Chúng ta cần phải tìm cách phát triển nền công nghiệp độc lập và tự chủ như phương châm “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và cho người Việt Nam sử dụng”, song cũng không thể và không nên đi “một mình một đường”.
Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tổ chức hôm 09/05 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lý giải: “Make in Vietnam” tức là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất tại Việt Nam; còn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thì tuyên bố, nếu cứ tập trung gia công, lắp ráp thì Việt Nam rất khó đạt được giấc mơ giàu mạnh lẫn duy trì nền hòa bình dài lâu.
Muốn đi xa phải có nền tảng
Tham khảo từ bài học của Đài Loan, Trung Quốc … có lẽ Việt Nam không nên xem nhẹ vai trò của hoạt động gia công, lắp ráp, tức làm thuê. Mấu chốt ở đây là hãy trở thành những người làm thuê chuyên nghiệp, trình độ cao, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu từ các khách hàng khó tính nhất và giành lấy thị phần lớn của thế giới. Như Đài Loan, cũng đi lên từ gia công, lắp ráp, nhưng hòn đảo này đang có những nhà thầu OEM (sản xuất thiết bị gốc) và ODM (thiết kế sản phẩm gốc) lớn nhất thế giới – các mắt xích quan trọng mà nếu thiếu họ, toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ chao đảo. Chẳng hạn, nếu nhà máy của Foxconn tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) và xưởng đúc bán dẫn (fab) của TSMC tại Tân Trúc (Đài Loan) ngừng hoạt động, Apple và nhiều thương hiệu công nghệ khác có thể sẽ không có hàng để bán.
Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt cùng rào cản gia nhập thị trường lớn như hôm nay, việc đứng sau các tay chơi khổng lồ chưa hẳn là đã không có giá trị, bởi nơi đó dẫu sao vẫn chịu ít rủi ro hơn, bên cạnh cơ hội tích lũy các nguồn lực và nhất là tri thức (know-how) để một ngày vươn lên làm chủ (như bài học Foxconn mua lại Sharp năm 2016). Ngược lại, Việt Nam mặc dù đã mời gọi được một vài tên tuổi lớn đến đầu tư, bao gồm cả Intel, Samsung (hay Apple cũng đang cân nhắc), nhưng thực tế mới chỉ dừng lại ở những công đoạn có giá trị gia tăng rất thấp, chưa thể hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng lẫn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh.
Hiển nhiên, chúng ta sẽ cần phải tìm cách để trở nên độc lập và tự chủ, như phương châm “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và cho người Việt Nam sử dụng”, song cũng không thể và không nên đi “một mình một đường”, tức phải luôn bám sát các chuẩn mực và xu hướng của thế giới. Như trường hợp của Facebook, Google, Apple, triết lý của họ có thể là “sáng tạo tại Mỹ, thiết kế tại Mỹ, Mỹ làm chủ công nghệ và phục vụ người dùng toàn thế giới, mặc dù có thể lắp ráp tại Trung Quốc, bởi một nhà thầu Đài Loan.” Mặc dù Việt Nam chưa thể và cũng rất khó có được những doanh nghiệp sáng tạo theo đúng nghĩa như thế, nhưng chúng ta vẫn có khá nhiều tiềm năng lẫn thế mạnh đặc thù, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường,… những thứ nên được tích hợp vào cùng ưu tiên phát triển công nghệ. Quan trọng hơn cả, Việt Nam cần sớm tìm cách hội nhập sâu lẫn xác lập ảnh hưởng vững chắc trong chuỗi cung ứng và giá trị cao toàn cầu – chiến lược mà hiện chỉ một số ít doanh nghiệp nội như Mỹ Lan hay Minh Long làm được, dù không có hậu thuẫn, bảo lãnh từ phía nhà nước.
Không thể trì hoãn cải cách
Make in Vietnam, một phần có lẽ đã được truyền cảm hứng từ “Make in India” – sáng kiến do Chính phủ Ấn Độ phát động từ tháng 9/2014, nhằm khuyến khích các công ty nước ngoài tăng cường đầu tư tại nước này. Chính đương kim Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã từng đích thân kêu gọi trên các diễn đàn: “Hãy đến và sản xuất tại Ấn Độ. Bạn có thể bán hàng ở bất kỳ nước nào trên thế giới, nhưng hãy sản xuất tại đây. Chúng tôi có kỹ năng, tài năng, kỷ luật để thực hiện điều đó”. Ông Modi quả thực đã không hề nói quá, khi Ấn Độ đang sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, phần lớn được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, dễ dàng thích nghi với công việc (không tốn quá nhiều công để đào tạo lại, hoặc phải mò mẫm trong quá trình thực tiễn), kỹ năng cao và nói tiếng Anh tốt. Bởi thế mà kỹ sư CNTT Ấn Độ từ lâu đã nổi tiếng thế giới, hay Sundar Pichai – CEO hiện giờ của Google – cũng là một sản phẩm của nền giáo dục Ấn Độ (để so sánh, Intel đã phải rất vất vả mới tuyển đủ nhân lực vận hành nhà máy đóng gói và kiểm thử chip ở TP. HCM). Chưa kể, nước này còn đang có một thị trường 1,3 tỷ dân cực kỳ hấp dẫn (chỉ sau Trung Quốc, nhưng trẻ trung hơn và sắp vượt mặt). Bên cạnh sự quan tâm đầu tư đúng mực cho các đại học và viện nghiên cứu đẳng cấp, nền kinh tế Ấn Độ cũng luôn bám rất sát các nguyên tắc của “thị trường tự do” khi nhà nước ít can thiệp, chỉ đóng vai trò hậu thuẫn và xác lập luật lệ, cho nên đã nhanh chóng thu được quả ngọt (hàng trăm tỷ USD cam kết đầu tư mới) nhờ “Make in India”.
Từ lâu, giới kinh tế cũng đã phát triển một trường phái lý thuyết tăng trưởng mới (new growth theory), nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do: sáng tạo, kinh doanh và chính trị – tức sự hoàn thiện và sức mạnh của thể chế. Do đó, để khuyến khích tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, Việt Nam không thể lơ là và xem nhẹ đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ, đồng thời cần có chính sách ưu đãi về thuế, bảo hộ trí tuệ lẫn thị trường cho doanh nghiệp, … không thể để người chơi mãi tự mò mẫm, bươn chải hay “ngụp lặn” trong quá nhiều khó khăn, chủ yếu do những lỗ hổng và bất bình đẳng trong chính sách. Sau hơn 30 năm Đổi mới, cả nước đang có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, nhưng phần đông đều nhỏ yếu, phát triển èo uột, thiếu định hướng sáng tạo và chậm đổi mới. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2018 đã có gần 48% doanh nghiệp tư nhân báo cáo lỗ; và khoảng 90.000 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoặc chấm dứt hoạt động. Sở dĩ có điều này, một phần cũng do những bất cập, khi hai khối quốc doanh và đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang nhận quá nhiều ưu đãi so với khu vực tư nhân. Thiết nghĩ, chưa cần phát động ‘Make in Vietnam’, chỉ cần đảm bảo mọi doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng, nhất định họ sẽ vươn lên trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế đi tới thịnh vượng.
Sau cùng, mặc dù đang có gần 5 triệu người Việt (hoặc gốc Việt) sinh sống và làm việc tại hải ngoại, bao gồm khá đông trí thức, kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật công nghệ, song môi trường làm việc còn chưa thực sự “minh bạch, cởi mở” và còn “nhiều rủi ro” ở Việt Nam đã không đủ để hấp dẫn tầng lớp này tự tìm về. Ngay cả nhiều sinh viên trong nước được gửi ra ngoài du học, phần đông cũng thường tìm cách ở lại và chẳng mấy thiết tha với lý tưởng “cống hiến cho quê hương”. Vì vậy, để huy động nguồn lực quý giá này, Việt Nam bắt buộc phải có chiến lược đúng đắn, bài bản và thực tâm. Nếu như Đài Loan đã cất cánh và hóa rồng sau thập niên 1980 nhờ làn sóng người trở về (the returners) hướng tới các nhân tài, chuyên gia kỹ thuật gốc Hoa (chủ yếu ở thung lũng Silicon); Trung Quốc sau này cũng rất thành công với chiến lược tương tự; thì chúng ta thật sự đã không hề làm tốt, dẫn tới nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, nếu không vị thế của đất nước chắc chắn đã rất khác, chí ít là trong một số lĩnh vực – như tâm sự trong cuốn Hồi ức tuổi 80 của GS. Đặng Lương Mô (tốt nghiệp khóa đào tạo kỹ thuật điện – điện tử đầu tiên của Đại học Tokyo, nguyên Viện trưởng Trung tâm quốc gia kỹ thuật Phú Thọ tại Sài Gòn trước năm 1975 – tiền thân của Đại học Bách khoa TP. HCM, người Việt đầu tiên được phong giáo sư thực thụ (full professor) tại một đại học của Nhật Bản và có nhiều năm cống hiến cho tập đoàn Toshiba (đại gia hàng đầu thế giới về bán dẫn).
Hải Đăng
Tổng hợp