Tin tức

Trang chủ » » Năm mới, xem tuổi sếp DN lớn nhất Việt Nam...

Năm mới, xem tuổi sếp DN lớn nhất Việt Nam...

29/07/2015

Chuyên mục: Tin tức In trang

Hơn 73% CEO doanh nghiệp lớn thuộc thế hệ lão làng 6x, 5x.

Phân tích về tuổi theo can chi của các CEO trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014 thì CEO doanh nghiệp lớn sinh năm Mậu Tuất (1958), Kỷ Hợi (1959) và Canh Tý (1960) là đông nhất. Đây là những CEO “lão làng” nhưng cũng đã bước vào độ tuổi nghỉ hưu, do đó đã đến lúc các lãnh đạo cần nghĩ tới việc tìm kiếm thế hệ kế cận thay thế.

{keywords}

Hình 1: Thống kê về tuổi theo can chi của các CEO doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014. Nguồn: Vietnam Report

Thống kê về độ tuổi của CEO, 41,5% số CEO lãnh đạo các doanh nghiệp VNR500 có độ tuổi nằm trong khoảng từ 46 đến 55 tuổi (là các CEO thuộc thế hệ 6x), kế đến là CEO thế hệ 5x (trên 56 tuổi) với tỷ lệ 31,7%. Thế hệ trẻ 8x có ít CEO nhất với 0,8%. Có thể thấy, phần đông CEO doanh nghiệp lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014 đến từ thế hệ 6x và 5x. Nếu 6x và 5x có lợi thế là kinh nghiệm và sự từng trải trong kinh doanh cũng như trong điều hành doanh nghiệp, thì 7x, 8x lại là thế hệ được học tập trong môi trường tốt hơn, ra trường vào những năm 80 sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin và công nghệ mới, có cơ hội giao thương quốc tế và không bị ràng buộc bởi rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, thế hệ trẻ này lại thiếu kỹ năng lãnh đạo cần thiết để trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí điều hành cao cấp trong doanh nghiệp. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là, khi thế hệ 5x và 6x “nhường ghế”, liệu 7x và 8x có đủ tự tin trở thành những người lãnh đạo kế cận?

{keywords}

Hình 2: Cơ cấu CEO doanh nghiệp lớn theo độ tuổi trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014. Nguồn: Vietnam Report

Câu chuyện “Những bữa tối tìm lãnh đạo kế cận của Goldman Sachs” là một ví dụ điển hình cho thấy để tìm ra được người lãnh đạo kế cận cần cả một quá trình lựa chọn kỹ lưỡng tốn rất nhiều thời gian. Goldman đã tiến hành bồi dưỡng nhân tài tốt nhất, sáng giá nhất trong nhiều năm, và qua những bữa tối, Lloyd Blankfein, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Goldman Sachs đã tạo cơ hội cho các lãnh đạo trẻ thế hiện phẩm chất cá nhân và quan điểm về các vấn đề quan trọng đối với Ngân hàng, đồng thời cũng là cách giúp ông tìm kiếm những tài năng thực sự để trở thành ứng viên cho vị trí điều hành cao hơn.

Rõ ràng, đến một lúc nào đó, thế hệ điều hành trẻ mới sẽ phải tiếp quản công việc của các đàn anh đi trước, do đó việc liên tục trau dồi bản thân và học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành từ thế hệ đi trước là vô cùng cần thiết. Với các doanh nghiệp Việt, cần bỏ qua tư tưởng “con vua rồi lại làm vua” để lựa chọn đúng lãnh đạo kế cận tài năng và tâm huyết, từ đó giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai

Gần 53% doanh nghiệp lớn được thành lập sau năm 2000

Câu chuyện về “tuổi” của doanh nghiệp VNR500 dường như có phần trái ngược với tuổi CEO. Gần 53% số doanh nghiệp đều mới đi vào hoạt động trong vòng không quá 15 năm trở lại đây (thành lập từ năm 2000 đến năm 2012). Mặc dù có số năm hoạt động không nhiều, nhưng với việc ghi danh mình trên Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014, các doanh nghiệp này có quyền tự hào về những thành tích kinh doanh đã đạt được trong thời gian qua.

{keywords}

Hình 3: Cơ cấu doanh nghiệp lớn theo số năm hoạt động trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014. Nguồn: Vietnam Report

Năm Mùi nói chuyện tuổi Mùi, nếu soi riêng các “doanh nghiệp tuổi Mùi”, thì số lượng doanh nghiệp được thành lập vào các năm 1955, 1967, 1979, 1991, 2003 (năm Mùi) chiếm 8,1% số doanh nghiệp toàn Bảng với phần lớn là doanh nghiệp trong nước (hơn 66% là doanh nghiệp tư nhân và 26% là doanh nghiệp nhà nước). Xét về ngành nghề, doanh nghiệp tuổi Mùi chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm ngành thực phẩm – đồ uống, khoáng sản – xăng dầu, hóa chất…

{keywords}

Hình 4: Cơ cấu tuổi của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014. Nguồn: Vietnam Report

Trong số đó, khoảng 83% doanh nghiệp được thành lập vào năm 1991 và 2003 là minh chứng cho sự năng động và nhạy bén trong kinh doanh của các doanh nghiệp trẻ. Có thể kể tên một số doanh nghiệp tuổi Mùi trẻ tiêu biểu trong BXH VNR500 năm nay như: Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ – TNHH MTV (hạng 39), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (hạng 48), Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (hạng 49).

Năm 2015 – năm Ất Mùi – năm của Dê Vàng. Trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, dê nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Mùi – một chi quan trọng mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Mùi kéo dài từ 13 đến 15 giờ, thời gian mở đầu buổi chiều khi con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới (giờ Mùi là thuộc dê bởi sau khi cỏ lá bị dê ăn thì vào giờ này cũng có sức tái sinh mạnh nhất). Với quan điểm đó, hi vọng trong năm 2015, các doanh nghiệp Việt sẽ tự tin bước vào một giai đoạn kinh doanh đầy triển vọng và tạo được cho mình bước đà quan trọng để tăng trưởng trong tương lai.

Một số CEO doanh nghiệp VNR500 sinh năm Mùi

Ông Nguyễn Thành Duy – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC)

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thành Duy, với nhiệm vụ được giao là quản lý vận hành lưới điện đến cấp 110kV, kinh doanh bán điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển với những những bước phát triển vượt bậctrong mọi hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Từ lúc chỉ có 2,5% số hộ dân có điện vào 5/1975, tiêu thụ sản lượng điện khoảng 1,25 tỉ kWh, đến nay tỷ lệ số hộ dân có điện trên địa bàn EVN SPC quản lý đã là 98,7% và sản lượng điện thương phẩm là 44 tỉ kWh.

Ông Phạm Tiến Dũng – Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí

Gia nhập ngành dầu khí từ năm 1992, Ông Phạm Tiến Dũng đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành trong đó hơn 9 năm làm chuyên gia kỹ thuật tại các công ty dầu khí đa quốc gia, uy tín trên thế giới. Ông Dũng là người đã xây dựng và phát triển thành công dịch vụ xưởng cơ khí cho PTSC Offshore – tiền thân của PV Drilling. Ông cũng là một trong những người gắn bó với PV Drilling từ những ngày đầu thành lập và chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp các giàn khoan của Tổng Công ty trong thời gian là Giám đốc Xí nghiệp Điều hành khoan. Ông Dũng hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám Đốc PV Drilling. Dưới sự lãnh đạo của ông, Tổng Công ty đã có một năm khởi sắc với kết quả sản xuất kinh doanh đầy ấn tượng, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Ông Phạm Doãn Sơn – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt

Ông Phạm Doãn Sơn sinh năm 1967, giữ chức Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng Bưu điện Liên Việt từ năm 2008. Trước khi công tác tại LienVietPostBank, ông Sơn là trưởng phòng các tổ chức tài chính- ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước, có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Dưới sự lãnh đạo của ông Sơn, LienVietPostBank phấn đấu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, định hướng xây dựng thương hiệu mạnh trên cơ sở phát huy nội lực, hoạt động minh bạch, gắn xã hội trong kinh doanh.

Ông Đỗ Ngọc Khải – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam

Với sự nhiệt huyết trong kinh doanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đỗ Ngọc Khải đã và đang lãnh đạo thành công Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex trở thành một doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng trong ngành dầu ăn của Việt Nam với hoạt động chính là sản xuất, tinh luyện dầu thực vật các loại và cung cấp nguyên liệu cho các công ty dầu ăn trong ngành. Vocarimex hiện đang sở hữu cổ phần tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thị trường dầu ăn và hiện chi phối khoảng 80% thị phần, trong đó Cái Lân có thị phần lớn nhất, kế đến là Tường An, Golden Hope Nhà Bè và đứng thứ tư là Tân Bình.

Ông Trần Văn Phẩm – Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng

Là một lãnh đạo nhạy bén và luôn tìm tòi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, Tổng giám đốc Trần Văn Phẩm đã “chèo lái” Thủy sản Sóc Trăng trở thành một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của Việt Nam về chế biến và xuất khẩu tôm sú. Sản phẩm của công ty được khách hàng đánh giá cao và luôn là sự lựa chọn hàng đầu nhờ vào chất lượng tốt, an toàn và ổn định.

  




Văn bản gốc