Tin tức doanh nghiệp

Trang chủ » » Ông Trương Đình Tuyển: Doanh nghiệp tư nhân cứ bị chèn lấn, Việt Nam có thể thua Campuchia ở vài lĩnh vực

Ông Trương Đình Tuyển: Doanh nghiệp tư nhân cứ bị chèn lấn, Việt Nam có thể thua Campuchia ở vài lĩnh vực

01/02/2016

Trước thực trạng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang bị chèn lấn bởi các thành phần kinh tế khác, ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại cho rằng nếu không cải cách mạnh mẽ thì có nguy cơ Việt Nam thua cả Campuchia ở một số lĩnh vực.

Chia sẻ về tình hình kinh tế năm 2015 và nhận định cho năm 2016, ông Trương Đình Tuyển cho rằng mặc dù nền kinh tế đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với 6,8%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này lại không đến từ nội lực của nền kinh tế.

Dẫn chứng, tốc độ tăng trưởng trong năm 2015 không phải từ kinh tế tư nhân mà từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% giá trị công nghiệp và gần 70% xuất khẩu. như vậy, động lực tạo ra giá trị bền vững cho đất nước không nằm ở nội lực của Việt Nam nên không vững chắc.

Lo doanh nghiệp tư nhân bị chèn lấn

Trong khi đó, có rất nhiều yếu tố đang chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân. Đó là sự bành trướng của DN nhà nước, và sự lớn mạnh của DN đầu tư nước ngoài. Theo ông Tuyển, mặc dù số lượng DNNN thấp, tỷ lệ cổ phần hóa của DNNN cũng đang tăng lên, song tỷ lệ sở hữu vốn NN trong DNNN vẫn còn cao. Phương thức quản lý thì không thay đổi nên đã không tạo động lực tăng trưởng và chèn lấn DN tư nhân.

Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ cũng đang chèn lấn tín dụng cho khu vực tư nhân, làm nguồn cung tín dụng thấp đi và làm khả năng giảm lãi suất cho vay ít. Đặt trong bối cảnh FDI vay công ty mẹ và tổ chứ nước ngoài ở mức thấp, việc các DN tư nhân phải vay vốn lãi suất cao đã làm giảm sức cạnh tranh của DN.

“Bao trùm lên tất cả là DN trong nước đang yếu đi và đây là điều rất đáng lo ngại. Cần phân tích sâu hơn những vấn đề này trong thời gian tới” – Ông Tuyển khuyến nghị.

Băn khoăn thứ hai được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đưa ra là mức tăng trưởng tín dụng. Mặc dù không tăng đột biến như năm 2014, và trong năm 2015 tăng tín dụng tập trung chủ yếu vào các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo ông Tuyển thì rất có thể có lượng dòng tín dụng rất mạnh chuyển vào bất động sản, chuyển vào đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT. Như vậy, khi tín dụng chảy vào những kênh này có thể gây ra rủi ro nếu không kiểm soát tốt theo nhận định của vị chuyên gia này.

Băn khoăn thứ ba, đó là nông nghiệp được xem là nền tảng của đầu tư xã hội song vẫn ngày càng yếu đi. Theo ông Tuyển, đây là nguy cơ lớn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, các DN Thái Lan hiện đã mua nhiều cơ sở phân phối của Việt Nam, chuyển hàng từ Thái Lan sang Việt Nam bán.

“Khi là thị trường thống nhất thì việc chuyển hàng là tất yếu trong khi năng lực cạnh tranh về nông nghiệp của Thái Lan cao hơn ta nhiều, và năng lực cạnh tranh của DN VN thấp hơn nhiều” – Ông Tuyển lo ngại.

Một vấn đề nữa cũng được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đưa ra là vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Đưa ra so sánh ví von, ông Tuyển nói nợ xấu trước đây như một cái ô tô nằm giữa đường thì nay, chỉ “cẩu” nó lên vỉa hè.

“Nợ xấu vẫn không giải quyết được thực chất cho dù báo cáo của ngân hàng Nhà nước là nợ xấu chỉ còn hơn 2%. Cũng bởi ta chưa có thị trường mua bán tài sản để xử lý nợ xấu và đây là điều sẽ tác động đến nền kinh tế năm 2016” – Ông Tuyển nhận định.

Cải cách mạnh mẽ hơn trong năm 2016

Những nút thắt của kinh tế năm 2015 đã thực sự tác động đến tình hình năm 2016 ngay trong tháng Giêng đầu năm. Ông Tuyển dẫn chứng, chỉ số sản xuất công nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, nông nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn.

“Những yếu tố năm 2015 chưa tạo yếu tố nội sinh cho phát triển của đất nước, mặc dù nhìn con số bên ngoài rất ổn, tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Song việc lạm phát thấp là do chi phí đẩy không có và tổng cầu trong nước giảm, nên năm 2016 nếu không giải quyết cơ bản tiến trình cải cách thì khó khăn vẫn tiếp tục” – ông Tuyển cảnh báo.

Tuy nhiên, vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về đàm phán các hiệp định thương mại tự do này cũng cho rằng, với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, năm 2016 sẽ là năm bắt đầu đón làn sóng đầu tư từ các FTA mới, dòng vốn vào nhiều và từ đó tác động tăng trưởng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh lại rằng những yếu tố bên trong đảm bảo cho tăng trưởng cần được phân tích sâu hơn để có nhìn toàn diện hơn. Bởi nếu không, nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh như nông nghiệp, cũng có thể thua Campuchia khi nhiều sản phẩm nước này đang ngày càng có tính cạnh tranh trên thị trường và thậm chí cạnh tranh ngay tại sân nhà với các sản phẩm Việt Nam.

Theo Trí Thức Trẻ 

  




Văn bản gốc