sự tăng trưởng vừa cao về tốc độ , vừa có chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn so với trước đây.

Trong điều kiện tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển, theo Bà, Việt Nam cần làm những gì để tận dụng cơ hội này?

Về mặt thương mại toàn cầu, nhờ có việc tham gia rất tích cực và tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu, Việt Nam đã thực sự gặt hái được nhiều thành công. Một trong những chỉ số rõ rệt nhất Việt Nam hiện hay được coi là một trong năm nền kinh tế mở nhất thế giới, với sản lượng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cộng lại cao hơn 200% so với GDP.

Tuy nhiên, cũng phải nói trong những  năm vừa qua chúng ta còn có những lĩnh vực cũng chưa thực sự tận dụng được hết điều kiện của tự do hoá thương mại bên ngoài, tôi cho rằng mấu chốt ở chỗ chúng ta sẵn sàng tự do hoá thương mại ở bên ngoài nhiều nhưng chưa sẵn sàng và chưa thực sự thực hiện tự do hoá bên trong. Ở trong nước chúng ta vẫn còn rất nhiều rào cản, trói buộc các doanh nghiệp của chúng ta, vì vậy cho nên cơ hội tự do hoá mà Việt Nam có trong các cam kết bên ngoài nhiều khi lại rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi nhiều hơn, FDI đóng góp 72% xuất khẩu của Việt Nam, rõ ràng họ tận dụng thị trường bên ngoài tốt hơn Việt Nam, nhập khẩu của họ vào Việt Nam cũng tăng lên rất mạnh mẽ.

Tôi  nghĩ có nhiều cái chúng ta chưa tận dụng được điều kiện tự do hoá, về tự do hoá bên trong. Vì vậy cho nên nội lực của Việt Nam chưa mạnh, mà tất cả lợi ích lại dồn quá nhiều và đầu tư bên ngoài thì càng làm cho trong nước yếu hơn. Đấy là khía quan trọng nhất về phía thương mại.

Còn về cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đã và đang nói đến rất nhiều. Trong những năm gần đây, các nghị định, các văn bản của nhà nước để đưa ra những chính sách mới, khuyến khích và ban hành rất nhiều. Nhưng thực thi các chính sách đó mới là vấn đề, muốn tận dụng được cách mạng công nghiệp 4.0, muốn cho các doanh nghiệp ứng dụng được công nghệ, thực sự khuyến khích người ta phát triển dựa vào công nghệ thì phải tạo điều kiện cho người ta phát triển.

Bước sang năm 2019, cơ hội và thách thức nào đang chờ đón kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng?

Bối cảnh 2019 của toàn cầu đó là chúng ta đều đang chứng kiến sự thay đổi rất mạnh về tính chất của toàn cầu hoá. Thách thức toàn cầu hoá bây giờ đã khác đi rất nhiều rồi. Ví dụ như xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa quốc gia này với quốc gia khác nữa. Chính vì vậy tôi cho rằng thách thức thương mại toàn cầu rất thay đổi.

Các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu cũng đang bị phá vỡ liên tục hình thành những chuỗi mới, những liên kết mới. Khi một số nước vượt lên về công nghệ và có một số nới không thực hiện được thì luồng đầu tư sẽ chạy về những nơi tốt hơn, không còn lấy tiêu chí lao động giá rẻ để đầu tư như trước nữa. Chẳng hạn như những ngành dệt may, da giày, những ngành lao động giá rẻ thì trong tương lai sẽ rất khó có thể phát triển được.

Sự chuyển dịch của toàn cầu hoá sẽ tác động rất nhiều đến Việt Nam là một nền kinh tế mở với xuất nhập khẩu ở mức độ cao. Sẽ có thể ở thị trường một số mặt hàng sẽ không được thuận lợi như trước, phải chấp nhận sức ép cạnh tranh nhiều hơn.. Một khía cạnh khác nữa của toàn cầu hoá là xung đột thương mại Mỹ - Trung vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức cho Việt Nam. Năm 2019 có thể thấy rõ hơn những cơ hội thách thức đó, có một số mặt hàng Trung Quốc nếu như không đàm phán được tiếp thành công với Mỹ để giảm thuế xuống thì họ sẽ khó cạnh tranh trong xuất khẩu, và Việt Nam có sản phẩm tương tự nâng cấp được lên có thể tranh phần thị trường của họ.

Về thách thức khi Trung Quốc họ bị hạn chế nhất định ở thị trường Mỹ họ sẽ tìm kiếm thị trường mới, và Việt Nam có thể là thị trường họ nhằm vào, họ chuyển vào để chiếm thị trường để giảm tải bớt gánh nặng về xuất khẩu, hay họ dịch chuyển đầu tư của họ sang đây, cái đó sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn.

Xin cm ơn Bà!

Thu Thuỷ

Vietnam Report

  




;

Văn bản gốc


;